Cứu hộ, cứu nạn trên biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:27, 05/12/2023
Cứu hộ, cứu nạn trên biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Lực lượng Cảnh sát biển là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển: Để ngư dân yên tâm bám biển
Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ.
Tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam, rất thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường đại dương.
Với số dân hơn 20 triệu người đang sinh sống, các vùng ven biển và đảo của Việt Nam đang có lực lượng lao động khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển (cả chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng rộng rãi), gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Không quân, Hàng hải,… và các lực lượng khác.
Về mặt tổ chức, Nhà nước đã thành lập Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu hộ, Cứu nạn; Trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu (trên cả 3 vùng: Bắc, Trung, Nam) cùng các cơ quan cứu hộ, cứu nạn của Quân đội, ngành Hàng hải và các địa phương ven biển,...
Trong đó, riêng nguồn lực tham gia hoạt động này của ngành Hàng hải bao gồm: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam; các cảng vụ hàng hải; hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam; hệ thống giám sát thống nhất tàu thuyền hoạt động trên biển,... Nhờ đó, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển từng bước được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo, điều hành khoa học, hoạt động có nền nếp, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng.
Lực lượng Cảnh sát biển đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển rộng lớn nên thường nhận được tín hiệu “cầu cứu” của ngư dân gặp nạn. Mặc dù còn nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, song lực lượng Cảnh sát biển luôn quán triệt tốt phương châm: Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là trách nhiệm chính trị của Cảnh sát biển” và nguyên tắc “Nhanh chóng, kịp thời, chính xác, cứu người trước, cứu phương tiện sau, coi người bị nạn như người thân trong gia đình”.
Một ví dụ là lúc 5 giờ 30 phút ngày 8/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nhận được thông tin từ Đồn Biên phòng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Tàu KG 93096 TS đang bị phá nước sắp chìm, cách Côn Đảo khoảng 18 hải lý về hướng Tây Bắc. Ngay sau khi nhận được lệnh từ Sở Chỉ huy, Tàu CSB 2011 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) đang thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên khu vực biển Côn Đảo đã nhanh chóng tăng tốc đến vị trí tàu cá bị nạn. Bằng tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, đến 7h23 cùng ngày, tàu CSB 2011 đã tiếp cận được tàu cá KG-93096-TS và cứu vớt thành công 6 người trên tàu cá, chuyển lên tàu bảo đảm an toàn, tình trạng sức khỏe các thuyền viên bình thường.
Đến 8h45’, ngày 8/11, tàu CSB 2011 đã hoàn thành thủ tục và tiến hành bàn giao toàn bộ 5 ngư dân và 1 trẻ em cho Đồn Biên phòng Côn Đảo và cơ động tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ việc cứu hộ của lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian qua. Trước đó, vào đêm 26/10, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên khu vực biển Tây Nam, biên đội tàu CSB 4033 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 nhận được tín hiệu đề nghị hỗ trợ y tế từ tàu cá KG 93705 TS do ông Trương Văn Phúc (SN 1981, địa chỉ thường trú tại Vĩnh Hòa, U Minh Thượng, Kiên Giang) làm thuyền trưởng về việc trên tàu có 2 ngư dân bị ngạt khí độc (do làm việc trong hầm cá).
Nhận được tin báo, biên đội tàu CSB 4033 đã điều động tổ công tác cơ động tiếp cận tàu cá để hỗ trợ y tế cho ngư dân. Tại thời điểm tiếp cận, trên tàu cá có 1 người đã tử vong, 1 người còn lại đang trong tình trạng nguy kịch, mạch yếu, nhịp thở nông. Tổ Quân y đã tiến hành cấp cứu, chăm sóc y tế và nạn nhân đã có tiến triển tốt, huyết áp và hơi thở ổn định. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã hướng dẫn thuyền trưởng tàu cá KG 93705 TS tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe và khẩn trương đưa nạn nhân về bờ để điều trị.
Vì sao công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển còn nhiều hạn chế?
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển còn thấp, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác cứu nạn hàng hải đòi hỏi tính khẩn cấp và yêu cầu về phương tiện, thiết bị, nhân lực cao trong khi nguồn lực còn hạn chế; vùng biển nước ta dài, trải rộng...
Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc Vietnam MRRC, cho biết hiện đơn vị này đang quản lý, khai thác 7 tàu tìm kiếm, cứu nạn, 9 canô cao tốc chuyên dụng và hệ thống cơ sở hậu cần phục vụ tìm kiếm cứu nạn được bố trí tại 4 trung tâm và các khu vực trải dài trên cả nước.
Trong những năm qua, tàu chuyên dụng của Vietnam MRRC đã thực hiện được rất nhiều vụ cứu nạn khác nhau, trong đó vụ cứu nạn xa nhất thực hiện tại khu vực phía Đông đảo Bông Bay - quần đảo Hoàng Sa, cách bờ trên 380 hải lý. Sự nỗ lực của Vietnam MRRC đã góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con ngư dân, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho thuyền viên và ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển, góp phần đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam MRRC, cho biết mỗi năm trung bình đơn vị nhận được từ 300-400 thông tin về các sự cố trên biển. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, trung tâm đã xử lý 3.212 vụ việc báo nạn; điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường 432 lần; cứu, hỗ trợ trực tiếp 5.450 người bị nạn, trong đó có 215 người nước ngoài; cứu và hỗ trợ 446 tàu, trong đó có 11 tàu nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2022, trung tâm đã nhận được 123 vụ thông tin báo nạn. Trung tâm đã tham gia phối hợp trong 89 vụ và 26 lần phải điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Kết quả, đã trực tiếp cứu và hỗ trợ cứu được 327 người (trong đó có 8 người nước ngoài). Trong đó, số lượng tàu cá của ngư dân gặp nạn vẫn chiếm phần lớn (70%-80%), còn lại là tàu hàng.
Theo ông Hùng, hiện các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Vietnam MRRC có tầm hoạt động hạn chế, tàu lớn nhất chỉ dài 41 m, lượng nhiên liệu chứa trên tàu không được nhiều. Cụ thể Vietnam MRRC chỉ có 7 tàu (trong đó 3 tàu SAR 41 có bán kính hoạt động 250 hải lý, 4 tàu SAR 27 với bán kính hoạt động 150 hải lý), mức độ chịu đựng sóng gió nhỏ (SAR 41 dưới cấp 8; SAR 27 dưới cấp 7) và thời gian hoạt động dài ngày trên biển cũng rất hạn chế, tối đa chỉ 2-3 ngày.
Bên cạnh đó, việc cứu hộ cứu nạn trên biển còn rất nhiều gian nan bởi vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2, với chiều dài hơn 3.260 km bờ biển, vì thế công tác cứu nạn rất khó khăn. "Lực lượng, nhân lực, phương tiện của trung tâm đang quá mỏng, chưa hiện đại, ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế" - ông Vũ Việt Hùng nói.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Xuân, Phó Chính ủy Cảnh sát biển, để cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn...; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nắm và dự báo chính xác tình hình thiên tai, bão lũ, áp thấp nhiệt đới...; chủ động tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện, trang thiết bị./.