Báo Kinh tế và Đô thị: Nhiều giải pháp cụ thể hóa chiến lược CĐS báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 08:35, 17/12/2023

Báo Kinh tế và Đô thị (KT&ĐT) đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Truyền thông

Báo Kinh tế và Đô thị: Nhiều giải pháp cụ thể hóa chiến lược CĐS báo chí

Bình Minh 17/12/2023 08:35

Báo Kinh tế và Đô thị (KT&ĐT) đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Báo đã bám sát Bộ Chỉ số CĐS báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong đó, có việc ra mắt hệ sinh thái với các ấn phẩm và kênh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội (MXH).

z4977004734586_a08c9e64b84d887c7ef41a8d988021ce-1-.jpg
Ra mắt Kênh thông tin trên Youtube của Báo KT&ĐT

Những bước phát triển cho mục tiêu tốp đầu về CĐS báo chí

Báo KT&ĐT ra đời ngày 01/01/1999 tại Hà Nội, sau 25 năm trưởng thành và phát triển. Hiện nay, hệ sinh thái Báo đang vận hành có 02 tờ báo in, 01 báo điện tử và 06 chuyên trang trực thuộc Báo. Do vậy, việc thay đổi cách thức làm việc, sản xuất nội dung thông tin, hệ thống quản trị kỹ thuật có thể đáp ứng giúp Ban Biên tập, lãnh đạo các ban chuyên môn kịp thời nắm bắt chỉ đạo, điều hành thường xuyên, kịp thời là việc cấp thiết.

Ngày 01/01/2022, Báo KT&ĐT chính thức thay đổi giao diện, hệ thống quản trị nội dung Báo Điện tử KT&ĐT tiến thẳng lên hiện đại có thể sản xuất và xuất bản những tin, bài báo chí đa phương tiện như: Infographic, E-magazine, Longform, Podcast và ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo KT&ĐT, với việc thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, cách thức triển khai, quy trình làm báo, Báo KT&ĐT xác định rõ ràng và nhất quán, muốn CĐS thành công cần phải thay đổi tư duy của lãnh đạo, phong cách và kỹ năng làm báo cho phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), thư ký trong tòa soạn.

So với trước kia, đa số cán bộ, PV, BTV đã quen với việc làm báo in xong mới làm cho báo điện tử, trong xu thế hiện nay cần ưu tiên báo điện tử trước, đây là việc cốt lõi, quan trọng nhất để thành công. Để thực hiện thành công CĐS, xây dựng tòa soạn số, Báo KT&ĐT tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, hướng dẫn các PV, BTV, thư ký tòa soạn làm báo chí hiện đại trên điện tử, trên di động (mobile) như quay, dựng video, chụp ảnh, infographic, E-magazine, podcast… Sau mỗi khóa đào tạo sẽ tiến hành đánh giá, tổ chức các cuộc thi bằng những tin, bài thực tế được đăng trên các ấn phẩm của Báo.

Cùng với đó, BBT cũng xác định việc phát triển bạn đọc là mục tiêu quan trọng, nâng thương hiệu của Báo trên các nền tảng số, thu hút quảng cáo số là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số.

Cụ thể, Báo đã lựa chọn thuê đối tác cùng phối hợp với bộ phận nội dung tổ chức đào tạo SEO (cung cấp "trend" hàng ngày, đào tạo bộ phận nội dung tối ưu, lựa chọn từ khóa tốt nhất để tin, bài được các công cụ tìm kiếm nhận diện nhanh nhất), tối ưu hệ thống kỹ thuật cho báo điện tử trên các công cụ tìm kiếm lớn như Google, Bing, Coccoc, chia sẻ tin, bài trên MXH… với chủ trương tin, bài được sản xuất ngoài mục tiêu tuyên truyền phải có bạn đọc biết đến chính tin, bài do mình sản xuất ra.

1.jpg
Thực hiện sản xuất tác phẩm báo chí số tại Báo KT&ĐT

Cùng với nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng nội dung các ấn phẩm, đầu tư thiết bị công nghệ, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, PV, BTV, đổi mới phương thức sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số, Báo KT&ĐT đang cho thấy những bước phát triển mạnh mẽ cho mục tiêu trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về CĐS báo chí.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2023, Báo đã ra mắt hệ sinh thái với các ấn phẩm và kênh thông tin trên các nền tảng MXH. Trong đó, kênh thông tin trên nền tảng Xalo hiện đạt tới hàng triệu lượt tương tác. Báo đã chủ động cụ thể hóa Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bám sát Bộ Chỉ số CĐS báo chí theo Quyết định số 951/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT và các văn bản chỉ đạo của thành phố về CĐS”, ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Thực tế cũng chứng minh Báo KT&ĐT đang từng bước hoàn thiện mô hình tòa soạn hội tụ, mở rộng kênh tương tác với bạn đọc, ngày 25/10/2023, Báo KT&ĐT đã ra mắt ứng dụng nền tảng sáng tạo video số tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng Youtube, góp phần mở rộng kênh tương tác, mang đến cho bạn đọc nguồn thông tin tin cậy, nhanh nhạy bằng sản phẩm báo chí đa phương tiện.

Nhiều ý kiến đánh giá, đây được coi là bước tiến mới trong việc ứng dụng AI và CĐS báo chí, tạo nguồn thu quảng cáo số và tăng giá trị thương hiệu cho Báo KT&ĐT trong thời gian tới…

Mục tiêu, giải pháp xây dựng tòa soạn số

Dù đạt được nhiều kết quả, cũng như đề ra nhiều mục tiêu cụ thể để cụ thế hóa công tác CĐS báo chí, thế nhưng, lãnh đạo Báo KT&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận rõ một số mặt còn chưa làm được, đặt ra vấn đề cần giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tổng Biên tập Báo KT&ĐT Nguyễn Thành Lợi chia sẻ, mục đích của Báo nhằm xây dựng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, của Thủ đô; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Trên cơ sở hệ sinh thái hiện có, cùng với các ấn phẩm báo in, hệ giá trị báo điện tử, các chuyên trang và nền tảng MXH của Báo KT&ĐT đã bước đầu tạo sự lan tỏa khá lớn với tổng lượng người truy cập khoảng 10 triệu người/tháng.

Báo đang tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm báo chí dữ liệu, dự kiến cuối năm 2023, báo ra mắt mô hình tòa soạn hội tụ; hoàn thành 100% việc triển khai, xây dựng các nền tảng MXH đối với hệ sinh thái của Báo KT&ĐT; từng bước đưa nội dung, cơ sở dữ liệu lên các nền tảng số.

Cùng với đó, hoàn thành 100% việc triển khai, xây dựng các nền tảng MXH đối với hệ sinh thái của Báo KT&ĐT; 100% nội dung, cơ sở dữ liệu được đưa lên các nền tảng số; Hoàn thành 100% xây dựng hệ thống phần mềm kế toán, văn phòng, quản lý phát hành, quảng cáo, liên thông với các hệ thống trong hệ sinh thái của Báo KT&ĐT, từ đó có thể phân tích, đánh giá trong hoạt động tài chính, kế toán của báo, tăng nguồn thu quảng cáo số.

Báo KT&ĐT xác định, đến năm 2025 cơ quan báo chí này phấn đấu dẫn đầu về CĐS, công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan báo chí của Thủ đô; Hoàn thành 100% việc xây dựng Báo hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của các công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số;

Báo cũng tiến tới hoàn thành 100% ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động chuyên môn; Hoàn thành 100% xây dựng hệ thống an toàn thông tin, bảo mật đối với hạ tầng công nghệ thông tin Báo KTĐT;

Phấn đấu 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ an toàn trên hệ thống tòa soạn số, dữ liệu luôn luôn sẵn sàng phục vụ các nhu cầu công việc của các phòng, ban chuyên môn; 100% các ấn phẩm được đưa trên nền tảng MXH có doanh số quảng cáo tăng tối thiểu 50%, đạt mức tối thiểu 150 triệu đồng/tháng.

Định hướng đến năm 2030, Báo KT&ĐT sẽ hoàn thành việc CĐS tại Báo, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động chuyên môn; Phát triển và xây dựng các sản phẩm báo chí số, nền tảng số, số hóa dữ liệu để xây dựng mô hình dữ liệu lớn, từ đó xây dựng và triển khai mô hình kinh tế số, triển khai dịch vụ thu phí đọc báo dựa trên các nền tảng ICT của báo.

Đồng thời, xây dựng các công cụ thu thập dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí. Xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí, thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng báo chí điện tử. Hình thành trung tâm dữ liệu KT&ĐT, xây dựng các dịch vụ để chuyển hóa dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi kỳ vọng./.

Bình Minh