Hỗ trợ người dân thiết thực khởi tạo chứng thư chữ ký số và ký số dịch vụ công
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:15, 16/12/2023
Hỗ trợ người dân thiết thực khởi tạo chứng thư chữ ký số và ký số dịch vụ công
Chương trình cấp chứng thư chữ ký số (CKS) miễn phí cho người dân trong năm 2023 đã được triển khai tại 18 tỉnh, địa phương mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Thúc đẩy phổ cập CKS trên địa bàn các tỉnh
Thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ, nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số từ xa để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong năm 2023, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đã phối hợp với Câu lạc bộ chữ ký số (CKS) và các đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số từ xa (remote signing) triển khai chương trình cấp chứng thư CKS miễn phí cho người dân tại 18 tỉnh, địa phương.
18 tỉnh, địa phương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Bình Định, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Đắk Lắk.
Trong chương trình này, ngoài các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng CKS, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa để thực hiện các giao dịch điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thư CKS công cộng (CA) còn cam kết một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi như miễn phí cho người dân trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chứng thư CKS và ký số dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết 31/10/2023, 260.500 chứng thư CKS cá nhân đã được cấp miễn phí cho người dân theo chương trình này.
Trong thời gian tới, NEAC tiếp tục phối hợp với các CA công cộng để triển khai cấp chứng thư CKS trên nhiều địa bàn hơn để tạo động lực thúc đẩy cho hoạt động này trên cả nước, đẩy mạnh chuyển đổi số đến từng địa phương nói chung và đến từng công dân nói riêng.
Định hướng về CKS, dịch vụ chứng thực CKS và xác thực điện tử
Đối với dịch vụ chứng thực CKS công cộng
Với nhận thức CKS là một thành tố quan trọng đảm bảo tính pháp lý, bảo mật cho giao dịch điện tử của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chứng thực CKS.
Việc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng cung cấp dịch vụ của các CA công cộng đáp ứng các tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế được xác định là nhu cầu cấp thiết để hội nhập quốc tế, công nhận lẫn nhau về CKS và dịch vụ chứng thực CKS trong khu vực và trên thế giới.
Công tác truyền thông về CKS đến các cá nhân, doanh nghiệp và người dân về các loại hình dịch vụ áp dụng CKS phổ biến như dịch vụ công trực tuyến, hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, bảo hiểm điện tử, từng bước đưa CKS thành khái niệm quen thuộc, có thể sử dụng hàng ngày sẽ được tăng cường. Đặc biệt trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội về sự cần thiết, quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số trong đó bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt.
Theo đó, cần có các chương trình truyền thông về CKS và vai trò của CKS thông qua nhiều hình thức, lan truyền từ điểm tới điểm, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao để người dân, doanh nghiệp, tổ chức tăng cường sử dụng CKS trong giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử.
Tiếp theo, phạm vi áp dụng của chứng thư CKS sẽ được nghiên cứu thêm cho các ngành nghề chuyên biệt như chứng thư CKS đáp ứng yêu cầu cao về an toàn, giảm thiểu rủi ro, tăng tính tin cậy trong các lĩnh vực như ngân hàng điện tử, chứng khoán, hoá đơn điện tử…
Đồng thời là thực hiện việc nghiên cứu, mở rộng dịch vụ điện tử hoặc dịch vụ số áp dụng CKS cá nhân từ các đơn vị cung cấp ứng dụng trong cả khu vực nhà nước (các dịch vụ công trực tuyến) và khu vực doanh nghiệp, tư nhân (các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hợp đồng điện tử…).
Hệ thống Root CA sẽ được nâng cấp, đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu đưa chứng thư CKS của Root CA vào các hệ điều hành, trình duyệt web nhằm tăng tính tin cậy cho dịch vụ SSL đáp ứng việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Đối với dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong cơ quan nhà nước
Để công tác cung cấp, quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ được chặt chẽ, đúng quy định và thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng CKS phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ ứng dụng CNTT, đảm bảo xác thực, bảo mật và an toàn thông tin, cải cách thủ tục hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, một số định hướng cụ thể trong giai đoạn tới có thể kể đến như:
Bộ TT&TT nghiên cứu, bổ sung tiêu chí ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và nghiêm túc triển khai các nội dung tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và chuyển đổi số.
Bộ TT&TT phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hội nghị, hội thảo nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CKS; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai CKS do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp./.