Bộ Công an khuyến cáo 4 biện pháp phòng chống cháy, nổ
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:50, 10/12/2023
Bộ Công an khuyến cáo 4 biện pháp phòng chống cháy, nổ
Bốn biện pháp phòng, chống cháy nổ được khuyến cáo là: Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng; giám sát việc sử dụng bếp ga, bếp điện, bàn là… ; ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Bộ Công an khuyến cáo người dân, nếu xảy ra hỏa hoạn, cần bình tĩnh tìm cách xử lý tình huống. Trong một số trường hợp, người gây ra đám cháy hoảng loạn bỏ chạy, không báo cho những người xung quanh, để mặc ngọn lửa lan ra, làm bùng phát thành đám cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
4 kỹ năng cần thiết để thoát hiểm khi có cháy là: 1.tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát nạn 2. nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. 3.hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc. 4. Các nhà, công trình có lồng sắt bịt kín, cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực để mở lối thoát hiểm khi cần thiết.
Khi phát hiện đám cháy nhỏ, cần tìm cách dập lửa, có thể dập lửa bằng nước, hoặc bình chữa cháy, cát, hoặc nhúng ướt chăn hoặc tấm vải lớn trùm lên đám cháy…; hô hoán để có người biết mà đến trợ giúp dập lửa.
Nếu đám cháy quá lớn vượt ngoài tầm kiểm soát, phải nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn tạm thời trong khi chờ cứu hộ; gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số máy khẩn cấp 114 để được trợ giúp. Phải dập ngay cầu dao điện đề phòng cháy gây chập điện.
Tìm lối ra an toàn khỏi đám cháy: Với những nhà cao tầng riêng lẻ, nếu lửa và khói đã chặn mất đường thoát nạn chính ở tầng trệt thì phải tìm lối thoát nạn khác ở tầng cao hơn. Nếu đang ở tầng thấp thì có thể thoát nạn qua đường ban công, cửa sổ.
Nếu không có lối ra thì tập hợp mọi người trong 1 phòng, nếu phòng có nguồn nước thì cắt điện, xả nước ngập sàn nhà; dùng vải, quần áo nhúng nước bịt kín các khe hở để ngăn khói tràn vào phòng. Kêu cứu qua cửa sổ để báo hiệu cho người bên ngoài biết vị trí của mình.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi đang xảy ra hỏa hoạn. Tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh, gầm giường hay tủ vì lực lượng cứu hộ sẽ rất khó tìm ra, những nơi đó lại dễ bị nhiễm khói độc, gây tử vong nhanh chóng.
Nếu đang ở trong phòng mà biết bên ngoài có cháy, muốn ra ngoài để tìm đường thoát, phải kiểm tra bằng cách đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy cửa ấm thì không mở vì lửa đã ở bên ngoài.
Hoặc nếu lỡ vội vàng mở cửa mà thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì phải đóng cửa lại thật nhanh, sau đó tìm cách ngăn khói tràn vào phòng.
Nếu ở chung cư, cao ốc, hệ thống thang bộ thoát hiểm có cửa ngăn khói. Hãy tìm cách đến được vị trí cửa thoát hiểm, vào thang bộ để thoát thân. Khi có báo động cháy, không cố mang theo thú cưng hay tài sản vì thời gian để thoát hiểm trong đám cháy được tính bằng phút, có khi được tính bằng giây.
Trong khi tìm đường thoát khỏi đám cháy, phải hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc bằng cách sử dụng khăn, vải nhúng ướt nước bịt kín miệng và mũi; nếu tìm được tấm vải to hoặc chăn, nhúng nước rồi quàng lên người thì càng tốt; luôn cúi thấp người hoặc di chuyển bằng tư thế bò để tránh khói độc; tránh chạm vào đồ đạc vì có thể bị bỏng, cố gắng tìm giày, dép để đi tránh bỏng chân; tuyệt đối không tự mình xông qua đám cháy; khi quần áo bị bắt lửa, nếu chạy, lửa sẽ càng cháy mạnh, phải nằm xuống lăn người qua lại để dập lửa.
Nhiều gia đình làm lồng sắt bao kín ban công, sân thượng, bịt mất lối thoát hiểm trong trường hợp nhà bị cháy. Bộ công an đã khuyến cáo phải mở lối thoát hiểm thứ hai cho ngôi nhà. Sau nhiều đám cháy gây chết người ở những nhà xây dựng ban công, sân thượng theo kiểu “chuồng cọp”, nhiều người đã tháo dỡ lồng sắt hoặc cắt lồng sắt mở cửa thoát hiểm.
Trường hợp vẫn chưa xử lý lồng sắt để có cửa thoát hiểm, phải chuẩn bị sẵn búa, rìu… để có dụng cụ cần thiết bẻ gãy hoặc bẻ cong các thanh chắn trên lồng sắt để có lối thoát hiểm.
Khi đã thoát được ra ngoài mà trong nhà vẫn còn người bị mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết vị trí của người đó cho lực lượng cứu hỏa để họ có thể tiếp cận vị trí nhanh nhất.
Để hạn chế tối đa rủi ro, cần cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Trước khi rời khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ, phải kiểm tra bếp, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Khi đang đun nấu, thắp hương, phải có người trông coi, đề phòng xảy ra tình huống xấu.
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; thường xuyên kiểm tra hệ thống dây diện, ổ cắm, phát hiện hư hỏng để kịp thời thay thế; không cắm nối, sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm.
Phòng cháy hơn chữa cháy. Mỗi gia đình cần tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để xử lý khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/1/2023 nhấn mạnh “Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”.
Trong Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu trong năm nay, chính quyền các địa phương phải vận động mỗi gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy.
Cháy, nổ là điều không ai mong muốn, nhưng có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu, nên công tác phòng cháy cần được đặt thành ưu tiên đối với mọi gia đình. Thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện được bán rộng rãi, các gia đình có thể tìm mua để trang bị cho ngôi nhà của mình. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đề nghị các gia đình trang bị cho mình những thiết bị sau, đồng thời học cách sử dụng chúng một cách thành thạo:
1.Bình chữa cháy xách tay: Có thể mua bình bột chữa cháy (MFZ4 - loại 4kg) hoặc bình khí chữa cháy (MT3 – 3kg khí). Tùy theo nhu cầu sử dụng dựa vào diện tích nhà hoặc không gian nhà mà có thể tìm mua các loại bình khác với dung tích lớn hơn. Bình chữa cháy cần được đặt ở các vị trí dễ lấy khi không may xảy ra sự cố. Các thành viên trong gia đình cần học cách sử dụng thiết bị này. Bình chữa cháy có thời hạn sử dụng, nên cần chú ý đến thời hạn sử dụng ghi trên bình, không để xảy ra tình trạng bình chữa cháy quá hạn không sử dụng được khi cần đến.
2. Mặt nạ phòng độc: Khi xảy ra cháy, phần lớn nạn nhân chết là vì ngạt khói trước khi bị cháy cho lửa. Ngay cả những người thoát được ra khỏi đám cháy cũng có nguy cơ bị bỏng cơ quan hô hấp do khói độc, do hơi lửa. Bỏng hô hấp lại là loại bỏng nguy hiểm, rất khó chữa, mất một thời gian mới phát tác nên càng nguy hiểm cho người bị thương. Người đeo mặt nạ phòng độcsẽ tránh được việc hít phải khói bụi, khí độc từ đám cháy, có thể nhanh chóng di chuyển qua các đám cháy nhiều khói để tới được nơi an toàn. Người có măt nạ chống khói sẽ có thêm thời gian chờ lực lượng hỗ trợ tới cứu.
3. Hệ thống, thiết bị báo cháy: Tùy theo kiến trúc ngôi nhà mà các gia đình có thể tìm mua thiết bị báo khói, báo cháy để lắp ở nhà mình. Những thiết bị này không quá đắt tiền, có thể cảnh báo sớm sự cố cho người trong nhà biết để kịp thời xử lý, không để xảy ra cháy lớn.
5. Các gia đình có thể trang bị thêm các phương tiện phá dỡ để tìm lối thoát hiểm, như búa, rìu…; các thiết bị để thoát hiểm như thang, thang dây…
6. Cài đặt và biết cách sử dụng ứng dụng điện thoại “báo cháy 114” để thông báo cho lực lượng cứu hỏa khi xảy ra cháy, nổ. Hoặc có thể gọi điện thoại tới số 114.
Tự trang bị cho gia đình mình thiết bị báo cháy, bình chữa cháy, thang, thang dây, dây tự cứu hạ chậm, mặt nạ chống khói… là hành động cẩn trọng khôn ngoan./.