Công tác phòng cháy, chữa cháy: Đặt an toàn tính mạng người dân là trên hết
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:54, 06/12/2023
Công tác phòng cháy, chữa cháy: Đặt an toàn tính mạng người dân là trên hết
Theo tinh thần Chỉ thị số 01 "Về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới", một trong những yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là trong năm 2023, vận động mỗi gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy.
Phương tiện ở trong dân
Chỉ thị ra đời trên cơ sở nhận định “thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH.
Công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Đồng thời, Chỉ thị nhận định còn do một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ..
Trước tình hình đó, Chỉ thị yêu cầu công tác PCCC và CNCH phải quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn.
Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân.
Nhiều địa phương sáng tạo trong vận động người dân mua bình chữa cháy
Một trong những yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là trong năm 2023, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương vận động mỗi gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã phát động mô hình mỗi gia đình trang bị một bình chữa cháy.
Công an huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, tổ chức phát động phong trào cán bộ, chiến sỹ trang bị bình chữa cháy cho gia đình và người thân. Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ đã trang bị 1 bình chữa cháy cho gia đình mình và cam kết sẽ tăng cường vận động người thân, người dân trang bị cho mỗi nhà ít nhất 1 bình chữa cháy.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang phải gương mẫu tự trang bị 1 bình chữa cháy cho gia đình mình; mọi gia đình trong tỉnh có bình chữa cháy trước ngày 31/12/2023.
Yêu cầu trang bị bình chữa cháy đối với người lao động trong các cơ quan nhà nước sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận xét, đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng cuối năm đối với từng cơ quan, đơn vị. Với các hộ dân, tỉnh vận động tự trang bị bình chữa cháy; huy động nguồn xã hội hóa để mua tặng thiết bị PCCC cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tỉnh Trà Vinh yêu cầu những người công tác trong lực lượng vũ trang gương mẫu tham gia phong trào “mỗi gia đình tự trang bị 1 bình chữa cháy” và vận động người thân, hộ gia đình nơi cùng sinh sống tham gia; huy động nguồn lực xã hội hóa để mua tặng bình chữa cháy cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Một số tuyến phố ở thành phố Kon Tum đã có 100% hộ dân tự trang bị bình chữa cháy, như: Trường Chinh, Ngô Tất Tố, Urê, Nguyễn Trãi, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Viết Xuân, Trần Phú,…
Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu cứu hộ phải được gắn với các phong trào xây dựng khu dân cư của địa phương thực hiện từ năm 2023 trở đi.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC tại hộ gia đình; tích cực vận động và tham gia thực hiện phong trào toàn dân PCCC.
Gắn kết phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương phát động, đưa nội dung phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH thành một nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Lựa chọn loại bình chữa cháy nào cho phù hợp?
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của việc trang bị bình chữa cháy trong mỗi gia đình thì không phải chỉ ở việc mua bình chữa cháy mà còn đi kèm theo việc tập huấn kỹ năng chữa cháy. Chưa kể trên thị trường có nhiều loại bình chữa cháy. Khi chọn bình chữa cháy cho gia đình mình, người dân nên chọn mua loại bình nào cho phù hợp?
Trả lời VOV, một cán bộ Cảnh sát PCCC, Công an thành phố Hà Nội, cho biết, bình chữa cháy phổ biến trên thị trường là loại chữa cháy bằng bột và chữa cháy bằng khí CO2.
Mỗi loại bình chữa cháy phù hợp với việc chữa cháy ở từng địa hình, môi trường. Các gia đình nên chọn loại bình chữa cháy CO2 3kg hoặc 5kg, bình bột chữa cháy loại 4kg. Những loại bình này phù hợp với người chữa cháy không chuyên khi trong nhà xảy ra sự cố cháy, nổ.
Trên thị trường hiện có nhiều loại bình chữa cháy, không loại trừ trong đó có nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là sau khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy thảm khốc, nhiều người dân đổ xô trang bị thiết bị chữa cháy cho gia đình mình.
Chuyên gia này khuyên: “Trên thị trường, các thiết bị PCCC có nhiều chủng loại, nhưng đối với các hộ dân, chúng tôi luôn tuyên truyền kỹ về các loại bình chữa cháy tại chỗ, các loại bình này được nhiều đại lý bán hiện nay".
Về việc phân biệt các thiết bị có đảm bảo hay không, theo khoản 5 Điều 37, Nghị định 136/2020, các phương tiện PCCC sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu phải bảo đảm về các thông số kỹ thuật theo thiết kế phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam.
Người dân khi mua các bình chữa cháy phải quan sát tem kiểm định dán trên bình chữa cháy thì đó mới các các phương tiện được kiểm định và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nếu bình chữa cháy không đạt chất lượng, hậu quả sẽ rất khó lường. Thậm chí, khi đó, bình chữa cháy không dập được đám cháy mà có thể làm đám cháy trở nên tồi tệ hơn./.