Chuyển đổi số ngành xăng dầu song hành chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:05, 08/01/2024
Chuyển đổi số ngành xăng dầu song hành chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi số (CĐS) mang lại nhiều lợi ích cho các ngành nghề, lĩnh vực. Với ngành xăng dầu, CĐS có ý nghĩa to lớn vì đây là ngành có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô nói chung, cũng như khi xu hướng năng lượng xanh đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy vậy, các DN xăng dầu vẫn còn loay hoay …
Tóm tắt:
- 60 - 90% hoạt động hàng ngày của ngành xăng dầu có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
- Thách thức trong CĐS ngành xăng dầu: Nhận thức, tư duy chưa thống nhất; Mô hình quản trị và các quy trình
đi kèm còn chưa theo kịp thực tiễn tiên tiến; Hạ tầng còn nhỏ lẻ, thiếu kết nối.
- Chiến lược CĐS toàn diện cho Petrolimex đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với yêu cầu “thân thiện
với môi trường”.
CĐS: “Chìa khóa” phát triển bền vững cho ngành xăng dầu
Theo hãng nghiên cứu McKinsey, Bain&Company, nhiều năm qua, CĐS trong lĩnh vực năng lượng đã mang lại nhiều thành công như tiết kiệm chi phí, cải tiến chất lượng và năng suất... CĐS có thể được coi là một yếu tố quyết định chính để giải quyết các thách thức và cải thiện khả năng cạnh tranh của các DN trong ngành cũng như giữa ngành Xăng dầu và các ngành kinh tế khác. Có tới 60-90% hoạt động hàng ngày của ngành xăng dầu có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) hay học máy và các DN xăng dầu có thể cải thiện hiệu suất từ 6-8% với việc tối ưu hóa dữ liệu.
CĐS mang lại hiệu quả tối ưu nhờ cơ chế vận hành dựa trên dữ liệu. Trong ngành xăng dầu, CĐS bao gồm việc tích hợp các công nghệ số vào hoạt động, quy trình và mô hình kinh doanh. Hơn nữa, CĐS là việc thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu để cung cấp những hiểu biết có giá trị nhằm tối ưu hóa hoạt động, giảm thời gian ngừng hoạt động và cải thiện độ an toàn. Chẳng hạn, số hóa giúp các công ty giám sát và quản lý tài sản của họ từ xa, đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm nguy cơ tai nạn.
Mục tiêu của CĐS là tạo ra một ngành công nghiệp linh hoạt, hiệu quả và phản ứng nhanh hơn, có thể thích ứng tốt hơn với thị trường đang thay đổi và các điều kiện pháp lý, đồng thời giảm tác động đến môi trường. Các công ty xăng dầu có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến như tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cải thiện các tiêu chuẩn an toàn. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ thu hồi carbon cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi của ngành sang một tương lai ít carbon.
Hơn nữa, CĐS giúp ngành xăng dầu thích ứng với bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và duy trì tính cạnh tranh trong các ngành tương ứng. Bằng cách kết hợp các công nghệ kỹ thuật số, các công ty có thể hợp lý hóa các quy trình, tăng hiệu quả và cải thiện trải nghiệm của khách hàng, khẳng định vị thế của mình để đạt được thành công lâu dài trong bối cảnh năng lượng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.
Theo Báo cáo “Xu hướng CĐS ngành xăng dầu, hướng tới phát triển bền vững” của FPT Digital thực hiện quý III-2023, quá trình CĐS ngành xăng dầu cần đồng bộ trên toàn chuỗi giá trị, gồm khâu thượng nguồn (thăm dò và sản xuất), trung nguồn (vận chuyển và lưu trữ) và hạ nguồn (thị trường tinh chế và bán lẻ).
Cụ thể, khâu thượng nguồn trong chuỗi giá trị xăng dầu cần đổi mới, sẵn sàng đón nhận thách thức mới theo định hướng phát triển bền vững. Trong khi đó, khâu trung nguồn và hạ nguồn trong chuỗi giá trị xăng dầu trở nên chủ động hơn và khai phá những cơ hội tiềm năng mới. Và CĐS là câu trả lời cho ngành xăng dầu trong xu thế chuyển dịch năng lượng xanh, giúp DN xăng dầu tối ưu vận hành trong các hoạt động thăm dò và khai thác mỏ xăng dầu, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Thực trạng CĐS tại ngành xăng dầu Việt Nam
Báo cáo của FPT Digital cũng đã đưa ra những lợi ích cơ bản, dễ thấy của ngành xăng dầu khi thực hiện CĐS. Thứ nhất là tăng trưởng bền vững, trong đó công nghệ số có thể giúp các công ty xăng dầu theo dõi và giảm thiểu tác động tới môi trường, giúp nâng cao hiệu quả quản trị và minh bạch bằng cách cung cấp dữ liệu thời gian thực và thông tin chi tiết cho ban quản lý cùng các bên liên quan.
Thứ hai, cũng như các ngành nghề, lĩnh vực khác, CĐS sẽ giúp DN xăng dầu tăng hiệu suất vận hành, như tối ưu hóa chi phí, tối ưu vốn lưu động, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm giờ làm việc, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, ... nhờ truy cập dữ liệu liên tục, cải thiện quy trình làm việc “không giấy tờ”...
Ngoài ra, CĐS cũng thúc đẩy an toàn lao động bằng cách đánh giá, ghi nhận các hoạt động thiếu đảm bảo an toàn lao động, từ đó phòng ngừa những người lao động thiếu tuân thủ nguyên tắc an toàn lao động,...
Và cuối cùng, CĐS mở ra cơ hội kinh doanh mới. Công nghệ giúp DN vượt qua các giới hạn như địa lý hay sản phẩm và hoạt động bị đóng khung từ trước đến nay, để thấy được các cơ hội và khả năng đáp ứng các nhu cầu mới.
Tuy nhiên, CĐS ngành xăng dầu còn gặp một số khó khăn chung, như nhận thức, tư duy về CĐS của các DN xăng dầu chưa thống nhất, còn hạn chế dẫn tới thiếu sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho công cuộc CĐS.
Mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của các DN xăng dầu còn lạc hậu, chưa theo kịp thực tiễn tiên tiến trên thế giới. Các DN xăng dầu tại Việt Nam đã sử dụng một số công nghệ số trong thời gian khá dài, song còn rời rạc, thiếu tính liên kết, ít được phổ cập, trao đổi kinh nghiệm, tức là quá trình CĐS toàn diện chậm và chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi của thế giới.
Ngoài ra, hạ tầng thông tin của các DN xăng dầu còn nhỏ lẻ và thiếu kết nối khiến quá trình chuyển đổi đi chậm hơn và thiếu hiệu quả. Ngành xăng dầu đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ cao và các hoạt động trong chuỗi giá trị có thể tạo ra hàng tỷ dữ liệu mỗi ngày, nhưng hiện tại chỉ có khai thác được tỷ lệ nhỏ trong công tác quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực khai thác xăng dầu ở Việt Nam có hơn 30 năm phát triển, công tác tối ưu khai thác, gia tăng thu hồi dầu luôn được chú trọng.
Dù vậy, quá trình khai thác chưa được số hóa nhiều như số lượng cảm biến theo dõi còn ít, các hoạt động có thể theo dõi được bằng công cụ số còn hạn chế... đã làm cho việc tích hợp và xử lý dữ liệu gặp khó khăn. Hơn nữa, trong quá trình khoan thăm dò tại Việt Nam có rất nhiều dữ liệu được thu thập nhưng lại rời rạc và lưu trữ theo từng dự án, nhà thầu, hợp đồng chứ chưa được tích hợp tốt để xử lý và giải các bài toán tối ưu.
Tại khâu hạ nguồn, các nhà máy chế biến xăng dầu cũng đã thu thập, tổng hợp và có phân tích dữ liệu bước đầu. Tuy nhiên, việc phân tích cần đi vào chiều sâu, trên nền tảng số liệu đầy đủ hơn, kỹ thuật phân tích hiện đại hơn và tiến tới các bước hình ảnh hóa và tăng cường thực tế nhằm hỗ trợ đưa ra quyết định điều hành kịp thời, tối ưu hóa sản xuất, bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, hành lang pháp lý, chính sách thông tin của Việt Nam trong lĩnh vực xăng dầu còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn thế giới.
Những câu chuyện CĐS đáng chú ý trong ngành xăng dầu
Theo phân tích của Giám đốc tư vấn CĐS FPT Digital, ông Lê Vũ Minh, xăng dầu là lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến người dân, địa bàn hoạt động rộng, kèm theo đó là hệ thống tài sản cơ sở vật chất kỹ thuật lớn, từ văn phòng đến tổng kho đến cửa hàng bán lẻ, hệ thống vận tải đi kèm. Khi hoạt động trên quy mô lớn với hệ thống tài sản, cơ sở vật chất lớn, bài toán đặt ra sẽ là làm thế nào kiểm soát hiệu quả, sử dụng hiệu quả và vận hành an toàn tối đa.
Yếu tố thứ hai liên quan đến mặt thị trường. Khách hàng hiện nay mong muốn và có nhu cầu tiện ích hơn, thêm nhiều trải nghiệm hơn, có nhiều công cụ hơn, giao tiếp với DN qua môi trường số. Trong khi đó, lĩnh vực xăng dầu khá truyền thống.
“Thường chúng ta theo thói quen ra cửa hàng xăng dầu, đổ xăng xong là đi. Tuy nhiên, trong hành trình đó có nhiều cơ hội có thể đưa những tiện ích vào trải nghiệm số, thông qua thanh toán, thông qua mô hình tự phục vụ, hay những giá trị kèm theo. Các DN xăng dầu đứng trước thách thức, khi thị hiếu khách hàng thay đổi, nhu cầu thị trường thay đổi, làm thế nào để chuyển dịch một mô hình tương đối truyền thống như vậy, thành một mô hình có sự kết hợp cả yếu tố vật lý tại các cửa hàng xăng dầu cũng như yếu tố số trên những môi trường mới”, ông Lê Vũ Minh nói.
Trên thế giới, đã có những mô hình CĐS trong kinh doanh xăng dầu
đáng chú ý mà các DN Việt Nam có thể tham khảo. Từ trạm đổ xăng thông thường, Shell trở thành địa điểm trải nghiệm ẩm thực và điểm du lịch nổi tiếng. Đây là một câu chuyện CĐS thành công đáng được nhắc đến trong ngành xăng dầu. Với danh mục năng lượng đa dạng từ dầu, khí đốt và hóa dầu đến điện gió, năng lượng mặt trời và hydro, Shell Hoa Kỳ làm việc và hợp tác cùng các khách hàng đa lĩnh vực để tiến tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững.
Một nét văn hóa phổ biến và đặc sắc tại nhiều quốc gia trên thế giới là nhu cầu mua bữa ăn sẵn và mua nhiều mặt hàng tại cửa hàng tiện lợi. Điều này ngày càng tăng, mở ra cơ hội đáng kể cho sự phát triển của các cửa hàng cây xăng. Người tiêu dùng muốn thấy sự sẵn có, sự chất lượng và sự đa dạng của các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp trong cùng khu vực không có địa điểm cung cấp sản phẩm dịch vụ ăn uống chất lượng. Ngoài ra, thiết kế trải nghiệm độc đáo và trọn vẹn cho khách hàng khi kết hợp tiện ích chất lượng cao cũng tạo nên dấu ấn thương hiệu và trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong tâm trí khách hàng.
Vì thế, Shell đã cung cấp dịch vụ F&B - quán café và nhà hàng pizza - cao cấp ngay tại trạm xăng. Tận dụng vị trí đắc địa (nằm trên đường cao tốc và gần sân bay) lấy trải nghiệm F&B làm điểm nhấn độc đáo USP (Unique Selling Point), nhắm tới đối tượng khách du lịch cũng như dân cư trong khu vực là cách làm của Shell. Các cây xăng Shell cung cấp sản phẩm cà phê và pizza thủ công, được đánh giá cao về tổng quan trải nghiệm khách hàng, bao gồm danh mục sản phẩm phong phú, chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khác nhau, không gian thiết kế ấm cúng và tiện nghi, giá thành hợp lý.
Các cây xăng Shell này đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng, tạo hiệu ứng truyền thông hiệu quả, với đánh giá 4,5/5 điểm tại Tripadvisor và 4,7/5 điểm tại Google Map.
Cùng với xu thế CĐS của các DN xăng dầu trên thế giới, tại Việt Nam, các DN cũng đang có nhiều hành động quyết liệt nhằm ứng dụng công nghệ số, thay đổi mô hình, đáp ứng và theo kịp với sự phát triển của thời đại. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, đầu tư vốn vào các DN khác, hiện đang giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường xăng dầu nội địa. Petrolimex đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ tiên phong cho trải nghiệm khách hàng sáng tạo và xuất sắc trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ.
Một ví dụ trong nỗ lực CĐS của Petrolimex là học hỏi kinh nghiệm và lợi thế của ENEOS, Tập đoàn năng lượng số 1 tại Nhật Bản, hiện là cổ đông chiến lược nắm 13% vốn điều lệ của Petrolimex, trong việc triển khai các cửa hàng xăng dầu tích hợp đầy đủ tiện ích cho khách hàng tại thị trường Nhật Bản. Theo đó, Petrolimex muốn mang đến những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao cấp theo tiêu chuẩn về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất với giá thành hợp lý. Mục tiêu là chuyển đổi hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) của Petrolimex hiện tại thành các CHXD thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và tích hợp đầy đủ các tiện ích đi kèm.
Một trong những cách làm của Petrolimex là triển khai thí điểm tích hợp dịch vụ rửa xe tự động với cửa hàng xăng dầu. Theo đó, cửa hàng xăng dầu 84 của Petrolimex đã áp dụng các dịch vụ tích hợp, bao gồm rửa xe, bảo dưỡng, phủ bóng thân xe cao cấp theo công nghệ Nhật Bản đối với các sản phẩm, hóa chất chuyên dụng, không gây áp lực tới thân xe và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cách làm áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về dịch vụ khách hàng và sự hiếu khách, thân thiện theo phong cách Nhật Bản.
Kết quả, Petrolimex hoàn thiện hệ thống CHXD tiện ích, thông minh, gia tăng trải nghiệm khách hàng, mang lại những giá trị gia tăng cho các CHXD của Petrolimex, tạo ra sự khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh cho Petrolimex trên thị trường.
Vừa qua, FPT Digital đã hoàn thành bước cuối trong dự án Tư vấn xây dựng Chiến lược CĐS toàn diện cho Petrolimex đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đào tạo chiến lược CĐS tại Petrolimex. Theo đó, Chiến lược CĐS giai đoạn 2025 - 2030 đã được truyền thông tới 3.000 CBNV, thể hiện sự quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Trưởng ban chỉ đạo CĐS Petrolimex Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, cho biết chiến lược CĐS đã định hình, định hướng và xác định các nội dung cơ bản của quá trình chuẩn bị, thực hiện CĐS tại Tập đoàn, khối các Công ty xăng dầu; Định hướng chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ với các Tổng công ty/công ty chuyên doanh/hệ thống nhượng quyền thương mại; đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đồng thời đảm bảo tính thực tế, khả thi và hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để xây dựng lộ trình, các chương trình, dự án chiến lược hoặc kế hoạch thường niên của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Với dự án này, Petrolimex đã tập trung nguồn lực cho hoạt động CĐS, ứng dụng công nghệ để tăng cường thêm sức bật cho DN, đồng thời gia tăng thêm khả năng chuẩn bị, ứng phó trước các bất định của thị trường.
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy CĐS, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, thông qua hàng loạt các chính sách như Quyết định 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hay Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Con đường để đạt tới những mục tiêu mà chính phủ đề ra là chuyển đổi kép “số và xanh”.
Các DN xăng dầu Việt Nam đã xác định đây là “chìa khóa” để tối ưu hóa hiệu suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của thị trường, chuyển dịch mô hình năng lượng xanh, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)