Bổ sung tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển cho công tác cứu nạn

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:17, 24/11/2023

Dự kiến, tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hoạt động xa bờ sẽ được bàn giao vào năm 2024, có khả năng hỗ trợ cùng lúc 100 người trên biển.
Đời sống xã hội

Bổ sung tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển cho công tác cứu nạn

Nguyễn Tuấn 24/11/2023 10:17

Dự kiến, tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hoạt động xa bờ sẽ được bàn giao vào năm 2024, có khả năng hỗ trợ cùng lúc 100 người trên biển.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRRC) có chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển. Mỗi năm, đơn vị nhận được từ 300 đến 400 thông tin về các sự cố trên biển.

anhbai9.tkcn.jpg

Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc VMRRC cho biết, đơn vị đang quản lý, khai thác 7 tàu tìm kiếm, cứu nạn, 9 ca-nô cao tốc chuyên dụng, hệ thống cơ sở hậu cần phục vụ tìm kiếm cứu nạn được bố trí tại 4 trung tâm và các khu vực trên cả nước.

Tàu chuyên dụng của VMRRC đã thực hiện rất nhiều vụ cứu nạn khác nhau. Trong đó, vụ cứu nạn xa nhất thực hiện tại khu vực phía Đông đảo Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa), cách bờ trên 380 hải lý. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con ngư dân, thuyền viên yên tâm bám biển.

Tuy nhiên, các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của VMRRC có tầm hoạt động hạn chế. Tàu lớn nhất chỉ dài 41 m, lượng nhiên liệu chứa trên tàu không được nhiều. VMRRC chỉ có 7 tàu (trong đó 3 tàu SAR 41 có bán kính hoạt động 250 hải lý, 4 tàu SAR 27 với bán kính hoạt động 150 hải lý). Mức độ chịu đựng sóng gió nhỏ (tàu SAR 41 dưới cấp 8; tàu SAR 27 dưới cấp 7). Thời gian hoạt động dài ngày trên biển rất hạn chế, tối đa chỉ 2 đến 3 ngày.

Công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển còn rất nhiều khó khăn bởi vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2, chiều dài hơn 3.260 km bờ biển. Nhân lực, phương tiện của VMRRC đang quá mỏng, chưa hiện đại, ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế.

Theo nhận định của lãnh đạo VMRCC, tình hình thời tiết, bão gió trên vùng biển Việt Nam ngày càng khắc nghiệt, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân và vận tải hàng hóa trên biển.

Dự án đóng mới tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương từ năm 2018. Thiết kế kỹ thuật của tàu được phê duyệt vào tháng 10/2022.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV 189 - đơn vị trúng thầu dự án đã khởi công vào ngày 28/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 423 tỷ đồng, thời gian hoàn thành tàu trong 18 tháng. Tàu cứu nạn có chiều dài toàn phần 63,8m, chiều rộng 10,2m, tổng dung tích 958GT, trọng tải toàn phần 395 DWT. Tàu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nghi khí hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị chuyên dùng phục vụ tìm kiếm cứu nạn… phù hợp theo yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và theo các công ước quốc tế về hàng hải.

Tàu được thiết kế có thể chứa được 20 thuyền viên, 20 người là lực lượng cứu nạn và y bác sĩ, có thể khả năng cứu được 100 người bị nạn trên biển. Để kịp thời cho các công tác cứu nạn, vận tốc khai thác của tàu được thiết kế để có tốc độ cao với 18,5 hải lý/giờ và vận tốc thử lớn nhất là 20,5 hải lý/giờ.

Tàu đóng mới sẽ được trang bị cho VMRRC để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chỉ huy hiện trường trong những vụ việc phức tạp. Tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, có tầm hoạt động trên 3.000 hải lý.

Tàu cũng sẽ giúp VMRRC thực hiện tốt hơn các hoạt động huấn luyện, chữa cháy, lai dắt và hỗ trợ hoạt động của tàu thuyền trên biển. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động ứng cứu, tràn dầu, cũng như hỗ trợ công tác an toàn, an ninh hàng hải và tham gia bảo vệ môi trường biển.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải là một trong những lực lượng tham gia hoạt động trực tiếp tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khi khả năng về phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn còn rất hạn chế.

Đây là đơn vị chuyên nghiệp duy nhất thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, còn các lực lượng khác như Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Biên phòng là lực lượng chấp pháp trên biển, được giao nhiệm vụ phối hợp trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Mặc dù vậy, trong thực hiện nhiệm vụ chủ trì phối hợp, đặc biệt là chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc tế, Trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Về nhân lực, Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh thừa nhận, lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường ít, chưa đủ sức đảm nhiệm một số nhiệm vụ như: Tìm kiếm cứu nạn dài ngày trên biển, xử lý các tình huống đặc biệt, khó khăn tại hiện trường. Trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, ra mệnh lệnh, thông báo các thông tin hiện trường phục vụ cho việc chỉ huy hiện trường (OSC) còn thấp; thiếu nhận lực chất lượng cao, có khả năng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới ứng dụng trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

“Lực lượng, phương tiện quá mỏng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế”, Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh bày tỏ.

Hiện tại con tàu SAR 412 là ân nhân cứu mạng trên biển

Chỉ trong tháng 10/2023, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 412 đã cứu nạn thành công 2 vụ với 15 thuyền viên được đưa về bờ an toàn.

Tàu SAR là từ viết tắt của cụm từ "search and rescue", tức là tìm kiếm và cứu nạn. Với nhiều ngư dân miền Trung, từ lâu SAR 412 trở thành ân nhân cứu mạng trên biển.

Theo nhật ký cứu nạn của SAR 412 mới thấy được con tàu này đã đồng hành cùng ngư dân trên Biển Đông suốt nhiều năm qua. Trong đó, nhiều chuyến cứu nạn có thể nói là không tưởng trong điều kiện sóng biển cao 3 - 4 m, gió cấp 7 - 8.

Đây là tàu có tầm hoạt động 600 hải lý, được thiết kế phần khoang bằng vỏ thép, còn boong tàu bằng nhôm. Là tàu cứu nạn chuyên dụng, được trang bị đầy đủ các tính năng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Để phục vụ công tác liên lạc, tàu được trang bị máy vô tuyến radio telephone VHF của Furuno kiểu FM-8500; máy vô tuyến VHF cầm tay hiệu SRH kiểu 50.

Trên tàu được trang bị đầy đủ tiện nghi, với hệ thống ra đa hiện đại, có phòng khách, phòng ngủ, khu nhà bếp có tủ lạnh, máy rửa bát.

Và đặc biệt không thể thiếu của tàu cứu nạn là phòng chăm sóc y tế... Trong phòng có giường tiểu phẫu để thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho những nạn nhân gặp nạn và một số giường bệnh.

Tàu được trang bị đầy đủ tủ thuốc y tế, các dụng cụ cần thiết để sơ cấp cứu như monitor để đo các thông số SPO2, nhịp thở, nhịp tim, mạch, huyết áp...

Ngoài ra, còn có máy khí rung, máy hút đầm dãi, máy đo nhiệt độ hồng ngoại, máy mở nội khí quản cho những người bị suy hô hấp, bị hen và một số bệnh mãn tính liên quan đến đường hô hấp, có chỉ chỉ tự tiêu, chỉ khâu cầm máu...

Hệ thống phao cứu sinh được trang bị dọc trên tàu với nhiều chủng loại. Trong đó, có phao Epird được dùng trong những trường hợp khẩn cấp khi tàu gặp sự cố. Khi tàu gặp sự cố, phao gặp nước sẽ tự động bung ra và phát tín hiệu báo nạn.

Trao đổi với báo chí, anh Trần Quang Thanh, thuyền trưởng tàu SAR 412 cho biết, mỗi thuyền viên trên tàu của anh đều như mang trong mình sứ mệnh bảo vệ sự sống, an toàn của ngư dân trên biển. Bất kể khi nào có thông tin báo trên tàu cá đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa có một ngư dân bệnh nặng, cần cấp cứu là tàu SAR 412 lại lên đường./.

Nguyễn Tuấn