Bình cứu hỏa cũng có thể phát nổ, gây chết người
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:34, 08/12/2023
Bình cứu hỏa cũng có thể phát nổ, gây chết người
Bình cứu hỏa là công cụ chữa cháy quan trọng và phổ thông, cần thiết cho mọi gia đình, dễ mua, dễ sử dụng. Nhưng có lúc, công cụ này lại trở thành mối nguy hiểm.
Những vụ bình chữa cháy phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng
Tháng 6/2023, có 1 học sinh Thái Lan thiệt mạng, 10 học sinh khác bị thương trong vụ tai nạn xảy ra trong buổi học phòng cháy chữa cháy tại trường Trung học Rajavinit, tại khu vực Nang Loeng, thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ngày hôm đó, 126 học sinh lớp 11 và 12 của trường tham gia lớp học phòng cháy chữa cháy do Văn phòng phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Sam Sen tổ chức.
Theo PV TTXVN tại Bangkok, trong buổi tập huấn này, học sinh được chia thành nhóm nhỏ, thực tập cách sử dụng bình cứu hỏa. 15 bình cứu hỏa đã được sử dụng. Bình cứu hỏa phát nổ là một bình dự phòng đặt cách địa điểm diễn tập khoảng 3,5m. Theo điều tra ban đầu của cảnh sát, bình cứu hỏa phát nổ có thể do nhiệt độ ngoài trời cao. 3 người tham gia cuộc diễn tập này đã bị cảnh sát buộc tội sơ suất.
Là công cụ cứu hộ cứu nạn đắc lực nhưng trong một số trường hợp, bình cứu hỏa lại trở thành thủ phạm gây ra tai nạn nghiêm trọng. Tại Việt Nam, đã có những người chết do nổ bình cứu hỏa. Trường hợp nổ bình cứu hỏa được ghi nhận tại Việt Nam là do có sự can thiệp của con người.
Cách đây vài năm tại TP Hồ Chí Minh, một cựu cảnh sát phòng cháy chữa cháy 23 tuổi đã thiệt mạng trong 1 vụ nổ bình cứu hỏa. Vụ việc xảy ra tại căn nhà trọ, đồng thời là điểm kinh doanh thiết bị, bình chữa cháy ở đường Quang Trung, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Sau một tiếng nổ, những người xung quanh có mặt thì thấy nạn nhân đã tử vong, xung quanh có nhiều bình chữa cháy.
Tại hiện trường, Cơ quan cảnh sát điều tra CAQ9 ghi nhận có một bình chữa cháy loại bình bột 8kg bị vỡ bung phần thân bình, 15 bình chữa cháy các loại (bình bột và bình CO2) và 2 bình chữa khí CO2 còn nguyên vẹn, một đường ống dẫn khí từ bình khí CO2 loại cao 1,2m bị đứt thành nhiều đoạn. Nguyên nhân vụ nổ được cho là xảy ra khi nạn nhân đang chiết khí CO2 vào bình chữa cháy.
Một trường hợp khác là vụ nổ bình chữa cháy tại nhà một người dân thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên), làm một người tử vong tại chỗ. Theo lời kể của nhân chứng, trong lúc nạn nhân đang sang chiết chất bột màu trắng vào bình chữa cháy thì bình chữa cháy đặt cạnh bên phát nổ. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Phú Yên cho biết việc sang chiết bình chữa cháy tại địa điểm này không được cơ quan chức năng cho phép.
Tại khu đô thị Tây Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ nổ tại trụ sở một công ty, làm 1 người bị thương nặng. Công ty này cho biết chỉ sử dụng ngôi nhà làm kho và nơi giao dịch bán bình chữa cháy, nhưng trên thực tế việc sửa chữa, lắp đặt, bơm khí, bột vào bình chữa cháy xách tay đều được tiến hành tại đây. Cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về bơm, nạp khí, bột vào bình chữa cháy xách tay tại công ty này, nhưng sau đó mọi việc lại đâu vào đấy. Người dân địa phương cho biết vụ nổ này không phải lần đầu tiên xảy ra tại cơ sở này, nhưng những lần trước đó không gây ra thương tích.
Tại sao bình chữa cháy phát nổ?
Thị trường hiện nay có hai loại bình chữa cháy phổ biến là bình CO2 và bình bột. Bình CO2 là bình khí trực tiếp chữa cháy. Bình bột là bình chứa bột chữa cháy và khí nén. Bình bột hoạt động theo nguyên lý khí nén tạo áp suất đẩy bột chữa cháy ra ngoài. Với bình bột chữa cháy, có hai nguyên nhân chính khiến bình phát nổ, một là do vỏ bình, cổ bình bị hoen rỉ; hai là do nén vượt ngưỡng an toàn khiến bình phát nổ.
Có 5 nguyên nhân có thể làm cho bình chữa cháy bị nổ:
1. Khí nén trong bình quá cao dẫn đến phát nổ. Khí nén trong bình bột quá cao sẽ tạo sức ép lên toàn bộ lượng bột trong bình cũng như vỏ bình. Khi sức ép đạt đến một ngưỡng nhất định thì gây nên hiện tượng đẩy toàn bộ dung tích bên trong bình ra ngoài, phá tan vỏ bình và gây nổ.
2. Do vỏ bình không được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên nên bị xuống cấp. Mặc dù vỏ bình chữa cháy làm bằng kim loại có độ chịu lực cao, nhưng trải qua một thời gian dài không được vệ sinh, môi trường bảo quản không tốt sẽ khiến vỏ bình bị hoen rỉ, biến dạng, không chịu được sức ép từ bên trong bình, dẫn đến tình trạng kích nổ bình chữa cháy.
3. Quá trình chiết nạp bột chữa cháy không đúng kỹ thuật. Trong lúc thực hiện việc sang chiết bột chữa cháy từ bình to sang bình nhỏ, người sang chiết không tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật cần thiết, có thể gây nổ bình. Hoặc có thể do khí nén cho bình không đảm bảo chất lượng an toàn, từ đó tạo điều kiện làm cho bình có khả năng phát nổ.
4. Bình chữa cháy nằm trong khu vực có nhiệt độ cao dễ dẫn đến nổ bình. Trong quá trình hỏa hoạn, nếu bình chữa cháy bị rơi vào đống lửa, bị đặt ở khu vực lửa bao quanh, làm cho nhiệt độ trong bình tăng cao, tạo áp suất mạnh, sẽ dễ gây nên hiện tượng nổ bình.
5. Bảo quản không đúng cách có thể gây kích nổ bình chữa cháy. Việc bảo quản bình chữa cháy khá quan trọng. Bình chữa cháy chứa nhiều hóa chất mạnh, cần bảo quản theo đúng quy trình, quy định của nhà cung cấp. Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện tình trạng của bình chữa cháy, đề phòng tình huống có thể dẫn đến sự cố nổ bình. Trong quá trình sử dụng, cần bảo quản bình ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao, tránh ánh nắng trực tiếp, không được vứt bình vào trong đám cháy.
Theo bộ tiêu chuẩn quy định về PCCC mới được Bộ Khoa học công nghệ ban hành năm 2023 thì: Không đặt các bình chữa cháy ở các khu vực, vị trí gần các thiết bị sinh nhiệt mà có thể làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả của bình chữa cháy; nơi chúng có thể bị hỏng do các hoạt động thường ngày.
Theo quy định về PCCC, kho, xưởng bơm, nạp khí, bột vào bình chữa cháy phải nằm trong khu công nghiệp hoặc cách xa khu dân cư. Đơn vị làm công việc này phải được cấp phép.
Quy định người thực hiện việc sang chiết khí, bột vào bình chữa cháy phải được đào tạo ít nhất 3 tháng công việc đang làm hoặc kinh nghiệm thực tế và tham gia vào khóa đào tạo. Thời gian của khóa đào tạo ít nhất là 32h. Cuối khóa học, phải thi đạt kết quả. Kỳ thi được tổ chức độc lập và do cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Sau 5 năm, người này phải được đào tạo lại.
Bình chữa cháy phải được kiểm tra theo định kỳ 12 tháng/lần đối với bình mới, 6 tháng/lần đối với bình đã nạp lại. Trước mỗi lần nạp khí mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực, sau khi đạt cường độ yêu cầu mới được phép sử dụng.
Cách kiểm tra bình bằng cảm quan: Đối với bình chữa cháy CO2, khi trọng lượng bình giảm đi nhiều là bình đã gần hết hạn sử dụng, cần phải được kiểm tra và nạp lại. Đối với bình bột, cần kiểm tra khi đồng hồ hiển thị kim chỉ về vạch đỏ; cần kiểm tra bình chữa cháy theo quy định 1 năm ít nhất 1 lần.
Đối với những khu vực yêu cầu an toàn cháy nổ cao như các kho hóa chất, nhiên liệu hay kho xăng dầu thì cần bảo trì 6 tháng/lần theo đúng thời gian bảo hành. Các loại bình chữa cháy hết hạn sử dụng là bình để lâu quá hạn bảo hành, bình đã đưa ra sử dụng, bình bị mất chốt niêm phong, bình bị tụt áp (có thể xem kim đồng hồ hiển thị), bình bị ai đó lấy ra xịt thử (bình chữa cháy chỉ sử dụng một lần nên không xịt thử). Nếu bình quá cũ hoặc bị rỉ sét nhiều, nên thay thế bình mới.
Nếu cần kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng bình chữa cháy, nên đến những cơ sở đã được ngành công an cấp phép. Các trung tâm thuộc Cảnh sát PCCC và CNCH cũng thực hiện công việc này với trang thiết bị đã được kiểm định, có bảo hành, giá cả niêm yết rõ ràng.
Khi mua bình chữa cháy, phải kiểm tra nhãn, tem kiểm định để đảm bảo mua được hàng đúng tiêu chuẩn chất lượng; xem kỹ tình trạng bình và thời hạn sử dụng. Nên chọn mua hàng ở những cơ sở được cấp phép kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy. Không nên mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua hàng của các cơ sở kinh doanh không phép.
Nếu mua phải bình chữa cháy kém chất lượng, bình sẽ không chỉ không dập được lửa khi không may có cháy mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nếu phát nổ.
Như mọi loại hàng hóa khác, bình chữa cháy không phải là là thứ mua một lần dùng cả đời. Để đảm bảo an toàn phòng cháy cho gia đình mình, nên kiểm tra thời hạn sử dụng bình chữa cháy để thay mới nếu như bình là loại không thể nạp lại chất chữa cháy, hoặc mang đến các cơ sở có uy tín để bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo bình sẽ hoạt động tốt nếu xảy ra hỏa hoạn.
Để góp phần thực hiện mục tiêu “Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy” theo nội dung Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hàng trăm nghìn hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay. Công an tỉnh đã vận động được hàng tỷ đồng hỗ trợ bình chữa cháy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại khắp các địa phương trong tỉnh./.