Giải pháp thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 09:31, 19/12/2023
Giải pháp thúc đẩy phát triển chữ ký số cá nhân
Trong năm 2022 và 2023, số lượng chứng thư chữ ký số (CKS) được cấp tăng cho thấy tín hiệu khả quan của sự phục hồi nền kinh tế.
Thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội (BHXH) là các lĩnh vực ứng dụng CKS công cộng nhiều nhất, cụ thể gồm các dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng; kê khai hải quan điện tử và các dịch vụ BHXH điện tử.
Theo số liệu cung cấp từ các Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2022 có: 885.540 doanh nghiệp (DN), tổ chức và các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh sử dụng CKS trong lĩnh vực thuế, tăng 3,73% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, có 224.510 DN, tổ chức sử dụng CKS trong hoạt động trong lĩnh vực hải quan, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm 2021; 667.518 DN, tổ chức sử dụng CKS trong kê khai bảo hiểm xã hội, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến 30/9/2023, tổng số chứng thư CKS đang hoạt động đạt 2.457.269, trong đó 1.607.348 chứng thư CKS tổ chức, DN và 849.921 chứng thư CKS cá nhân. Tỉ lệ chứng thư CKS đang hoạt động phân chia theo cá nhân và DN, tổ chức giai đoạn 2018 - 30/9/2023 được thể hiện tại Hình 1.
Số lượng chứng thư CKS cấp cho DN, tổ chức và cá nhân giai đoạn 2019 - 30/9/2023 được thể hiện trong Hình 2.
Một số giải pháp thúc đẩy
Năm 2023, Bộ TT&TT đã giao cho Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) và cộng đồng các CA phát triển CKS cá nhân, tới cuối năm 2023 đạt 10 - 20 triệu thuê bao. Với nhiệm vụ này, Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương cho biết: “Đây là một con số đầy thách thức. Để hoàn thành tốt, hoàn thành suất sắc các nhiệm vụ được giao, NEAC rất cần sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của các CA công cộng”.
Nhận định về thuận lợi và thách thức phát triển CKS cá nhân, bà Phùng Anh, NEAC cho biết thách thức để phát triển CKS cá nhân là thói quen ký tay vẫn được người dân và DN sử dụng phổ biến hơn. Mặt khác, nhiều hình thức ký số cũng là một trở ngại đối với những người dân chưa biết về CKS, lần đầu tìm hiểu và tiếp cận. Nhận thức pháp lý, công nhận CKS trong nhân dân còn nhiều hạn chế, điều này khiến nhu cầu sử dụng CKS bị giảm đi rất nhiều. Phạm vi các quy định cần sử dụng CKS vẫn còn hẹp; chưa gặp thời điểm bùng nổ đối với sản phẩm công nghệ. “CKS tại Việt Nam đang nằm ở loại tăng trưởng đều, tức là chưa gặp được điểm bứt phá”.
Tuy nhiên, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống tại Việt Nam, đây cũng chính là cơ hội và thử thách để CKS tiến gần hơn với nhiều người dân hơn nữa khi CĐS quốc gia sẽ số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân.
Để thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ chứng thực CKS dành cho cá nhân đạt mục tiêu 10 - 20 triệu thuê bao, NEAC đã đề ra một số các hoạt động, chính sách thúc đẩy:
Mở rộng, tăng cường môi trường ký số
Theo NEAC, cần xây dựng hành pháp lý hoàn thiện bao gồm các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành; các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành để thúc đẩy, tăng cường sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử (GDĐT) trong các lĩnh vực: dịch vụ công trực tuyến, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử…
Tiếp theo, cần xây dựng hạ tầng bao gồm hệ thống nền tảng quản lý chứng thư CKS; hệ thống nền tảng quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ và hệ thống nền tảng quản lý GDĐT; tích hợp Cổng dịch vụ công với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS, số hóa các thủ tục hành chính, cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng CKS để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; Xây dựng, quản lý, thống nhất và các nền tảng sử dụng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, thuế, bảo hiểm, nông nghiệp, thương mại... có kết nối với cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS, cho phép sử dụng CKS trong các giao dịch trên các nền tảng này.
Bên cạnh đó, theo NEAC, cần thực hiện các chính sách thúc đẩy, tăng cường sử dụng CKS trong các GDĐT trong các lĩnh vực: DVCTT, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử…
Thúc đẩy triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn
Giải pháp tiếp theo là thúc đẩy thúc đẩy triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn. Theo đó, các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về các ứng dụng và chính sách ưu đãi về chứng thư CKS đã, đang được triển khai.
Các tài liệu tuyên truyền như sổ tay hướng dẫn sử dụng CKS cho các đối tượng có khả năng phát sinh nhu cầu lớn khi sử dụng các nền tảng CĐS đã tích hợp CKS (bác sỹ, giáo viên, phụ huynh, giao dịch ngân hàng, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử…) được xây dựng và ban hành.
Cùng với đó là xây dựng các bài viết, video, phóng sự giới thiệu, tuyên truyền về CKS trên các phương tiện truyền thông.
NEAC phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền về CKS, dịch vụ chứng thực CKS cho cơ quan, đơn vị, DN, người dân nhằm tăng cường sử dụng CKS trong giao dịch điện tử hướng tới CĐS, Chính phủ số; Tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp và trực tuyến về CKS đến các cán bộ phụ trách của các địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng.
Triển khai các chính sách ưu đãi về CKS cá nhân
NEAC cho biết sẽ phối hợp, thúc đẩy các CA công cộng đa dạng hóa các gói cước dịch vụ, nghiên cứu áp dụng mô hình cung cấp dịch vụ trả trước của viễn thông cho phép cung cấp các gói cước ký số trả trước, trả theo lượt ký nhằm phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng; Kết hợp với các CA công cộng và các DN đưa ra các chính sách ưu đãi miễn phí, giảm giá CKS cho cá nhân.
Giải pháp về hạ tầng kỹ thuật
Về giải pháp này, NEAC cho biết sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương trong công tác tích hợp Cổng dịch vụ công với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS; số hóa các TTHC, cho phép người dân, DN sử dụng CKS khi thực hiện các TTHC./.