Gia nhập APKIC, Việt Nam có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức lớn về hạ tầng khóa công khai

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:32, 19/12/2023

Tham gia Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC), Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức về hạ tầng khóa công khai (PKI), được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với cơ quan quản lý các nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS)
Chuyển động ICT

Gia nhập APKIC, Việt Nam có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức lớn về hạ tầng khóa công khai

AD {Ngày xuất bản}

Tham gia Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC), Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức về hạ tầng khóa công khai (PKI), được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với cơ quan quản lý các nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS)

NEAC chính thức được công nhận là thành viên của Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á

Hiệp hội APKIC được thành lập năm 2001 với 11 thành viên bao gồm một số nền kinh tế lớn châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Mục đích của APKIC là liên kết các nhóm, các tổ chức tích cực hoạt động trong việc áp dụng và nâng cao nhận thức về công nghệ PKI trên khắp các nền kinh tế thành viên; Thúc đẩy khả năng tương tác giữa các PKI ở các quốc gia/khu vực trong khu vực châu Á/châu Đại Dương và kích hoạt thương mại điện tử sử dụng hạ tầng khóa công khai (PKI) trong khu vực.

Mục tiêu của Hiệp hội là “Thúc đẩy áp dụng và nâng cao nhận thức về PKI bao gồm việc triển khai và tiêu chuẩn hóa”. Những nội dung trao đổi tại Hiệp hội xoay quanh các khuyến nghị về các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn cũng như các vấn đề pháp lý, chính sách, khuyến khích và thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau, khả năng chấp nhận xuyên biên giới liên quan đến lĩnh vực PKI (CKS, xác thực điện tử).

Hiệp hội đã khởi động và triển khai hiệu quả nhiều hoạt động kể từ khi thành lập và tích cực trong tất cả các sự kiện khu vực về an ninh mạng. Hiệp hội điều phối các chính sách và công nghệ PKI xuyên biên giới, nghiên cứu luật và quy định của các giao dịch điện tử, đồng thời tăng tốc tiêu chuẩn hóa công nghệ PKI và khả năng tương tác giữa các thành viên.

Hiệp hội cũng thúc đẩy phát triển khả năng tương tác PKI quốc tế bằng cách tăng cường hợp tác giữa các quốc gia/khu vực châu Á với các hệ thống/chính sách/tiêu chuẩn PKI ở châu Mỹ và châu Âu.

Tháng 6/2023, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phê duyệt Đề án xin gia nhập APKIC của NEAC. Sau quá trình tiến hành các thủ tục cần thiết, ngày 18/10/2023, NEAC đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên của Hiệp hội.

z4928807228694-a7b9e8fbce1881846973736c7ae01f40-638369400179456303.jpg
z4928807465450-34ddcaba18c791728fb0cd9da964ef0e-638369400184925061.jpg
Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á diễn ra tại Ấn Độ, NEAC đã được ra mắt với tư cách thành viên chính thức của Hiệp hội.

Ngày 27 – 28/11/2023, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thường niên của APKIC tại Ấn Độ, NEAC đã được ra mắt với tư cách thành viên chính thức của Hiệp hội.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, đoàn công tác của NEAC và Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT đã kết hợp làm việc song phương với các đối tác quan trọng nhằm mở ra cơ hội hợp tác cụ thể giữa NEAC và cơ quan quản lý về lĩnh vực chứng thực CKS của Ấn Độ, đặc biệt trong việc xem xét khả năng xây dựng lộ trình cho việc công nhận chéo về CKS giữa hai nước, đồng thời tạo cơ sở cho việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) công nghệ số của Việt Nam tiếp cận thị trường CKS của Ấn Độ.

Gia nhập APKIC, NEAC có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức lớn về PKI

Tại khu vực châu Á, APKIC là Hiệp hội duy nhất về lĩnh vực PKI có sự tham gia của các tổ chức Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh sự tham gia của các tổ chức, DN. NEAC sẽ có cơ hội làm việc với các cơ quan tổ chức quốc tế trong lĩnh vực PKI gồm: Liên minh FIDO, Cloud Signature Consortium, Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI), Tổ chức Công nghệ Thông tin và Truyền thông Arab, Liên minh thương mại điện tử châu Phi...

Ngoài ra, APKIC có thể hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuẩn bị hồ sơ và đàm phán đưa chứng thư số của Root CA Việt Nam vào các chương trình tin cậy Trusted Root program như của Microsoft, Adobe, Firefox, Mozzila...

Tham gia Hiệp hội APKIC sẽ đem lại các mối quan hệ hợp tác trên cả hai phương diện song phương và đa phương về CNTT, tiêu chuẩn PKI, các ứng dụng PKI và các tiêu chuẩn pháp lý để có thể giúp NEAC và các nước thành viên có thể tương tác nhiều hơn và tiến tới việc công nhận CKS giữa các nước thành viên.

Các mối quan hệ hợp tác thiết yếu có thể kể đến các nước thành viên như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ấn Độ... đều là các quốc gia tiên tiến và phát triển hàng đầu châu Á về công nghệ PKI mà NEAC có thể học hỏi kinh nghiệm và xúc tiến hợp tác.

Ngoài ra, tham gia vào APKIC, NEAC có cơ hội tiếp cận kho tài nguyên kiến thức về PKI, được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với cơ quan quản lý các nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, giúp NEAC có được những kinh nghiệm hữu ích để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Việc thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các đối tác thông qua các cuộc hội nghị, các nhóm nghiên cứu và hoạt động chung của Hiệp hội sẽ giúp thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa NEAC với các cơ quan quản lý chuyên ngành của các nước, hướng tới việc trao đổi, đàm phàn công nhận lẫn nhau về CKS trong tương lai giữa các nước thành viên.

APKIC trước đây có tên gọi là Asia PKI Forum, là hiệp hội lớn nhất tại châu Á trong lĩnh vực PKI, được thành lập từ năm 2001 với sự tham gia của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Ban đầu, Hiệp hội được thiết lập như một diễn đàn nhỏ và được chuyển sang mô hình Hiệp hội khi có sự tham gia của nhiều quốc gia. Đến nay, Hiệp hội đã thu hút sự tham gia của các thành viên đến từ 10 nền kinh tế ở châu Á bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Saudi Arabia, Hồng Kông, Đài Loan, Iran, đại diện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các diễn đàn, hiệp hội PKI, hiệp hội chứng thực điện tử và CKS, các DN, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng.

Ngoài ra còn có các cơ sở nghiên cứu, giáo dục, các chuyên gia và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực PKI cũng có thể được mời hoặc đăng ký tham gia Hiệp hội với các vai trò khác nhau (có nghĩa là mỗi nước có thể có một vài đầu mối là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia Hiệp hội)./.

AD