Động lực, nguồn cảm hứng cống hiến trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:17, 21/09/2023
Động lực, nguồn cảm hứng cống hiến trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt
“Make in Viet Nam” giờ đây không còn chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.
“Make in Viet Nam” là cụm từ thường được nhắc đến khi đề cập tới ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam những năm gần đây. Đây là khẩu hiệu hành động chính thức của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam, được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (Năm 2019). Khẩu hiệu hành động “Make in Viet Nam” đã tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.
Cụm từ “Make in Viet Nam” được Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam - Myanmar (Tháng 12/2018), khi giới thiệu những sản phẩm, giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp ICT Việt Nam: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT, FPT, BKAV… tới các cơ quan, doanh nghiệp Myanmar. Tiếp đó, “Make in Viet Nam” được chọn làm chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông tin và Truyền thông (Tháng 01/2019). Từ đó, khẩu hiệu “Make in Viet Nam” chính thức ra đời. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ “Make in Viet Nam” chính là: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Cụm từ cũng là khẩu hiện thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.
Sau khi cụm từ "Make in Viet Nam" ra đời và thường xuyên được nhắc tới, trong Chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020, chỉ thị 01 “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, đã nhấn mạnh “Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược Make in Viet Nam với hàm ý “doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. Cùng với việc các cơ quan, Bộ ngành liên quan, cũng như sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam, “Make in Viet Nam” giờ đây không còn chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp lớn đều lần lượt chuyển đổi mô hình tiếp cận và làm chủ các công nghệ lõi.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ mới nhất trên thế giới, như: 5G, big data, AI… Trong đó, đáng chú ý là việc trong năm 2020, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Đây là một thành công lớn của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, là kết quả của lao động, sáng tạo, của khát vọng khẳng định chỗ đứng công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới đang không ngừng phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Muốn Make in Viet Nam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của Việt Nam. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại, nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại. Phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở không chỉ là cam kết mà còn là chiến lược của Việt Nam. Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam. Công nghệ mở là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Mọi công ty cần phải trở thành công ty công nghệ.”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục là đội tiền phong, là nòng cốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể sớm đạt được vào năm 2025. Những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Make in Viet Nam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Viet Nam để đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Viet Nam để làm chủ công nghệ. Make in Viet Nam để bảo vệ Việt Nam. Make in Viet Nam để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, tình yêu lớn.”
"Make in Viet Nam" đã thực sự trở thành động lực, nguồn cảm hứng cống hiến trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Không chỉ lắp ráp, gia công, làm thuê, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ mới, chủ động sản xuất, bắt nhịp với cuộc cách mạng số với tinh thần "Make in Viet Nam".