Quốc gia số: Cần nhiều sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam”

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:20, 20/12/2023

Các doanh nghiệp số với các sản phẩm số Make in Viet Nam được đặt vào vai trò trung tâm, được giao sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số.
Make in Vietnam

Quốc gia số: Cần nhiều sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam”

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

Các doanh nghiệp số với các sản phẩm số Make in Viet Nam được đặt vào vai trò trung tâm, được giao sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số.

Chương trình hành động và khẩu hiệu “Make in Viet Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khởi xướng từ năm 2019. Từ đó đến nay, ngày càng xuất hiệu nhiều các sản phẩm, dịch vụ công nghệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí Make in Viet Nam: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số với các sản phẩm công nghệ số đang dần đưa ngành công nghiệp công nghệ số trở thành trụ cột của nền kinh tế, đồng thời tạo đà cho Việt Nam trở thành một quốc gia số vào năm 2030.

Từ năm 2019, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức, đã xác định rõ chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”. Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) phải đóng vai trò thúc đẩy nền công nghiệp số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chương trình hành động và khẩu hiệu hành động “Make in Viet Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng đã cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số tự tin vươn ra biển lớn, tạo niềm cảm hứng cho công cuộc chuyển đổi số đi nhanh hơn và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, "Make in Viet Nam” để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Viet Nam để đi ra nước ngoài chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Viet Nam để Việt Nam làm chủ công nghệ, để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Make in Viet Nam thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Năm 2022 cũng là quãng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp số. Đã có khoảng 60% số doanh nghiệp chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao. Tiếp nối đà tăng trưởng, doanh thu ngành công nghiệp số tiếp tục tăng trong năm 2023. Make in Viet Nam không chỉ đóng vai trò giải quyết những vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ số do chính người Việt làm chủ, mà còn có sứ mệnh lớn lao hơn là chinh phục thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp số được Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, từ chính sách tới truyền thông, từ ưu đãi thuế tới hỗ trợ đào tạo nhân lực, từ định hướng phát triển tới trao gửi sứ mệnh.

Trong 4 năm qua, tiến ra thị trường nước ngoài là xu thế chung của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ước tính, trong số hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, khoảng 1/3 trong số đó đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Điển hình là tập đoàn Công nghệ FPT, sau 23 năm phát triển ở thị trường nước ngoài, năm 2022, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Năm 2023, sản phẩm chip của FPT đang bước đầu hiện diện ở thị trường Mỹ, Nhật. Đồng thời, FPT cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng… Năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

anh-mivn-12.jpg
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD.

Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 của FPT ghi nhận tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics... Các thị trường trọng điểm ở nước ngoài của FPT đều tăng trưởng gần 40% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là doanh nghiệp Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào...

Công ty CMC Global nhiều năm nay cũng hiện diện tại các thị trường lớn với các sản phẩm nổi bật như cung cấp ứng dụng bệnh viện khắp Hàn Quốc, cung cấp giải pháp eKYC (Tìm hiểu khách hàng điện tử) cho các ngân hàng ở Trung Quốc, hay giải pháp Embedded Testing cho các ứng dụng trình điều khiển trong xe cho thương hiệu ô tô hàng đầu. Công ty cũng đồng hành cùng những khách hàng lớn trong mảng Fintech ở nhiều quốc gia để phát triển các hệ thống tài chính của tương lai.

Chuyển đổi số với các nền tảng số Make in Viet Nam đã và đang tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt. Các doanh nghiệp số đã chuyển dần từ gia công sang làm chủ công nghệ, qua đó giúp giải quyết những bài toán lớn của quốc gia. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, ở tất cả các lĩnh vực. Trong tiến trình ấy, các doanh nghiệp số với các sản phẩm số Make in Viet Nam được đặt vào vai trò trung tâm, được giao sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số trong thời gian tới.

Hoàng Hà