Nâng cao năng lực dự báo thiên tai sẽ giải được bài toán cứu hộ cứu nạn

Truyền thông - Ngày đăng : 10:17, 26/11/2023

TS. Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định: Diễn biến thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp và khó lường. Để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân thì việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai là hết sức cần thiết.
Truyền thông

Nâng cao năng lực dự báo thiên tai sẽ giải được bài toán cứu hộ cứu nạn

H.Thành 26/11/2023 10:17

TS. Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định: Diễn biến thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp và khó lường. Để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân thì việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai là hết sức cần thiết.

Thiên tai ngày càng diễn biến khó lường

Trong năm 2023, đã có nhiều tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai ở Việt Nam. Điển hình là đầu năm diễn biến mưa ít dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng ở khắp các vùng, miền đất nước. Ngay sau đó là đợt nắng nóng kèm theo nhiệt độ nóng kỷ lục vào tháng 5 khi nhiệt độ cao nhất trong ngày đo được ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An lên đến 44,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 3 năm trước đây ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là 43,4 độ C.

Đó là biểu hiện rất rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai tại Việt Nam. Ngay sau đợt nắng nóng này là đợt mưa dài kỷ lục ở Bắc Bộ gây lũ quét, sạt lở đất. Như vậy rõ ràng hiện tượng thiên tai ở Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2023 vừa chịu tác động của hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn.

Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất nghiêm trọng, đây là hiện tượng xảy ra rất nhanh, bất ngờ, quy mô thường cục bộ. Nguyên nhân do địa hình chia cắt, kiến tạo của địa chất cộng với mặt đệm bị hủy hoại. Những năm gần đây các hoạt động của con người ở vùng núi, trung du làm mất cân bằng của địa chất, khi có mưa kích hoạt dễ dàng gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam.

ttxvn-ngap-lut-quang-binh-9297.jpg

Dự báo, thời gian tới một số hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ ảnh hưởng tới nước ta: Hiện tượng El Nino (pha nóng) có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa hè 2023 với xác suất khoảng 80-85% và có thể kéo dài sang năm 2024. Nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 dự báo có xu hướng cao hơn TBNN và nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; gây thiếu hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%; lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h; hoạt động của bão/ATNĐ có thể không nhiều nhưng có tính chất bất thường hơn, tập trung nhiều vào giữa mùa.

Nâng cao năng lực dự báo sẽ là giải pháp hiệu quả

Nhận diện nguyên nhân như vậy, nên ngành khí tượng thủy văn đã có rất nhiều cải tiến trong việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, dự báo được lũ quét, sạt lở đất về thời gian, khu vực và mức độ của hiện tượng này là điều chưa làm được ở Việt Nam và ngay cả ở các nước tiên tiến thế giới. Do đó, hiện mới chỉ giới hạn ở việc cảnh báo hiện tượng này.

Thời gian vừa qua, cơ quan khí tượng thủy văn chủ yếu tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, radar, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa. Đồng thời với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất, kết hợp với các nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra. Tất cả thông tin này được tích hợp vào hệ thống trang web cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để chuyển tải đến người dân.

Ngành khí tượng thủy văn đã có những đổi mới trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Đã đặt ra phương châm dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn. Để thực hiện được điều đó, ngành khí tượng thủy văn đã có nhiều đổi mới trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Trong đó có thay đổi quy trình và yêu cầu dự báo viên tuân thủ quy trình này từ khâu thu thập số liệu đến khâu xử lý số liệu, liên tục cập nhật bản tin dự báo.

8e-1-.jpg
Ứng dụng công nghệ để nâng cao khả năng dự báo.

Trước đây việc triển khai dự báo ở nhiều cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương nhưng không có sự phân công nhiệm vụ cụ thể dẫn đến trùng lặp thông tin, số liệu. Hiện tại đã điều chỉnh cấp Trung ương nhận định hiện tượng thiên tai quy mô lớn, cấp khu vực; các đài tỉnh chỉ dự báo trong phạm vi các quận, huyện, xã thuộc địa bàn tỉnh. Từ đó, đã mở rộng được mạng lưới dự báo chi tiết đến tận cấp xã giúp cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai được tốt hơn.

Về công nghệ dự báo, đã tiếp thu nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài thông qua các dự án ODA. Ngoài phương án dự báo truyền thống, cũng phát triển nhiều phương án dự báo dựa trên công nghệ Big Data, AI... Bên cạnh đó, phát triển hệ thống truyền tin trên mạng xã hội để đưa thông tin chi tiết đến người dân một cách nhanh nhất; cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương cũng được xử lý liên tục, bổ sung cập nhật để thông tin dự báo sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn.

Cho đến nay hệ thống quan trắc khí tượng–thủy văn quốc gia và hệ thống thông tin chuyên ngành đã dần được tự động hóa với gần 3.000 trạm quan trắc khí tượng–thủy văn trên toàn quốc, đang ngày đêm đảm bảo quan trắc chính xác, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, thiên tai...

Toàn bộ số liệu được tích hợp, tổ chức xử lý, lưu trữ, khai thác và cung cấp theo hướng tập trung, đồng bộ. Phát triển hệ thống dự báo số chi tiết với quy mô không gian đến từng đơn vị hành chính, nhất là đối với lượng mưa, qua đó tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng–thủy văn, đặc biệt là các hệ quả liên quan gồm ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam.

Nhờ ứng dụng kịp thời và hiệu quả các thành tựu tiến bộ khoa học, công tác dự báo, cảnh báo của ngành Khí tượng–Thủy văn đã có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng.

Theo đó, các nội dung thông tin đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm xu thế thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn đến cấp huyện, cấp xã và thời gian dài hơn.

Nếu như thời kỳ trước những năm 2000, thời hạn dự báo bão mới chỉ đạt từ 18 đến 24 giờ. Thì từ năm 2000 trở về đây, với sự phát triển công nghệ dự báo khí tượng–thủy văn được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn. Hệ thống mô hình dự báo hiện đại của thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu,… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với thực tế của Việt Nam trong dự báo bão, mưa lớn, lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay các đợt gió mùa.

Nhờ các công nghệ dự báo này, dự báo bão ở Việt Nam đã được nâng thời hạn dự báo lên 5 ngày mà vẫn bảo đảm độ tin cậy như các nước tiên tiến.

Trước những năm 2000, nước ta mới bắt đầu sử dụng sản phẩm mô hình của các nước hỗ trợ. Năm 2002, mới thử nghiệm ứng dụng sản phẩm chạy mô hình số và đến nay, chúng ta có một loạt các mô hình.

Đặc biệt, trước năm 2000 cả nước mới chỉ có 3 chiếc radar thời tiết, bây giờ có 12 radar; trước đây chúng ta chỉ có mạng lưới đo mưa nhân dân ghi chép thủ công với số liệu được gửi về Trung ương qua đường bưu điện theo tháng và quý, bây giờ đã có hàng nghìn trạm đo mưa tự động.

Các hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị của Việt Nam đã được hiện đại hóa với hệ thống đồng hoá số liệu địa phương cho mô hình khu vực độ phân giải cao (hiện nay, mức độ chi tiết đã đạt đến 3 km và trong tương lai gần sẽ đạt mức 1-2 km) cho phép nâng cao được khả năng chất lượng dự báo mưa lớn, mưa cực trị, qua đó tiếp tục nâng cao năng lực dự báo cảnh báo các hệ quả liên quan đến ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam./.

H.Thành