Tham gia diễn tập PCCC để có thể tự cứu mình, cứu người
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 09:33, 02/12/2023
Tham gia diễn tập PCCC để có thể tự cứu mình, cứu người
Nếu nghiêm túc trang bị kỹ năng đầy đủ, tham gia các buổi diễn tập PCCC thì sẽ có thể thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Cử người già, người giúp việc tham gia diễn tập PCCC
Theo cơ quan phòng cháy, thời gian qua, việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC với cư dân ở nhiều nơi rất khó khăn. Dù buổi diễn tập đã được thông báo trước, thậm chí đưa giấy mời đến từng hộ gia đình.
Có những buổi tổ chức tuyên truyền PCCC tại khu chung cư, người dân không hào hứng tham gia, chỉ cử người già, thậm chí người giúp việc đi nghe. Có một thực tế như giai thoại được nhiều người vẫn nhắc đến là có đợt tuyên truyền kỹ năng PCCC, buổi đầu được 90 người tham gia, buổi kế tiếp còn 40 người, sang buổi thứ 3 chỉ còn hơn 10 người...
Tình trạng thờ ơ, xem nhẹ việc tham gia tập huấn kỹ năng, khiến những buổi diễn tập được tổ chức công phu nhưng người dân tham gia rất hạn chế.
Khi lực lượng chức năng làm công tác tuyên truyền, có cuộc chỉ 20-30% người dân tham gia. Có gia đình không thấy chủ nhà mà toàn cử người giúp việc đi thay.
Có gia đình chỉ có chồng đi, khi lực lượng chức năng đến hỏi, người vợ không biết gì về kiến thức phòng cháy chữa cháy. “Vậy khi hỏa hoạn xảy ra, chồng không có nhà thì sẽ ra sao?”.
Trong khi nếu tham gia các đợt tập huấn kỹ năng PCCC, người dân đã có kỹ năng cơ bản khi có đám cháy xảy ra. Ví dụ, khi xảy ra cháy, mọi người đã biết đóng cửa, chèn thêm chăn để khói không vào được phòng, đổ nước để giảm nhiệt độ trong phòng, sàn và sau đó thoát nạn an toàn.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhận thức về công tác PCCC của một bộ phận người dân chưa cao. Nhiều người dân chưa quan tâm đến công tác PCCC và kỹ năng thoát nạn cho gia đình khi xảy ra sự cố. Đây thực sự là một “lỗ hổng” đáng tiếc khi thực tế đã chứng minh, không ít người nhờ hiểu biết và thành thạo kỹ năng PCCC nên thoát nạn, giúp bản thân, gia đình chiến thắng “thần chết”.
Nguyên tắc vàng để đảm bảo an toàn khi có sự cố cháy nổ
Theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP HCM, một nguyên nhân khiến nhiều người thương vong khi xảy ra cháy là sự chủ quan, thiếu đủ kiến thức, kỹ năng thoát hiểm an toàn. Trong khi nếu nghiêm túc trang bị kỹ năng đầy đủ, tham gia các buổi diễn tập PCCC thì sẽ có thể thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Ví dụ theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, khi phát hiện có đám cháy cần bình tĩnh, tìm cách chữa cháy bằng các phương tiện như bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt thì nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm.
Theo đó, cần báo động, hô hào thông báo cho mọi người biết có cháy và trên đường thoát hiểm gọi 114 thông báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, không sử dụng thang máy trong trường hợp hỏa hoạn, nắm rõ sơ đồ tòa nhà để biết những hướng có thể thoát hiểm, vị trí cầu thang và cửa thoát hiểm… Xem xét xem khói phát ra từ hướng nào để cân nhắc việc chạy lên hay chạy xuống để thoát nạn an toàn.
Nếu đám cháy ở tầng hầm hay bãi để xe thì phải xác định đây là một đám cháy hết sức phức tạp. Bởi vì chất cháy của nó chủ yếu là nhựa, mút xốp và xăng dầu của xe. Khói rất độc nên nếu thấy khói đã ám đen hành lang hãy cố thủ trong nhà.
Còn nếu đám cháy ở trong phòng, căn hộ nào đó phía dưới mình sẽ yên tâm hơn phần nào bởi giữa các căn hộ đều có khoang riêng, lực lượng chữa cháy sẽ kịp thời có mặt ngăn chặn cháy lan. Nhiệm vụ của mình là giữ an toàn cho bản thân, đóng cửa lại và bịt kín các khe cửa ngăn không cho khói độc vào nhà, chờ đợi lực lượng PCCC đến cứu nạn".
Tóm lại, các hộ gia đình cần lên phương án thoát nạn cho các thành viên, nếu không may xảy ra sự cố, bình tĩnh xử lý tình huống, không bị hoảng loạn. Điều này tưởng đơn giản nhưng là một trong những nguyên tắc vàng để đảm bảo an toàn khi có sự cố cháy nổ.
Là người lính chữa cháy gần trọn cuộc đời, Thượng tá Đỗ Văn Kháng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về người khi xảy ra hoả hoạn ở các công trình như chung cư, các tòa nhà cao tầng đa chức năng - những nơi tập trung đông người.
Xét về góc độ về kỹ thuật, những công trình này chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn PCCC hoặc chủ đầu tư thiếu kiểm tra, bảo hành, bảo trì định kỳ.
Đối với hành lang của tòa nhà, nguyên tắc phải có hệ thống hút khói cục bộ để khi có cháy, hệ thống hút khói phải đảm bảo hút được lượng khói lan vào các hành lang.
Cầu thang bộ thoát hiểm cũng phải có hệ thống bơm gió và tạo áp để thổi khói độc ra ngoài ngay, tạo lối thoát hiểm an toàn. Tầng hầm phải có hệ thống hút khói, hệ thống ngăn khói với các tầng trên.
"Rất nhiều công trình, những hệ thống này hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Khi xảy ra cháy ở các công trình như vậy, theo phản xạ, người dân sẽ tìm cách thoát ra ngoài hành lang, cầu thang bộ và khi đó khói cũng tràn ra hành lang khiến họ bị nhiễm khói độc, bị ngạt", Thượng tá Kháng cho biết.
Từng tham gia nhiều vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, theo Thượng tá Kháng, hầu hết nạn nhân tử vong ở các hành lang, cầu thang do nhiễm độc khói, rất ít người tử vong ở trong phòng.
Tuy nhiên, Thượng tá Kháng cũng lấy làm tiếc khi còn có nguyên nhân nữa khiến nhiều người thương vong khi xảy ra cháy là sự chủ quan, thiếu đủ kiến thức, kỹ năng thoát hiểm an toàn.
"Người dân chỉ nên chạy ra hành lang khi đảm bảo an toàn. Nếu bước ra ngoài thấy khói đen thì nhanh chóng chạy vào trong, đóng cửa lại, dùng quần áo, mùng mền, khăn... chèn chặt các khe cửa để khói độc không vào nhà, chờ lực lượng chức năng tới cứu", Thượng tá Kháng khuyến cáo.
Ông nhấn mạnh phải bình tĩnh, đừng sốt ruột chạy theo đám đông ra hành lang. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ tới từng nhà, từng phòng gõ cửa gọi và hướng dẫn người dân thoát hiểm, thoát nạn.
Ngoài ra, tình trạng người dân lắp đặt lưới thép kín các ban công để làm khu vực đựng đồ, phơi đồ rất nguy hiểm. Khi có sự cố, người dân khó thoát nạn theo hướng ban công. Hai là không có lối để lực lượng chức năng tiếp cận nhanh, sâu vào trong công trình kịp cứu người và tài sản.
Cần nghiêm túc tham gia các buổi diễn tập
Mới đây, hồi tháng 10/2023, vào đúng 19h30, đồng loạt 75 tổ liên gia quận Tây Hồ đã đánh kẻng diễn tập phương án PCCC với nhiều tình huống giả định khác nhau. Điển hình như tình huống giả định của Tổ liên gia số 60 thuộc phường Phú Thượng về cháy chung cư mini cao 6 tầng tại số 5 ngách 173/49 đường An Dương Vương, (phường Phú Thượng) nằm trong ngõ nhỏ và sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Tình huống giả định là do bất cẩn trong lúc hóa vàng mã ở một gia đình nên gây cháy lan sang hai xe máy bên cạnh...
Thời điểm xảy ra vụ cháy có hàng chục người thuộc 29 hộ dân đang ở nhà. Các hộ dân đã thực hành tốt các biện pháp PCCC và kỹ năng thoát hiểm nên đám cháy đã được dập tắt, không gây thiệt hại lớn. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, việc diễn tập công tác PCCC ở các tổ liên gia trên địa bàn quận diễn ra thành công, người dân hưởng ứng nhiệt tình, qua đó nâng cao nhận thức về việc chủ động trang bị phương tiện chữa cháy cho gia đình, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, khẳng định, việc trang bị kỹ năng PCCC tại nhà trường, tập huấn tuyên truyền về PCCC ở các khu dân cư, công sở... là vô cùng cần thiết. Càng nhiều người được trang bị kỹ năng, kiến thức, dụng cụ, phương tiện để bảo vệ an toàn cho bản thân và người thân xung quanh thì càng giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng, xã hội.
“Về kỹ năng PCCC và CNCH thì không gì bằng tự học, tự nghiên cứu, do vậy chúng tôi mong muốn người dân tham gia đầy đủ hơn các buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ triển khai, để mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC” - Đại tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh.
Đồng thời cần tham gia nghiêm túc các buổi diễn tập, tìm hiểu thêm kiến thức về PCCC, vì sự an toàn của bản thân, các thành viên trong gia đình và cho cộng đồng./.