Điểm danh bốn sản phẩm đạt giải Vàng Make in Viet Nam 2023

Truyền thông - Ngày đăng : 15:36, 18/12/2023

Giải vàng Make in Viet Nam 2023 được trao cho các sản phẩm có tính thực tiễn, sáng tạo và đủ sức đại diện cho Việt Nam bước ra quốc tế.
Truyền thông

Điểm danh bốn sản phẩm đạt giải Vàng Make in Viet Nam 2023

H.H 18/12/2023 15:36

Giải vàng Make in Viet Nam 2023 được trao cho các sản phẩm có tính thực tiễn, sáng tạo và đủ sức đại diện cho Việt Nam bước ra quốc tế.

Ngày 11/12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông và báo VnExpress tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023) tại tỉnh Quảng Ninh. Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023.

anh-mivn-38.jpg

Năm hạng mục giải thưởng gồm: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm số xuất sắc cho thị trường nước ngoài và Sản phẩm số tiềm năng. Trong đó, mỗi hạng mục vinh doanh tối đa 10 đơn vị và chọn ra ba sản phẩm để trao giải Vàng, Bạc, Đồng. Tuy nhiên, hạng mục Chính phủ số năm nay không có giải Vàng.

1. Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số: Nền tảng hậu cần GHTK App

Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm tạo ra nền tảng hậu cần GHTK App với mục tiêu đưa trải nghiệm dịch vụ giao nhận tận nơi (door to door). Nhờ tính linh động, GHTK App hỗ trợ hàng triệu người khởi nghiệp kinh doanh online trong nền kinh tế số. Nhà bán hàng không tốn chi phí như với kinh doanh truyền thống, ví dụ cửa hàng, kho bãi, phương tiện vận chuyển. Thậm chí, một số người có thể bán hàng mà không sở hữu hàng hóa.

GHTK App tích hợp sẵn chức năng kế toán, dễ thao tác trên điện thoại di động. Người dùng có thể ngồi tại nhà, theo dõi hành trình vận chuyển, tình trạng thanh toán cho từng đơn hàng.

2. Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho xã hội số: Nền tảng truyền hình VTVgo

VTVgo được phát triển bởi VTV Digital. Vào tháng 6/2023, ứng dụng trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia. Đại diện nhà phát triển cho biết đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số kéo dài 10 năm, từ việc đầu tư hạ tầng sản xuất chương trình trên công nghệ số, số hóa nội dung, đón đầu xu hướng dịch chuyển từ xem tivi sang theo dõi thông tin qua Internet của người Việt Nam. Hiện VTVgo được cài đặt trên 45 triệu thiết bị, với hơn tám triệu người thường xuyên.

3. Sản phẩm công nghệ xuất sắc cho thị trường nước ngoài: Trung tâm GDC của NTQ Solution

Trung tâm phát triển phần mềm toàn cầu (GDC) của NTQ Solution là mô hình dịch vụ, cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, phát triển công nghệ, gồm tìm kiếm nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, triển khai dự án phần mềm, nghiên cứu giải pháp mới.

NTQ Solution kỳ vọng có thể phát huy ưu thế của GDC nhờ tiềm lực sẵn có. Hiện NTQ Solution có 1.300 nhân sự, với 200 người làm việc tại chi nhánh nước ngoài. GDC của NTQ Solution được đánh giá khác biệt so với đối thủ nhờ tích hợp mô hình "Trung tâm phát triển nguồn lực toàn cầu" (Global Training Center).

4. Sản phẩm công nghệ số tiềm năng: Hệ thống robot Delta

Khác với đối thủ trên thị trường, hệ thống Robot Delta của công ty cổ phần giải pháp VAS sử dụng bộ điều khiển robot và bộ điều khiển động cơ tự phát triển. Kết hợp cùng chuẩn EtherCAT, hệ thống có thể cùng lúc ra lệnh cho nhiều robot với độ chính xác cao.

VAS thiết kế Robot Delta theo hướng chú trọng tính ứng dụng, dễ tích hợp vào dây chuyền gắp, thả, hút, đóng gói thực phẩm tại nhà máy, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí nhân công. VAS cho biết đã chủ động 100% công nghệ chế tạo robot công nghiệp, gồm cả phần cứng và phần mềm.

Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 có năm hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số, Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số, Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số, Sản phẩm số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, Sản phẩm số tiềm năng. Trong đó, Sản phẩm số xuất sắc cho thị trường nước ngoài là hạng mục lần đầu xuất hiện. Mỗi hạng mục sẽ vinh danh top 10, trong đó chọn ra ba đơn vị để trao giải Vàng, Bạc, Đồng.

Các sản phẩm được đánh giá dựa trên hai tiêu chí: Thiết kế sáng tạo và tính tác động. Ở tiêu chí đầu tiên, hội đồng chuyên môn chấm điểm dựa trên: Sự độc đáo, công nghệ - chất lượng, công đoạn cốt lõi do người Việt Nam thực hiện, tính năng như dễ sử dụng, tương thích, mở rộng... Yếu tố thứ hai xem xét về kết quả sản xuất, kinh doanh, thị phần, số lượng người sử dụng; Ảnh hưởng, giá trị thiết thực, mức độ lan tỏa... Các tiêu chí đánh giá có thay đổi theo từng hạng mục.

Trước đó, chương trình nhận 277 hồ sơ đăng ký từ ngày 12/7/2023 đến hết ngày 12/10/2023 theo hình thức trực tuyến. Số đăng ký tăng cao hơn so với năm 2022 (218 hồ sơ). Các hồ sơ trải qua giai đoạn sơ khảo để chọn ra top 12 điểm cao nhất. Top 12 sau đó tham gia thuyết trình trước hội đồng giám khảo để chọn ra top 10 cùng các giải thưởng.

H.H