Cứu hộ, cứu nạn cần sớm được đưa vào danh mục ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Truyền thông - Ngày đăng : 15:16, 17/12/2023

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 475/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới.
Truyền thông

Cứu hộ, cứu nạn cần sớm được đưa vào danh mục ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

M.H 17/12/2023 15:16

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 475/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, ban hành Thông tư bổ sung danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó, xem xét bổ sung công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) vào danh mục ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

40-tkcn.jpg
Lực lượng CNCH diễn tập cứu nạn, cứu hộ trên biển. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác PCCC và CNCH.

Trong đó cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 01/CT-TTg, Công điện số 825/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC, xây dựng, điện lực, kịp thời khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội cho việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, trong đó tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng (giao thông, nguồn nước...); xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH…

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của người dân về PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, điển hình về PCCC. Các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương dành thời lượng phù hợp, ưu tiên khung giờ nhiều người theo dõi để tuyên truyền về công tác này.

Coi trọng và tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, xác định đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản; hoạt động chữa cháy, CNCH phải chuyên nghiệp, hiện đại.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, pháp luật, hoàn thiện thể chế, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam; nghiêm cấm “cài cắm” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về PCCC không được gây phiền hà, khó khăn, không hợp pháp hóa sai phạm nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là khi “chuyển đổi trạng thái” phải có sự chuyển tiếp để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, khắc phục. Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5 tháng 4 năm 2023.

Theo khoản 3 Điều 105, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Còn tại Điều 113 quy định Nghỉ hàng năm: Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Áp lực của nghề tìm kiếm cứu hộ cứu nạn

Dũng cảm, mưu trí băng mình qua biển lửa cứu người bị nạn, bảo vệ tài sản hay lặn lội đêm khuya trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân... là công việc của lực lượng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là mỗt lần họ đối diện với hiểm nguy mà chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu họa khôn lường cho các nạn nhân và chính mình. Vượt lên hiểm nguy, thử thách, trong bất kỳ tình huống nào, họ luôn nỗ lực cao nhất chạy đua với thời gian để cứu người, cứu tài sản, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân…

Trung tá Vũ Ngọc Diệp, Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trung tâm, là một trong những người có thâm niên công tác lâu năm nhất trong lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: “Công việc của người lính chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm, áp lực rất cao. Các vụ tai nạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và đều không được báo trước. Do đó để làm tốt được công việc của mình, cùng với sự yêu ngành mến nghề, đòi hỏi mỗi CBCS làm công tác này phải không ngừng nỗ lực, rèn luyện để nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bởi công việc này đòi hỏi mỗi CBCS phải có sức khỏe, tinh thông nghiệp về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để xử lý nhanh các tình huống".

Các chiến sĩ làm công tác cứu hộ cứu nạn thường xuyên mang trên người những thiết bị, trang phục bảo hộ đặc biệt có tổng khối lượng gần 20kg, và phải nhanh chóng vượt qua các chướng ngại nguy hiểm với áp lực lớn về thời gian để cứu người thoát khỏi nguy hiểm.

Trung úy Huỳnh Tuấn Linh (cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa, TP.HCM), suốt 9 năm công tác trong lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ tâm sự: "Những lúc tham gia cứu người, chúng tôi không hề sợ nguy hiểm, chỉ nghĩ bằng mọi giá phải cứu người đang gặp nạn, đưa được nạn nhân thoát ra an toàn là chúng tôi mừng rồi”.

Để làm được điều đó, các chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ phải trải qua quá trình tập luyện khá vất vả. Bất kể nắng hay mưa, họ đều tập luyện đều đặn hằng ngày, luôn sẵn sàng đáp ứng trước mọi tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra. Ngoài việc luyện tập thường xuyên, bản thân người làm công tác cứu nạn, cứu hộ phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí không ngại khó, ngại khổ, phản ứng nhanh nhạy khi phải đối diện trực tiếp với những tình huống khó khăn, nguy hiểm, làm sao vừa cứu được người vừa bảo vệ an toàn cho bản thân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: Lực lượng cứu nạn hàng hải là những chiến sĩ thầm lặng, luôn gắn bó với những chuyến tàu vất vả nhưng thân thương và vẻ vang. Nhân dân sẽ luôn ghi nhận những tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng cứu nạn dành cho các nạn nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc của Trung tâm, đặc biệt cần có những chính sách đãi ngộ, chế độ xứng đáng dành cho lực lượng cứu nạn./.

M.H