Cần lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp

Truyền thông - Ngày đăng : 14:19, 02/12/2023

Nhìn lại công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, nhất là đợt thiên tai "dị thường, bất thường" vừa qua ở miền Trung, một lãnh đạo của Bộ NN-PTNT cho rằng các lực lượng công an, quân đội đã tham gia rất tích cực nhưng điều cần hơn là một lực lượng chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp với mọi điều kiện cần thiết. Bởi theo vị lãnh đạo này, thời gian vừa qua đã xảy ra những trường hợp là không có phương tiện nào để nhanh chóng vào hiện trường ứng cứu.
Truyền thông

Cần lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp

Mai Hương 02/12/2023 14:19

Nhìn lại công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, nhất là đợt thiên tai "dị thường, bất thường" vừa qua ở miền Trung, một lãnh đạo của Bộ NN-PTNT cho rằng các lực lượng công an, quân đội đã tham gia rất tích cực nhưng điều cần hơn là một lực lượng chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp với mọi điều kiện cần thiết. Bởi theo vị lãnh đạo này, thời gian vừa qua đã xảy ra những trường hợp là không có phương tiện nào để nhanh chóng vào hiện trường ứng cứu.

Cách nhìn nhận và đề xuất của vị lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng là ý kiến của nhiều người khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng do thiên tai gây ra thời gian qua. Trong đó, đặc biệt là các vụ sạt lở đất ở miền Trung do mưa bão, lũ lụt. Cho dù công tác cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai khẩn trương nhất cũng như huy động các lực lượng hiện có, song rất khó khăn để tiếp cận các nơi bị nạn để tìm kiếm người mất tích, cứu người.

433-202312160909571.jpg

Hiện có cơ quan chuyên trách về công tác cứu hộ cứu nạn ở trung ương là Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, cơ quan trực thuộc Chính phủ này là một lực lượng liên ngành, hiện chưa có lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn chuyên trách trực thuộc. Các lực lượng này nằm ở các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… Và ngay cả lực lượng trực thuộc các bộ này cũng có những chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt riêng, chưa đủ lực lượng, phương tiện và nhất là được đào tạo chuyên sâu về công tác cứu hộ cứu nạn để có thể làm nhiệm vụ trong mọi sự cố do thiên tai hay các sự cố nghiêm trọng khác.

Khi xảy ra các sự cố, như các vụ sạt lở đất trong mưa lũ lịch sử mới đây ở miền Trung, lực lượng nòng cốt để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn là quân đội và công an, vốn không phải là những lực lượng chuyên nghiệp trong công tác này. Thực tế, nhiều sự cố khác thời gian qua cũng cho thấy có không ít khó khăn khi thiếu vắng lực lượng chuyên nghiệp cùng trang thiết bị chuyên dụng làm công tác cứu hộ cứu nạn.

“Hiện nay, thiết bị phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn còn thiếu, hoạt động của lực lượng cứu hộ còn chưa chuyên nghiệp. Bài học của các nước trên thế giới là phải chuyên nghiệp hóa công tác cứu hộ cứu nạn vì nước xa khó cứu được lửa gần, cần tập trung theo phương châm 4 tại chỗ”.

Cứu hộ cứu nạn là một công tác quan trọng trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia lập hẳn một cơ quan ngang bộ chuyên trách cùng lực lượng chuyên nghiệp trực thuộc. Ngày nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, lũ lụt, hỏa hạn do khô hạn… cùng các công trình, tòa nhà, phương tiện mà khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới những thảm họa nghiêm trọng.

Phải đảm bảo được an toàn cho các lực lượng cứu hộ

Cứu người như cứu hỏa, vì thế một lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách cùng phương tiện chuyên dụng chắc chắn sẽ ứng phó và tiến hành nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khẩn trương, hiệu quả hơn so với việc huy động các lực lượng liên ngành. Chúng ta trên cơ sở Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nên đầu tư để đơn vị trở thành cơ quan chuyên trách với đầy đủ lực lượng và trang thiết bị trực thuộc.

Đề xuất về phương án khắc phục, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTT cho rằng: “Phải có lực lượng chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn, trang thiết bị hiện đại hơn để phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Có như vậy mới đảm bảo được an toàn cho các lực lượng cứu hộ”.

Công tác cứu nạn, đặc biệt cần phải được nâng cao năng lực và hiện đại hóa thiết bị. Các đại biểu cũng đề xuất phương án cần lập lực lượng tìm kiếm cứu nạn đặc biệt để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Là một trong những lực lượng chủ lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ứng phó với sự cố thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) – Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai tìm kiếm cứu nạn cho biết, những khu vực xảy ra sự cố sạt lở ở khu vực miền Trung thời gian qua có địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận.

Theo ông Tỵ, trong thời gian tới, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ, vừa tổ chức phục hồi tái thiết, khắc phục hậu quả và tập trung tìm kiếm cứu nạn những nạn nhân chưa tìm thấy. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc sản xuất trang thiết bị để trang bị tốt nhất có thể cho các lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, an toàn hơn.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị cứu hộ cứu nạn

Mới đây, cuộc triển lãm triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ năm 2023 là sự kiện quan trọng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, triển lãm trên lĩnh vực này ngày càng thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuyên ngành trong và ngoài nước, nhất là trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống trên thế giới và Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp.

"Triển lãm là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn, là cơ hội cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy…Đồng thời tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại và các đối tác tiềm năng trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất, kinh doanh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ an toàn, tính mạng, sức khỏe, tài sản và sự bình yên, hạnh phúc cho người dân", lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh.

Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) – cứu nạn cứu hộ (CNCH) và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023 do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) phối hợp với Công ty CP hội chợ Triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) và Công ty Messe Frankfurt (CH Liên Bang Đức) tổ chức; Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam (VFRA) là đơn vị hỗ trợ tổ chức. Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Triển lãm quy tụ hơn 400 gian hàng của hơn 350 đơn vị là các cơ quan, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng đầu về kỹ thuật và phương tiện PCCC, CNCH, thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua triển lãm, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, các chủ đầu tư sẽ hiểu rõ hơn chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Triển lãm cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư với các đối tác quốc tế, phát triển thị trường xuất khẩu; qua đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH, phương tiện, thiết bị an ninh, an toàn tại Việt Nam.

Tình trạng phương tiện cũ, hư hỏng, không bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH diễn ra phổ biến tại các địa phương (theo thống kê hiện có khoảng 31,7% số xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm, số xe chữa cháy chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,4% không bảo đảm yêu cầu thường trực). Việc đầu tư trang bị phương tiện cho các đơn vị PCCC và CNCH còn nhiều hạn chế, tại một số đơn vị (chủ yếu tại Công an cấp huyện) chưa được trang bị phương tiện PCCC và CNCH (thống kê hiện còn 94/242 Đội thuộc Công an cấp huyện chưa được trang bị xe chữa cháy, chiếm 38,8%).

Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ chiến sĩ PCCC và CNCH còn thiếu nhiều, hầu hết trang phục chữa cháy (quần áo, mũ, ủng) đang được sử dụng mới chỉ là quần áo bảo hộ thông thường, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ cán bộ chiến sĩ chữa cháy theo quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12366:2018, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, bị thương vong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH./.

Mai Hương