Những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thường do hàn cắt kim loại

Truyền thông - Ngày đăng : 10:40, 24/12/2023

Không được trang bị kiến thức cơ bản về nghề, không biết các quy định về an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy, nên một số thợ hàn vô tình gây ra những tai nạn thương tâm.
Truyền thông

Những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thường do hàn cắt kim loại

Phượng Lê 24/12/2023 10:40

Không được trang bị kiến thức cơ bản về nghề, không biết các quy định về an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy, nên một số thợ hàn vô tình gây ra những tai nạn thương tâm.

Thợ hàn gây hỏa hoạn

Hồi đầu tháng 10/2023, Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội đã kết án hai thợ hàn trong vụ làm cháy nhà xưởng khiến 3 người tử vong, 1 người bị kết án 9 năm tù, một người bị kết án 8 năm 6 tháng tù giam.

Hai thợ hàn này phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 3,1 tỷ đồng. Vụ cháy xảy ra vào tháng 9/2022, tại xưởng chăn, ga, gối, đệm ở thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Chủ xưởng thuê thợ sửa mái tôn và vách tôn nhà kho. Trong quá trình hàn kim loại bằng hồ quang điện, vẩy hàn bắn vào vải, đệm trong kho gây cháy. Hai thợ hàn này đều không có chứng chỉ nghề hàn điện và không được tập huấn về phòng cháy chữa cháy.

13-phong-chay-trong-han-cat-kim-loai.jpg

Đầu năm nay, Cơ sở quảng cáo HTC bị tòa án huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu tuyên phải bồi thường cho cửa hàng Út Đồng Tiến 21 tỷ đồng vì thợ hàn làm cháy cửa hàng. Người thợ hàn gây cháy làm nghề tự do, được thuê gắn biển quảng cáo cho Công ty Sơn Hà tại cửa hàng Út Đồng Tiến.

Do hành nghề tự do, không thể ký kết hợp đồng nên Công ty quảng cáo HTC được nhờ đứng ra ký kết hợp đồng. Khi vụ hỏa hoạn xảy ra, theo Bộ luật Hình sự, Công ty quảng cáo HTC bị phạt 21 tỷ đồng, người thợ hàn bị phạt 2 năm tù treo.

Tháng 8/2017, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một cơ sở sản xuất chocolate ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội làm 8 người chết, 2 người bị thương. Chủ xưởng thuê thợ hàn thanh sắt vào khung giường ngủ trên gác xép tại xưởng.

Thợ hàn làm vẩy hàn bắn vào các hộp xốp, gây cháy. Người thợ hàn này không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động và chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp chống cháy.

Trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào tháng 11/2016, tại quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên nhân cũng là do thợ hàn bất cẩn. Vụ cháy này làm 10 người tử vong, 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh. Quán karaoke này đang sửa chữa, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chưa được cấp giấy phép kinh doanh nhưng vẫn đón khách. Thợ hàn không được đào tạo, không có chứng chỉ về hàn điện. Trong vụ án này, chủ quán karaoke bị phạt 9 năm tù, chủ của thợ hàn và thợ hàn bị phạt 7 năm tù. Ngoài hình thức phạt tù, 3 người này còn phải bồi thường cho gia đình những người gặp nạn.

Trong năm 2023, xảy ra nhiều vụ cháy nhà do thợ hàn bất cẩn khi hàn, cắt. Một số thợ hàn đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Hàn cắt kim loại có nguy cơ gây cháy cao vì hoạt động này dùng ngọn lửa có nhiệt độ rất cao để làm nóng chảy kim loại. Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa lên tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn từ 1.700-1.800 độ C. Kim loại bị nung nóng chảy sẽ bắn tung tóe ra xung quanh như các tia lửa, với nhiệt độ trên 1.000 độ C.

Những vẩy hàn này chính là nguyên nhân gây cháy khi chúng văng trúng vào những đồ vật dễ bắt lửa. Thợ hàn không có kiến thức về phòng cháy chữa cháy, không được tập huấn về an toàn lao động thường hoảng loạn khi gây ra cháy nên càng làm cho đám cháy phát triển theo chiều hướng xấu hơn.

Thực tế, trong những vụ cháy do hàn cắt, thợ hàn sau khi không dập tắt được đám cháy nhỏ do mình gây ra thường bỏ chạy, để mặc cho ngọn lửa bùng lên, cháy lan, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

13.jpg

An toàn khi hàn cắt

Các cơ sở bán thiết bị hàn cắt thường khuyến cáo người mua thiết bị rằng: phải cách ly khu vực hàn bằng cách đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy; hàn trên cao, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy, nếu không có sàn thì thợ hàn phải đeo dây an toàn, có túi đựng dụng cụ và mẩu que hàn thừa; cần dep các thiết bị dễ cháy nổ tránh xa khu vực hàn; khi hàn cắt ở nơi có nguy cơ cháy nổ phải tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy…

Liên quan đến an toàn cháy, nổ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với công việc hàn hơi quy định như sau:

- Khi tiến hành công việc hàn hơi tại những nơi có nguy cơ cháy, nổ phải tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy, nổ.

- Khi tiến hành công việc hàn hơi trong các hầm, buồng, thùng, khoang bể kín phải đặt thiết bị axetylen, chai chứa axetylen và chai oxy ở bên ngoài; cử người nắm vững kỹ thuật an toàn giám sát và phải có biện pháp an toàn cụ thể, phòng chống cháy, nổ, ngộ độc và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Thợ hàn phải đeo găng tay và sử dụng dây an toàn, dây an toàn được nối tới chỗ người giám sát.

- Phải thực hiện thông gió, với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s.

- Phải kiểm tra đảm bảo trong hầm, thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy nổ mới cho người tiến hành công việc hàn hơi.

- Cấm hàn hơi ở các hầm, thùng, khoang, bể kín đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ.

- Sử dụng khí và các công cụ hàn, cắt theo các quy định an toàn.

- Chỉ những người đã được đào tạo và có chứng chỉ mới được phép sửa chữa các thiết bị dùng cho oxy, axetylen, LPG.

- Diện tích chỗ làm việc ít nhất là 4 m2 cho một thợ hàn (không kể diện tích đặt thiết bị, đường đi lại).Chiều rộng lối đi lại nhỏ nhất 1m.Chiều cao từ sàn đến điểm thấp nhất của mái ít nhất là 3,25m.Các gian phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy với cấp chịu lửa thấp nhất là cấp II.Sàn phải làm bằng vật liệu không cháy, có độ dẫn nhiệt kém, dễ cọ rửa.Chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo phải phù hợp với quy định về chiếu sáng chỗ làm việc.Thông thoáng.

- Tất cả các công việc hàn cắt kim loại bằng ngọn lửa phải cách xa chỗ đặt bình sinh khí axetylen di động ít nhất 10 m; cách ống dẫn khí ít nhất 1,5 m; cách điểm trích khí ít nhất 3m.

- Trước khi tiến hành công việc hàn cắt phải thu dọn gọn gàng chỗ làm việc; Kiểm tra độ kín của các mối liên kết trên thiết bị hàn, cắt, ống dẫn, dây dẫn khí; Kiểm tra tình trạng của bình sinh khí, van giảm áp, ống dẫn khí, các van đóng ngắt, bình dập lửa.

- Chỉ những người đã qua đào tạo về công việc hàn hơi, được huấn luyện về an toàn lao động và được cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động mới được phép thực hiện công việc hàn hơi. Việc huấn luyện định kỳ về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thợ hàn hơi phải được tiến hành ít nhất 1 lần trong 6 tháng.

-Chỉ những người từ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe, đã được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật an toàn mới được phép tiến hành công việc hàn cắt dưới nước.

-Cấm nữ công nhân tiến hành công việc hàn hơi trong các hầm, thùng, khoang, bể kín.

- Thợ hàn hơi phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, kính hàn, tạp dề, giầy, găng tay và các loại phương tiện bảo vệ khác theo quy định.Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân dùng cho thợ hàn phải đảm bảo chống tia lửa, chống lại được tác động cơ học, bụi kim loại nóng và những bức xạ có hại.

Hàn hơi là một nghề phải có chứng chỉ hành nghề mới được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề hàn hơi hợp pháp là chứng chỉ do cơ sở đào tạo nghề đã được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cấp phép cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, do khâu quản lý lỏng lẻo nên có những thợ hàn tay ngang đã mua chứng chỉ giả để được phép hành nghề.

Nhiều người thay vì đi học nghề ở các cơ sở chính quy thì chọn học nghề theo kiểu nghề truyền nghề. Một số chủ sử dụng lao động trong nghề hàn hơi bất chấp quy định của pháp luật mà sử dụng công nhân không có chứng chỉ, không kiểm tra, giám sát an toàn lao động như quy định. Không được trang bị kiến thức cơ bản về nghề, không biết các quy định về an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy, nên một số người đã gây ra những tai nạn thương tâm.

Phượng Lê