Tủ lạnh cũng có thể phát nổ, gây cháy nhà
Truyền thông - Ngày đăng : 10:43, 01/12/2023
Tủ lạnh cũng có thể phát nổ, gây cháy nhà
Tủ lạnh phát nổ là điều hiếm khi xảy ra, nhưng không phải không thể xảy ra.
Nguồn phát cháy từ tủ lạnh
Theo Cbsnew, tháng 4/2023, tại căn bếp nhà bà Lenore Satterthwaite, ở quận Person, (Carolina,Hoa Kỳ) phát ra tiếng nổ lớn. Chiếc tủ lạnh mua chưa được một năm vỡ tung, làm hỏng tường nhà, tủ, đồ đạc trong nhà bếp. May mắn không có ai gặp tai nạn vì lúc đó nhà bếp không có người. Sau khi điều tra, cảnh sát địa phương kết luận nguyên nhân vụ nổ có thể là do dàn lạnh của tủ lạnh.
Ở Việt Nam cũng đã xảy ra những vụ nổ tủ lạnh. 3h sáng 10/10/2023, một biệt thự tại khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội, bốc cháy sau khi phát ra tiếng nổ lớn. Lửa được cho là phát ra từ góc tầng 1, sau đó bốc lên hai tầng trên, nhiều đồ đạc trong nhà bị thiêu rụi. Đám cháy chỉ được dập tắt sau đó 2 tiếng, khi lực lượng cứu hỏa điều hai xe cứu hỏa tới hiện trường chữa cháy.
Nguyên nhân gây cháy được cho là do chiếc tủ lạnh đặt ở góc tầng 1 phát nổ. Chủ nhà cho biết đã phát hiện bình ga tủ lạnh bị hở hai ngày trước, nhưng chưa kịp sửa chữa.
Vụ nổ tủ lạnh làm cháy nhà ở Pháp Vân chỉ gây thiệt hại về tài sản. Còn một vụ nổ tủ lạnh khác từng xảy ra vào tháng 5/2017 ở thành phố Hồ Chí Minh đã khiến hai người bị thương nặng. Đó là hai vợ chồng già ở phường Đa Kao, quận 1. Họ bị thương khi chiếc tủ lạnh đặt trong bếp phát nổ đúng lúc họ đang ở trong bếp, vừa bật lửa định nấu ăn. Chiếc tủ lạnh phát nổ này mới được mua trước đó hơn 1 năm, thường dùng để đựng thực phẩm tươi sống.
Trong tủ lạnh có nhiều bộ phận có thể gây cháy, nổ khi bị tác động mạnh như dàn lạnh, dàn nóng, bình ga, máy nén, các ống dẫn… Cơ chế làm lạnh của tủ lạnh là bình gas bơm gas lên dàn lạnh, máy nén chuyển gas ở dạng khí sang dạng lỏng rồi đưa gas tuần hoàn khắp bên trong tủ. Nếu tủ lạnh quá cũ hoặc đã được sửa chữa, thay ga nhiều lần, có thể xảy ra hiện tượng cặn bẩn gây tắc ống nối từ dàn ngưng tới dàn bay hơi, làm giảm khả năng làm mát, gây nóng máy, nguy cơ bị cháy, nổ nếu có tác động từ bên ngoài.
Tùy theo từng dòng tủ lạnh cao cấp hay rẻ tiền, đời cũ hay đời mới mà có những loại gas làm lạnh khác nhau. Trước đây, người ta dùng gas R22 để làm lạnh, nhưng gas này độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến tầng ozon nên đã bị thay thế bằng những dòng ga khác an toàn hơn. Để thay thế gas R22, những hãng sản xuất tủ lạnh sử dụng gas R134a, có thành phần cấu tạo gần giống R12, nhưng giảm hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên dòng gas này dễ bị nhiễm ẩm, khó khăn cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tủ lạnh. Gas R410A cũng là một loại gas có thành phần hóa học tương tự R22, nhưng có khả năng làm lạnh tốt hơn, không gây thủng tầng ozon. Nhưng loại gas này lại có nhược điểm là giá cao, độ bay hơi cao, bất tiện khi phải thay gas mới.
Loại gas mới nhất hện nay được dùng thay thế cho R22 là gas R32, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, hiệu suất làm lạnh cao, tiết kiệm điện. Nhưng R32 cũng có nhược điểm là giá cao; việc bảo trì, thay gas phức tạp. Một loại gas tủ lạnh nữa là R600a, được dùng cho các dòng tủ lạnh cao cấp, có khả năng làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường. Nhưng khi cần xử lý gas loại này phải có thợ kỹ thuật lành nghề.
Vì sao phát nổi?
Theo các chuyên gia, tủ lạnh có thể phát nổ vì một trong nhiều nguyên nhân:
1. Khí gas trong tủ là thành phần nhạy với lửa, gây cháy nổ.Tủ lạnh bị rò ga do quá trình nạp gas hoặc sửa chữa không đúng kỹ thuật. Khí gas rò rỉ, gặp nguồn nhiệt hoặc có tia lửa điện, sẽ bùng cháy rồi phát nổ. Những loại khí gas mới có tác dụng làm lạnh nhanh, thân thiện với môi trường, không làm hư hại tầng ozon, không độc hại với con người nếu bị rò rỉ, những cũng có nhược điểm là dễ cháy, dễ gây nổ.
2. Chất làm lạnh bị rò rỉ do rách thành bảo vệ của ngăn đông. Thành bảo vệ này bị rách do nhiều người dùng vật sắc nhọn cạy lớp đá đóng vào thành tủ sau một thời gian dài sử dụng.
3. Để nước ngọt có gas trong ngăn đông. Nước ngọt có ga được khuyến cáo không nên giữ lạnh ở nhiệt độ dưới 0 độ C. Khi bị đông trong ngăn đông, áp suất trong hộp hoặc trong chai bị thay đổi đột ngột, vượt quá khả năng chịu được của chai, lon, sẽ phát nổ. Bia, rượu cũng không nên giữ trong ngăn đông, vì có khả năng sẽ bị nổ, bay hơi cồn, gây cháy. Đá khô cũng là thứ không được để trong ngăn đá tủ lạnh. Áp lực gia tăng trong môi trường kín có thể khiến đá khô phát nổ. Đá khô phải được trữ trong bình đựng styrofoam hoặc thiết bị làm mát cách điện.
4. Để tủ lạnh gần nguồn phát nhiệt như bếp gas, lò vi sóng, lò nướng hay bất kỳ máy móc phát nhiệt nào khác. Những nguồn phát nhiệt này có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh, gây tăng áp suất làm tủ lạnh phát nổ.
5. Tủ lạnh quá cũ, các thiết bị bên trong như máy nén, bình ga, hệ thống làm lạnh... có thể bị hỏng. Khi rơ le trong máy không hoạt động, hỏng lốc máy, dẫn đến áp suất tăng cao, tủ có thể cháy nổ. Nếu vỏ tủ lạnh bị han gỉ, lại đặt ở nơi ẩm thấp, lớp bảo ôn có thể bị hỏng, nước thấm vào mạch điện gây chập, cháy. Lốc máy bị quấn lại cuộn dây đồng không đúng kỹ thuật có thể là nguyên nhân gây cháy nổ.
Lâu ngày, lớp cách điện ở dây đồng bị bong tróc, sẽ chạm vào nhau gây chập điện, làm cho áp suất trong lốc máy tăng lên gây xì gas, bắt lửa. Có trường hợp do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của gas, cũng dẫn tới cháy nổ. Nhiều nhà dùng bình ổn áp để ổn định nguồn điện cho tủ lạnh. Nếu sử dụng nhầm ổn áp kém chất lượng dễ gây cháy ổn áp và cháy lan sang tủ lạnh.
Với những thiết bị dùng điện, nếu bị chập, cháy, sẽ phát ra khói, hoặc bùng cháy thành ngọn lửa. Nhưng tủ lạnh trước khi phát nổ không có bất kỳ hiện tượng nào như vậy để chúng ta có thể biết trước mà đề phòng.
Nhà sản xuất đã khuyến cáo người dùng không nên đặt tủ lạnh trong không gian kín. Tủ lạnh phải được đặt ở nơi thoáng khí, không bị nắng rọi trực tiếp vào, cũng không ở gần nơi có độ ẩm cao như vòi nước hay nhà tắm; không đặt gần nguồn sinh nhiệt (cách xa các loại bếp nấu, lò nướng, bình ga... từ 1-3m); mặt sau của tủ cần cách xa tường từ 10-15cm để tản nhiệt; không dùng vật sắc nhọn để vệ sinh ngăn đông; không đặt bất kỳ vật dụng nào lên nóc tủ lạnh, nhất là thiết bị điện tử vì chúng sinh nhiệt và phát ra sóng điện từ.
Khi tủ lạnh đã quá cũ, hư hỏng, rỉ sét, hay đã từng phải nạp lại gas nhiều lần, nên thay tủ lạnh mới. Còn nếu chưa có điều kiện thay mới thì khi tủ lạnh bị hư hỏng, không đông đá, hoặc không có hơi lạnh, hoặc đá đóng tràn ra ngoài, cần gọi thợ có chuyên môn về sửa chữa, không tự ý đụng chạm vào các thiết bị bên trong tủ lạnh.
Khi tủ lạnh phát ra tiếng động to liên tục mà không tự ngắt như bình thường, hai bên thành tủ nóng lên, ngửi thấy mùi ga từ tủ lạnh... thì chiếc tủ lạnh có thể đã bị hư hỏng, cần sửa chữa. Khi đó, cần ngắt nguồn điện và gọi thợ sửa chữa tủ lạnh có chuyên môn đến để xử lý.
Tủ lạnh là thiết bị gần như không thể thiếu trong nhiều gia đình hiện nay, chỉ trừ ở những vùng quá xa xôi không có điều kiện kinh tế hoặc chưa có điện. Vì vậy, biết cách sử dụng đúng để tủ lạnh không trở thành thủ phạm gây cháy, nổ trong nhà là điều cần thiết.
Để phòng tránh cháy nổ tủ lạnh, điều quan trọng nhất là phải sử dụng tủ lạnh theo đúng thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất, không dùng tủ lạnh quá cũ, từng hư hỏng, gỉ sét, nạp lại gas nhiều lần, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ.
Còn nếu gia đình bạn đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong, hay tự ý mang đi nạp gas mới. Nên mời thợ có chuyên môn về nạp gas hoặc hàn xì các bộ phận hư hỏng. Bởi lẽ, khí gas dùng trong tủ lạnh là một chất dễ cháy, dễ bắt lửa khi bị rò rỉ và nếu có nguồn lửa sẽ gây cháy tủ lạnh và cháy lây sang các vật khác trong nhà./.