Chữ ký số giúp “kiến tạo” xã hội số bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 08:21, 26/12/2023
Chữ ký số giúp “kiến tạo” xã hội số bền vững
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số thì việc phổ cập, sử dụng chữ ký số cá nhân cho mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp là điều cần thiết, cần được đẩy mạnh.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động ký số ở phạm vi, quy mô diện rộng
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ TT&TT giao nhiệm vụ cho Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng triển khai nhiều giải pháp.
Trong số nhiều giải pháp, hiệu quả mang lại cao là chương trình cấp chứng thư số miễn phí cho người dân tại 18 tỉnh, thành phố (Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Yên Bái, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Bình Định, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk).
Trong chương trình này, với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân đã được cấp chứng thư số với các chính sách hỗ trợ, như miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chứng thư số và ký số dịch vụ công trực tuyến.
Chưa dừng lại, NEAC đã triển khai tích hợp dịch vụ ký số vào 38 cổng dịch vụ công trực truyến của địa phương để người dân có thể thực hiện ký số tài liệu. Mục tiêu của NEAC trong thời gian tới chính là sau khi tích hợp thành công dịch vụ số, đơn vị sẽ xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình cấp chứng thư số cá nhân miễn phí cho người dân trên địa bàn các địa phương nêu trên.
Đồng thời, NEAC đẩy mạnh việc ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa Sở TT&TT với Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các CA công cộng tham gia để nâng cao hiệu quả, thực chất cho các hoạt động ký số ở phạm vi, quy mô diện rộng.
Cũng theo NEAC, để các hoạt động ký số có thể triển khai ở phạm vi, quy mô diện rộng thì trong quá trình triển khai cần đẩy mạnh việc thực hiện áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích người dùng thay đổi thói quen sử dụng chữ ký trên giấy truyền thống.
Quan trọng hơn, các cơ quan hành chính, nhà nước cần phải đảm bảo có môi trường, cộng cụ, hệ thống hoạt động ổn định để sử dụng chữ ký số thường xuyên, liên tục, liên thông, tiện lợi mọi nơi, mọi lúc cho mọi người dân, doanh nghiệp.
Tích cực phổ biến lợi ích của chữ ký số cho người dùng
Như vậy, sau một thời gian triển khai chương trình, những giá trị mang lại có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để thiết lập môi trường số diện rộng, hướng đến xây dựng, vận hành hiệu quả nền kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.
Và khi nói về những kết quả từ chương trình cấp chứng thư số miễn phí cho người dân tại 18 tỉnh, địa phương nêu trên (tính đến hết 31/10/2023), chương trình đã cấp được 260.500 chứng thư số.
”Cũng nhờ triển khai tích cực chương trình bước đầu đã tạo được hiệu ứng tốt với khối chính quyền, cơ bản người dân cũng đã nắm được chủ trương, ủng hộ, thay đổi hành vi số, tin tưởng, lựa chọn dịch vụ ký số trong các giao dịch (nhất là ký kết các hợp đồng điện tử, giao dịch thương mại điện tử)...”, NEAC đánh giá.
Cũng theo NEAC, để có được những kết quả này, thời gian qua, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến lợi ích của chữ ký số cho mọi tầng lớp người dân, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó nhiều người đã biết đến chữ ký số và hoạt động cấp miễn phí chữ ký số cá nhân.
Hơn nữa, NEAC cũng đã phối hợp triển khai nhiệm vụ này thường xuyên với các địa phương, do đó việc triển khai cũng đã nâng cao được nhận thức của người dân đối với chữ ký số dành cho cá nhân...
Và để phát huy hiệu quả hơn nữa đối với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, NEAC cam kết tích cực phối hợp chặt chẽ với đầu mối ở các tỉnh để thúc đẩy triển khai chữ ký số cho người dân trên cả nước. Đồng thời, NEAC tiếp tục nhân rộng mô hình thành công tại một số địa phương đã triển khai; đẩy mạnh việc phối hợp truyền thông, lan tỏa hiệu ứng tiện lợi, thói quen số, từ đó để người dân nắm được và hưởng ứng, tin dùng./.