Thừa Thiên - Huế: Triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo an toàn PCCC dịp cuối năm
Truyền thông - Ngày đăng : 08:15, 25/12/2023
Thừa Thiên - Huế: Triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo an toàn PCCC dịp cuối năm
Theo thông tin của Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến cuối năm 2023, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, không để xảy ra cháy làm chết người trên địa bàn tỉnh.
Số vụ cháy giảm, đặc biệt không có thiệt hại về người
Trong cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương về báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác PCCC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, địa phương phải đặt công tác PCCC lên hàng đầu, kết hợp học hỏi, triển khai nhân rộng những cách làm, mô hình hay về PCCC.
Trong năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận 66 vụ cháy nổ, giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, không ghi nhận thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 21 tỷ đồng, thiệt hại do cháy rừng khoảng 40 ha rừng.
Năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chợ Khe Tre, Nam Đông đã gây cháy tại đình chính của chợ là 1.260m2; đình phụ là 960m2, với 335 hộ kinh doanh.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC phát huy phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 592 mô hình Tổ liên gian an toàn PCCC và 858 Điểm chữa cháy công cộng.
Ông Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, địa phương cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát các điều kiện về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm trên địa bàn, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Sở dĩ số vụ cháy trong năm 2023 trên toàn địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giảm, đặc biệt, trên địa bàn tỉnh tiếp tục không để xảy ra cháy làm chết người, là kết quả của quá trình nỗ lực đảm bảo an toàn PCCC.
Tăng cường tuyên truyền kiến thức, thực hành kỹ năng và tổ chức diễn tập PCCC
Theo Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có 2.108 nhà chung cư, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, chung cư, cư xá; 2.077 phòng trọ; 380 nhà trẻ, mầm non, hàng trăm trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS và Tiểu học. Riêng địa bàn TP Huế có 1.849 phòng trọ cho thuê… Vì vậy, đòi hỏi công tác PCCC luôn phải đặt lên hàng đầu khi mà nguy cơ cháy nổ ngày càng cao và nguy hiểm như hiện nay.
Tháng 10 vừa qua, thực hiện kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại 378 lượt cơ sở trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các tồn tại, đồng thời lập biên bản xử lý 23 cơ sở kinh doanh vi phạm về PCCC. Trong đó, có 18 cơ sở bị đình chỉ hoạt động toàn bộ, 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động từng hạng mục.
Những ngày cuối năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Huế tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho hơn 2.000 học sinh Trường THCS Chu Văn An và THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế).
Dịp này, các em học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế như: thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas; trải nghiệm cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có khói khí độc, thoát nạn trong không gian hạn chế; thực hành rải vòi chữa cháy, phun nước vào hộp tiêu điểm.
Mới đây, chiều 15/12, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thực tập phương án PCCC và CNCH tại Trung tâm Đào tạo Ielts nằm trên đường Hùng Vương, TP Huế. Trước đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cũng tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại hàng chục khách sạn, cơ sở lưu trú, các khu mua sắm… trên địa bàn.
Tại buổi thực tập phương án chữa cháy ở khách sạn Park View đường Ngô Quyền (TP Huế), tình huống giả định được đặt ra là, lửa bùng phát tại khu vực bếp tầng 1 do rò rỉ khí gas và thiết bị điện chập phát sinh tia lửa điện, gây nổ tạo thành đám cháy. Lửa phát triển, lan rộng sang khu vực lân cận kèm theo khói, khí độc. Lúc này, khoảng 15 người đã tự thoát ra ngoài, còn lại 18 người đang mắc kẹt. Mặc dù lực lượng PCCC của khách sạn đã sử dụng phương tiện, thiết bị chữa cháy để cứu chữa, tuy nhiên, đám cháy vẫn không được khống chế và có nguy cơ cháy lớn.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với lực lượng chữa cháy cơ sở triển khai các phương án chữa cháy, tổ chức cứu người và tài sản an toàn; đồng thời, dập tắt hoàn toàn đám cháy, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản…
Thượng tá Phan Thanh Phong cho biết, qua các buổi thực tập phương án chữa cháy chính là dịp để các lực lượng tham gia phối hợp rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn, bố trí lối thoát nạn tại các khu vực tập trung đông người; bảo đảm triển khai kỹ, chiến thuật chữa cháy linh hoạt, hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ.
Lan tỏa phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy"
Trên địa bàn tỉnh có 592 tổ liên gia về PCCC và hơn 650 điểm chữa cháy công cộng được đưa vào vận hành mang lại hiệu quả rất cao trong công tác PCCC tại cơ sở. Thời gian qua, nhiều vụ cháy đã được phát hiện, dập tắt ngay tại cơ sở, hạn chế ngọn lửa bùng phát.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, có hơn 40 vụ cháy dân sự liên quan đến cột điện, nhà ở đơn lẻ, phương tiện giao thông, quán cà phê, nhà văn phòng… Các vụ cháy này phần lớn đều được tổ liên gia PCCC ở cơ sở kịp thời khống chế, dập tắt.
Để công tác PCCC trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh khuyến cáo người dân, chủ các cơ sở kinh doanh đặc biệt lưu ý, quan tâm đến công tác PCCC; lưu ý sử dụng điện, thiết bị điện, sử dụng bếp gas an toàn.
Các tiểu thương không nên để hàng hóa quá nhiều, cản trở đường đi, lối thoát nạn; cần có đường thoát nạn số 2, tuyệt đối không cơi nới, lắp đặt “chuồng cọp” đối với những cơ sở kinh doanh, nhà cao tầng. Trong mỗi gia đình, cơ sở ít nhất phải có một bình chữa cháy, trang bị những phương tiện phá dỡ như: búa, xà beng, kềm cộng lực… để sử dụng khi có sự cố cháy xảy ra.
“Ngoài lực lượng nghiệp vụ PCCC và CNCH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về PCCC; mỗi gia đình, từng người dân cần tích cực tham gia phong trào “Toàn dân PCCC” để kịp thời phát hiện, xử lý dập tắt đám cháy khi có sự cố cháy xảy ra. Qua đó, phần hạn chế đến mức thấp nhất về cháy; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mọi người, mọi nhà, mọi đơn vị, doanh nghiệp”, Thượng tá Phan Thanh Phong chia sẻ thêm.
Nhiều tháng qua, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh công tác phối hợp với công an các huyện, thị xã và TP Huế triển khai phát động mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ dân phố, khu dân cư. Theo đó, mỗi gia đình sẽ tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy tại chỗ để đề phòng sự cố cháy nổ xảy ra.
Tại TP Huế, phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” được người dân hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình này.
Tuy nhiên, sau khi được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn PCCC, ông nhận thấy tầm quan trọng của việc trang bị bình chữa cháy nên đã quyết định trang bị thêm để đề phòng khi sự cố cháy nổ xảy ra có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Trên thực tế, việc phát động mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi người dân có thể tận dụng thời gian vàng để xử lý đám cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Tỉnh cũng triển khai công tác tập huấn, trang bị các kỹ năng xử lý và dập tắt đám cháy tại chỗ, kỹ năng thoát hiểm cho các cán bộ đảng viên, nhân viên, người lao động trên địa bàn.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn số 13246/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Công văn yêu cầu chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác thường trực phòng cháy chữa cháy (PCCC) của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trên địa bàn tăng cường công tác PCCC, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, quản lý sử dụng pháo, an toàn sử dụng điện,… phòng ngừa từ xa không để xảy ra cháy, nổ trong dịp Tết./.