Nâng cao năng lực PCCC với 5 loại hình cháy phức tạp

Truyền thông - Ngày đăng : 08:25, 19/12/2023

Hiện nay, năng lực và phương tiện của lực lượng cảnh sát PCCC nước ta có đáp ứng được yêu cầu của công tác PCCC trong tình hình mới? Nhất là đối với 5 loại hình cháy phức tạp: cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng.
Truyền thông

Nâng cao năng lực PCCC với 5 loại hình cháy phức tạp

Ngọc Hà 19/12/2023 08:25

Hiện nay, năng lực và phương tiện của lực lượng cảnh sát PCCC nước ta có đáp ứng được yêu cầu của công tác PCCC trong tình hình mới? Nhất là đối với 5 loại hình cháy phức tạp: cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng.

Cần các phương tiện và thiết bị PCCC hiện đại.

Thực trạng năng lực và phương tiện PCCC còn hạn chế

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong những năm qua, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khi số lượng các công trình đa chức năng kết hợp giữa nhà cao tầng và tầng hầm được xây dựng mới ngày càng nhiều.

Với 5 loại hình cháy phức tạp hiện tại lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ nhất, về lực lượng, Cảnh sát PCCC và CNCH tại các Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa bảo đảm theo yêu cầu thực tiễn trong công tác, số lượng CBCS trực tiếp làm công tác chữa cháy đang thiếu về số lượng, đặc biệt là số lượng lái xe chữa cháy dẫn đến rất khó khăn trong công việc bố trí công tác thường trực chiến đấu; Tổ, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an cấp huyện ở một số địa phương phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác.

Theo thống kê cho thấy tỷ lệ xe/lái xe là 1,96 dẫn tới tình trạng thiếu lái xe, lái tàu khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Về trình độ nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang yếu về nghiệp vụ, thiếu về trang thiết bị phương tiện có thế xử lý những tình huống cháy lớn phức tạp liên qua đến nhà cao tầng, tầng hầm, cơ sở hoá chất, tàu thuỷ và rừng.

Đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ.

Trong quá trình đào tạo cũng như khi ra công tác, cán bộ chiến sĩ không thường xuyên được tập huấn, huấn luyện đối với những loại hình này mà chủ yếu huấn luyện thể lực, huấn luyện những đội hình chữa cháy cơ bản. Hầu hết không được tiếp cận những bài huấn luyện chiến, kỹ thuật những loại hình cháy phức tạp do thiếu mô hình mô phỏng những loại hình trên, cơ sở vật chất huấn luyện nghèo nàn, lạc hậu dẫn tới không có tính ứng dựng vào thực tiễn chiến đấu.

Lực lượng không được tập huấn, huấn luyện trau dồi trình độ qua việc tiếp cận với những trang thiết bị, phương tiện hiện đại, chuyên dùng để xử lý cho từng tình huống cháy phức tạp do hầu hết các địa phương đều không có, không được trang bị hoặc có nhưng số lượng rất hạn chế, chỉ sử dụng trong huấn luyện lý thuyết chứ không phục vụ thực hành.

Về phương tiện, số lượng phương tiện được trang bị nêu trên vẫn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, CNCH đặt ra trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 27,1% tổng số xe; xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,9%. Hiện có 66% xe chữa cháy có chất lượng trung bình và tốt, còn lại 28,6% không đảm bảo yêu cầu thường trực sẵn sàng chiến đấu (có chất lượng kém và hư hỏng).

Tỷ lệ xe có chất lượng tốt để phục vụ công tác PCCC và CNCH trên thực tế rất thấp; chỉ có 2 tỉnh, thành phố (chiếm 3% tổng số địa phương) có trung bình 2 xe chữa cháy chất lượng tốt/đội chữa cháy; 10 địa phương (tương đương 15,8%) có trung bình 1 chiếc xe chữa cháy chất lượng tốt/đội; đặc biệt tại nhiều địa phương, có nhiều đội chữa cháy chỉ được trang bị duy nhất 1 xe chữa cháy.

Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác CNCH còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện nay, có 57/63 địa phương được trang bị xe thang (7 địa phương chưa được trang bị xe thang), chỉ có 26,4% số đội chữa cháy hiện có được trang bị xe thang, còn tới 73,5% chưa được trang bị. Đối với xe cứu hộ, tỷ lệ lần lượt là 29,5% đội đã được trang bị xe và 70,5% chưa được trang bị.

Trong tổng số xe thang được trang bị hiện nay, số lượng xe thang còn hoạt động tốt chỉ chiếm 46 %, xe thang cao nhất hiện nay còn sử dụng tốt có chiều cao 52 m, tương đương với toà nhà 17 tầng nên khu sự cố cháy nổ xảy ra các tầng từ 17 trở lên thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý tình huống.

Số lượng xe chữa cháy sử dụng bọt khô công nghệ CAFS và xe chữa cháy có công suất lớn (xe trạm bơm) có thể chữa cháy ở độ cao đến 160 m được trang bị rất hạn chế, chưa được trang bị xe chữa cháy công nghệ Sky CAFS có thể đẩy nước lên được độ cao từ 300 m trở lên phục vụ chữa cháy các công trình siêu cao tầng.

Đối với việc trang bị thiết bị, phương tiện chữa cháy bảo đảm khả năng tổ chức đảm chữa các đám cháy trên sông, trên biển cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn rất hạn chế. Hiện nay lực lượng mới chỉ được trang bị 6 tàu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với công suất trung bình và nhỏ; trong đó chỉ có 05 tàu đang hoạt động; có một số tàu công suất lớn như: Tàu ST-115 của PC07 TP Hồ Chí Minh; tàu ST-202F1 của Công an thành phố Hải Phòng là tàu lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với thiết kế tàu cấp I.

Đối với các sự cố hoá chất, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa được trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng để xử lý các tình huống có liên quan đến hoá chất, đặc biệt là những sự cố rò rỉ hoá chất có tính nguy hại cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của CBCS trực tiếp tham gia xử lý sự cố cũng như tới môi trường sống xung quanh khu vực xảy ra sự cố.

Đối với đám cháy rừng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn là lực lượng chủ đạo trong công tác chữa cháy rừng, tuy nhiên trong rất nhiều tình huống không thể đưa lực lượng và các phương tiện cơ giới để tiếp cập trực tiếp phục vụ chữa cháy rừng.

Thiếu các phương tiện cơ giới chuyên dụng để phục vụ công tác chữa cháy rừng như: Xe bánh xích để đào rãnh, cắt cây tạo đường băng cản lửa, xe cơ giới nghiền đất thành bột để phủ vào đám cháy. Chưa được trang bị máy bay chuyên dùng chữa cháy rừng: Máy bay chở nước, chở hoá chất (bột, các hoá chất, vật liệu chữa cháy khác...).

Các giải pháp nhằm đáp ứng PCCC với 5 loại hình cháy phức tạp

Để khắc phục các khó khăn nêu trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã kiến nghị các giải pháp:

Tăng cường phối hợp, cử cán bộ chiến sĩ đi đào tạo, tập huấn, huấn luyện chiến, kỹ thuật tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên Bang Nga và các nước EU đã có mô hình phát triển về công nghệ và biện pháp xử lý các sự cố, tình huống phức tạp đối với các dạng cháy phức tạp, đặc biệt là đối với các dạng đám cháy thuộc 5 loại hình cháy phức tạp nêu trên.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện trong nước nhằm nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là mặt chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp xử lý những tình huống cháy nổ các dạng đám cháy thuộc 5 loại hình cháy phức tạp nêu trên.

Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng nghiên cứu các đề tài, đề án để sớm sản xuất các thiết bị, phương tiện như: Thiết bị bay không người lái phun hoặc bắn chất chữa cháy dạng khí, bột, nước vào các đám cháy nhà cao tầng, cháy rừng, cháy các công trình công nghiệp…

Tổ chức triển khai và xây dựng các Quy chế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc các Bộ và cơ quan ngang Bộ có các phương tiện xử lý các sự cố cháy, nổ, tai nạn chuyên dùng, đặc chủng.

Trang phục bảo hộ cá nhân của cảnh sát PCCC.

Xây dựng các bài chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các loại hình nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng; xây dựng phim huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 5 loại hình cháy nêu trên.

Những bài chiến thuật này được xây dựng dựa trên cơ sở những thiết bị phương tiện hiện có của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình này nhằm giúp cho CBCS chủ động và thích ứng với tình huống xảy ra.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để và có tính lâu dài, đạt được hiệu quả chữa cháy đạt kết quả cao thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần được trang bị những thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện đại.

Để có thể nhanh chóng tiếp cận và xử lý trực tiếp, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố của 5 loại hình cháy phức tạp nêu trên thì yếu tố then chốt vẫn là cán bộ chiến trực tiếp làm nhiệm vụ.

Vì vậy điều kiện tiên quyết là cảnh sát phải được trang bị đầy đủ những bộ trang phục bảo hộ cá nhân như quần áo chữa cháy chịu được nhiệt độ cao, trong thời gian dài (quần áo cách nhiệt chuyên dùng chịu được nhiệt độ đến 1000 độ C, quần áo chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chịu được nhiệt độ môi trường 250 độ C).

Mặt nạ lọc độc, bộ thiết bị mặt nạ phòng độc cách ly có thời gian duy trì thở kéo dài đối với đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng, đám cháy tầng hầm hay cháy phương tiện đường thuỷ. Camera cảm biến nhiệt gắn trực tiếp trên mũ chữa cháy có thể nhìn xuyên khói phục vụ trinh sát đám cháy, tìm kiếm gốc lửa cũng như người bị nạn trong đám cháy. Bộ đồ bảo hộ chống hoá chất, thiết bị đo nồng độ hoá chất dùng cho sự cố cháy liên quan đến đám cháy hoá chất.

Cục cũng đặt ra các nhiệm vụ: Nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ chiến sĩ; tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chiến, kỹ thuật tại các nước đã có kinh nghiệm xử lý sự cố, tình huống cháy, nổ phức tạp.

Đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ PCCC nhằm sớm tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để chủ động trong việc sản xuất thiết bị, phương tiện PCCC phục vụ cho lực lượng./.

Ngọc Hà