Để chính sách pháp luật đi đến từng người dân

Truyền thông - Ngày đăng : 10:19, 26/11/2023

Truyền thông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Truyền thông

Để chính sách pháp luật đi đến từng người dân

Ngọc Anh 26/11/2023 10:19

Truyền thông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách là một phần trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng, hoạt động này có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện như sau:

Truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Truyền thông dự thảo chính sách là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình” tham gia xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Truyền thông dự thảo chính sách giúp củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước; phát huy dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

dsc3207-16560651873251885432208.jpg
Quang cảnh hội nghị riển khai Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027". Ảnh: VGP.

Tại hội nghị triển khai Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027", TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết Đề án xác định mục tiêu tổng quát là nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL.

Qua đó, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thời gian qua, việc phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật chủ yếu diễn ra đối với các VBQPPL đã được ban hành. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo VBQPPL, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành.

Truyền thông nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" (Đề án).

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" (Đề án), Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương: (i) ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án; (ii) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án với sự tham dự của đại diện một số ban Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương; một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học; (ii) tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung về việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án số 407 của Thủ tướng Chính phủ.

nguyen-thanh-tinh-9179-791.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội thảo về Luật Báo chí 2016.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thông tin, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xây dựng Chương trình, nội dung truyền thông về một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có tác động lớn như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Công chứng (sửa đổi); Luật SĐ,BS một số điều của Luật Đấu giá tài sản…

Chưa chủ động truyền thông chính sách pháp luật

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách theo yêu cầu của Đề án. Công tác truyền thông chưa phong phú, còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu Đề án đã đặt ra. Việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật của một số cơ quan báo chí chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chặt chẽ.

Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông nói chung, truyền thông về dự thảo chính sách nói riêng còn rất hạn hẹp, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa có đột phá về nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông chính sách pháp luật.

image3-21.jpg
Ảnh minh họa.

Một số giải pháp

TS. Trần Văn Duy (Bộ Tư pháp) gợi mở một số giải pháp triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới:

Thứ nhất, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 407/QĐ-TTg. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí bảo đảm tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.

Thứ hai, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Thứ năm, chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông, bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, thống nhất nhận thức, xác định công tác truyền thông trong quá trình xây dựng VBQPPL là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để phát huy dân chủ, nâng cao tính minh bạch, công khai trong quá trình xây dựng pháp luật./.

Ngọc Anh