Phát triển báo chí số ở Việt Nam: Câu chuyện còn đang tiếp diễn
Báo chí - Ngày đăng : 11:31, 01/12/2023
Phát triển báo chí số ở Việt Nam: Câu chuyện còn đang tiếp diễn
Để chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn số, mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của sự chuyển đổi số. Mô hình này phải đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số - Công nghệ số - Công chúng số - Kinh tế số - Hệ sinh thái số.
Các cơ quan báo chí được quy hoạch phát triển là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện hiện nay (Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025) là những cơ quan có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số báo chí, bao gồm: Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, hướng dẫn, ban hành văn bản, tổ chức làm việc với 6 cơ quan báo chí này đề nghị khẩn trương xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng thời hạn quy định. Các cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Ngày 17/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 3584/BTTTT-CBC; Đồng thời, đưa ra các nội dung gợi mở, hướng dẫn đối với 6 cơ quan trên trong xây dựng đề án nhằm định hướng để các cơ quan bám sát mục tiêu, xác định rõ nội hàm chủ lực, thế mạnh đặc thù riêng, tránh chồng chéo, gây lãng phí, kém hiệu quả. Tháng 6/2023, 6 cơ quan trên đã xây dựng đề án đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở nước ta - quá trình chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống với 4 loại hình báo chí căn bản sang một nền báo chí gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số.
Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp, của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Mô hình báo chí số đòi hỏi hành lang pháp lý về báo chí, Luật Báo chí năm 2016 phải có những thay đổi lớn có tính hệ thống. Luật hiện nay chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số (AI, Blockchain…), nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật. Các loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu, và nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…) chưa được đề cập đến.
Công cụ pháp lý về quản trị nội dung, quản trị tòa soạn số là những thách thức lớn, đặc biệt vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ khi ChatGPT, AI phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ. Việc nhập khẩu các công cụ số hay chính sách tài chính để giải ngân lợi nhuận từ sản phẩm số trên các nền tảng xuyên biên giới rất khó khăn do thiếu cơ chế, thiếu công cụ số và công cụ pháp lý phù hợp.
Các cơ quan báo chí đã và đang nỗ lực chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. Một trong số những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là hạn chế nhân lực và vật lực; Chưa xây dựng được mô hình tòa soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số - Công nghệ số - Công chúng số - Kinh tế số - Hệ sinh thái số; Chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số. Kinh tế số chính là điểm nghẽn lớn nhất, cả về nhận thức, mô hình và cơ sở pháp lý để thực hiện.
Việc chuyển đổi từ mô hình truyền thông sang mô hình báo chí sáng tạo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng đòi hỏi những bộ phận mới, các vị trí công việc mới; Những yêu cầu mới, nguyên tắc mới cho những vị trí việc làm cũ. Điều này dẫn tới sự thay đổi mạnh trong nhu cầu nhân lực báo chí truyền thông cho chuyển đổi số.