Có nên đổi tên “Luật Báo chí” thành “Luật Báo chí truyền thông”
Báo chí - Ngày đăng : 15:18, 03/12/2023
Có nên đổi tên “Luật Báo chí” thành “Luật Báo chí truyền thông”
Sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng của báo chí, nội dung báo chí và nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.
Luật Báo chí truyền thông nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đối tượng chính: Báo chí; Các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin ngoài báo chí; Truyền thông liên nhân cách trong hệ sinh thái số; Truyền thông xã hội; Bổ sung các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ của báo chí số, như sản phẩm báo chí số, sản phẩm truyền thông xã hội, sản phẩm, sản phẩm truyền thông đại chúng, sản phẩm truyền thông xã hội, nền tảng báo chí truyền thông, báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động.
Cần bổ sung khái niệm xã hội thông tin, an toàn thông tin, an ninh truyền thông, hệ thống khái niệm về các lĩnh vực truyền thông xã hội, các nền tảng báo chí truyền thông số; Thống nhất khái niệm “nhà báo” và các chủ thể truyền thông số khác trên cơ sở phân tích và xác định rõ các vị trí công việc của các chủ thể sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất báo chí số, từ đó có quy định cụ thể với nhà báo, nhà sáng tạo nội dung số; Quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của công chúng số - trong mối tương tác giữa công chúng và báo chí.
Cần thiết bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông; Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông; Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số. Cơ sở pháp lý cần được chặt chẽ, luất hóa để tăng cường nội dung báo chí và sự tham gia của lực lượng báo chí với vai trò là lực lượng chủ công trên các nền tảng không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; Liên kết trong hoạt động báo chí và trách nhiệm của cơ quan chủ quản; Quy định về xuất, nhập khẩu các sản phẩm báo chí nói chung và báo chí truyền thông số nói riêng, kinh tế báo chí, chính sách thuế ưu đãi đối với các cơ quan báo chí.
Sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng của báo chí, nội dung báo chí và nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là lực lượng chủ công trong xã hội thông tin, là dòng thông tin mạnh mẽ đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công chúng, dẫn dắt và điều hướng dư luận xã hội với các chức năng: Tổ chức toàn bộ các quá trình thông tin, giao tiếp xã hội thông qua việc thông tin sự kiện, vấn đề thời sự trong xã hội; Quản lý, giám sát và phản biện xã hội, giáo dục chính trị tư tưởng, khai sáng, khai trí, phát triển kinh tế số.
Cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong và ngoài nước, bổ sung và nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. Định hướng phát triển các nền tảng số như: Website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số; Tạo điều kiện pháp lý để tăng cường chất lượng và phạm vi phát hành nội dung báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới, các mạng xã hội.
Sửa đổi Luật sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ AI, blockchain…; Xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển và quản lý nền kinh tế số nói chung, kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia và từng cơ quan báo chí; Xây dựng chiến lược và giải pháp cụ thể về chủ thể báo chí số với năng lực sử dụng và điều khiển công nghệ số trong mọi tiến trình, quy trình sáng tạo nội dung, quản trị tòa soạn.
Chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người. Nếu được sự gắn kết trách nhiệm chặt chẽ giữa Nhà nước - Cơ quan chủ quản - Cơ quan báo chí - Cơ sở đào tạo, bài toán nhân lực chuyển đổi số toàn diện cho báo chí sẽ được giải quyết, đem lại triển vọng tươi sáng cho báo chí Việt Nam.