Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:05, 13/12/2023
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Gọi tắt là Chiến lược) được ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW...
Các đường lối, chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa một bước thông qua Chiến lược phát triển phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Gọi tắt là Chiến lược) được ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược xác định phát triển KHCN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; Là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; Là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực KT-XH, địa phương và doanh nghiệp; Là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; Tiềm lực, trình độ KHCN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; Một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.
Định hướng của Chiến lược xác định ưu tiên trong phát triển KHCN&ĐMST là cầu nối giữa mục tiêu với nhiệm vụ, giải pháp; Là cơ sở để phân bổ nguồn lực hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển KHCN&ĐMST. Chiến lược tập trung vào các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, nhiều tiềm năng phát triển. Đồng thời, Chiến lược xác định định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN&ĐMST, trong đó đặc biệt nhấn mạnh định hướng KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp, đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST; Bổ sung định hướng hoạt động ĐMST, gồm cả định hướng đổi mới sáng tạo trong các ngành và các vùng kinh tế xã hội.
Triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Chiến lược, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định phê duyệt Phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ KHCN&ĐMST đến năm 2025 (Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu chiến lược, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai: Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện vai trò trung tâm trong điều phối, liên kết với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội
Thứ ba: Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các tổ chức khoa học và công nghệ là các chủ thể nghiên cứu KHCN&ĐMST.
Thứ tư: Tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.
Thứ năm: Hoàn thiện các quy định pháp luật quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST
Thứ sau: Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Thứ bảy: Sở hữu trí tuệ và Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng.
Thứ 8: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST.
Thứ chín: Chuyển đổi số và hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước, tăng cường truyền thông về KHCN&ĐMST.