Nhiều chuyển biến tích cực từ hoạt động truyền thông chính sách
Truyền thông - Ngày đăng : 11:23, 15/12/2023
Nhiều chuyển biến tích cực từ hoạt động truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách trên nền tảng Internet ngày càng ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội. Cần có các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Ngày nay, hoạt động truyền thông chính sách đã phát triển ở một trình độ mới, với những điều kiện mới do hệ sinh thái của truyền thông đã có những thay đổi sâu sắc, ngày càng hoàn thiện và đa dạng. Internet ngày càng phát triển nên hoạt động truyền thông trên nền tảng số thể hiện rõ truyền thông đa hướng, truyền thông đại chúng, với rất nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau của cộng đồng mạng, trong đó, mọi người đều có thể đưa ra ý kiến và tạo ảnh hưởng đến dư luận. Các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram, Zalo... và thiết bị đầu cuối di động đã thực sự trở thành trung tâm phân phối thông tin với tốc độ siêu nhanh . Điều này tạo tiền đề làm thay đổi cơ bản hệ sinh thái truyền thông xã hội nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, trong đó, chủ thể, đối tượng, thông điệp truyền thông đều bị chi phối rất nhiều bởi tính chất mở, động, tương tác mạnh mẽ của môi trường Internet và các phương tiện truyền thông mới.
Trước đây, phương thức truyền thông chính sách chủ yếu tập trung vào sự kiểm soát, tuyên truyền một chiều từ trên xuống dưới bằng hình thức mệnh lệnh hành chính, thông báo hoặc phát bản tin. Hoạt động truyền thông chính sách cơ bản nằm trong các kênh thông tin, truyền thông chính thống của Nhà nước. Nhưng ngày nay mọi người đều là truyền thông viên, bình luận viên, phát ngôn viên, nhà sản xuất thông tin… Hoạt động truyền thông chính sách cũng dần chuyển dịch chuyển từ tuyên truyền một chiều sang tương tác một cách đa hướng. Nội dung thông tin chính sách cũng đã thay đổi từ đóng sang mở, cho phép được chia sẻ trên mọi nền tảng Internet.
Các kênh tuyên truyền, phổ biến chính sách truyền thông trước đây là đài truyền hình, truyền thanh, cơ quan báo chí trung ương và địa phương, do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách mất nhiều thời gian và khó bảo đảm tính kịp thời. Với công nghệ Internet ngày càng phát triển, tốc độ truyền tải thông tin ngày càng nhanh, đồng thời có thể tích hợp văn bản, âm thanh, hình ảnh, video… Việc truyền thông chính sách không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Thông tin chính sách công có thể được công bố và được tải lên cùng lúc trên mọi nền tảng khi phát hành. Tất cả các dữ liệu có thể được mở rộng, truyền sang không gian ảo, dữ liệu có thể được lưu trữ vĩnh viễn.
Nhận thức được vai trò quan trọng và sự lan tỏa mạnh mẽ của Internet, thực hiện Chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đơn vị làm công tác thông tin, truyền thông đã không ngừng tiến hành chuyển đổi số, mở rộng các kênh thông tin trên nền tảng internet. Bên cạnh các kênh truyền thông chính như cổng thông tin điện tử, họp báo, hội nghị, hội thảo, nhiều kênh mới được đưa vào sử dụng. Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Zalo, Youtube... được một số cơ quan, đơn vị khai thác tối đa để tăng cường thông tin, truyền thông chính sách và tương tác mạnh mẽ hơn với công chúng, như các trang Facebook Thông tin Chính phủ, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Diễn đàn cạnh tranh quốc gia,...
Số lượng các báo, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp chính quyền gia tăng nhanh chóng, chất lượng có sự nâng cấp rõ rệt, thông tin đồng bộ, kịp thời, hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp hơn, ứng dụng ngày càng sâu, rộng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu; Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên được đào tạo, bồi dưỡng đã nhanh chóng tiếp cận được các mô hình tòa soạn hội tụ, kênh đa phương tiện.
Các công cụ để lắng nghe dư luận xã hội được nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả để thu thập ý kiến và phân tích phản hồi, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, truyền thông chính sách trên nền tảng Internet còn trở thành kênh kết nối, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, là kênh giám sát dư luận xã hội, từ đó, các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, phản ánh của nhân dân. Nhiều cơ quan chính quyền cũng đã tận dụng những ưu thế của cổng thông tin điện tử, dịch vụ công điện tử và các phương tiện truyền thông xã hội đăng tải các thông báo của cơ quan, đơn vị, địa phương để giải quyết công việc và kết nối thông tin đến người dân, triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và hiệu quả to lớn, truyền thông chính sách trên nền tảng Internet cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đối với việc truyền thông chính trị nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, tình trạng dư thừa thông tin, sai lệch thông tin còn diễn ra khá phổ biến, làm tổn hại và lệch lạc thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến người dân. Môi trường Internet đã tạo ra một trữ lượng thông tin khổng lồ. Thông tin trên mạng trực tuyến được gia tăng từng giây phút với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một không gian lưu trữ thông tin bất tận. Vì vậy, việc tạo ra một điểm nhấn, một trọng điểm truyền thông trên Internet rất khó khăn. Việc đưa thông điệp của truyền thông chính sách trở thành nguồn chủ đạo trên không gian mạng là vấn đề không dễ dàng.
Hơn thế nữa, phần lớn công chúng chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung thông tin, chỉ đọc và xem những gì hiện trước mắt trên các thiết bị điện tử. Trong khi đó, các kênh truyền thông chính sách rất ít khi đến được với đông đảo công chúng trên nền tảng Internet do thuật toán có phần đã bị lạc hậu, khả năng tương tác không cao, thông tin đưa ra đơn điệu, thiếu hấp dẫn... Thực trạng này làm cho mức độ nhiễu trong hoạt động truyền thông, khó phân biệt được đúng - sai, thật - giả, không xác định, nắm bắt chính xác được thông điệp của truyền thông chính sách từ phía cơ quan nhà nước và làm suy giảm hiệu quả của quá trình truyền thông chính sách.
Cũng trên không gian mạng, nhiều người có động cơ không trong sáng, bất mãn với chế độ, luôn tìm cách thao túng dư luận; Tấn công, đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức và thậm chí dè bỉu, nói bóng gió, bôi xấu chính sách của Nhà nước... Một số khác bị các tổ chức thù địch lợi dụng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, tuyên truyền phản động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc triển khai thực hiện chính sách của quốc gia. Một số đối tượng có ý đồ xấu đã sử dụng bộ nhận diện hình ảnh của cơ quan công quyền hoặc những nhà lãnh đạo, các chuyên gia, người nổi tiếng để tạo ra các tài khoản giả mạo, mạo danh để đăng tải những thông tin không chính xác, xuyên tạc hoặc những thông tin ngược với đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước.