Công chúng truyền thông và câu chuyện thành công của một chiến dịch truyền thông

Báo chí - Ngày đăng : 11:25, 10/12/2023

Trên thực tế, công chúng truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhu cầu của công chúng truyền thông là luôn muốn được nguồn thông tin chính xác, bất cứ khi nào họ muốn, lựa chọn bất kỳ loại hình truyền thông nào mà họ thấy thuận tiện.
Báo chí

Công chúng truyền thông và câu chuyện thành công của một chiến dịch truyền thông

Hoàng Hà 10/12/2023 11:25

Trên thực tế, công chúng truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhu cầu của công chúng truyền thông là luôn muốn được nguồn thông tin chính xác, bất cứ khi nào họ muốn, lựa chọn bất kỳ loại hình truyền thông nào mà họ thấy thuận tiện.

Công chúng truyền thông là một trong những chủ thể được quan tâm khi đề cập đến báo chí, truyền thông. Việc nắm rõ tính chất, đặc điểm và nhu cầu của công chúng truyền thông là một trong những yếu tố hàng đầu để đảm bảo hiệu quả truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh của truyền thông số và chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Việc lựa chọn đúng và phân khúc công chúng truyền thông hợp lý là tiền đề cho sự thành công của các chiến dịch truyền thông.

Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, khái niệm phân khúc công chúng truyền thông là việc phân chia công chúng thành các tập hợp, các nhóm công chúng mục tiêu để phù hợp với mục tiêu truyền thông. Có nhiều cách phân loại như dựa đặc điểm nhân khẩu học độ tuổi, giới tính, học vấn, vùng miền, tôn giáo hay tiêu chí tâm lý, vòng đời như các nhóm vị thành niên, nhóm thanh niên, nhóm trưởng thành… Cách chia nhóm công chúng truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong thiết kế thông điệp, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chiến dịch truyền thông và đánh giá, đo lường hiệu quả của hoạt động truyền thông. Thực tiễn cho thấy, việc lựa chọn cách thức phân khúc công chúng là cơ sở quan trọng để quyết định có triển khai một chương trình, một ấn phẩm truyền thông hay không.

anh-ttcs-17.jpg
Ảnh minh họa

Cùng với sự phát triển của ngành báo chí, truyền thông dưới tác động của tiến trình chuyển đổi số quốc gia, nhu cầu thông tin của công chúng ngày một cao. Để đáp ứng nhu cầu này, các cơ quan truyền thông đã không ngừng thay đổi, tái cơ cấu và chuyển đổi số để thỏa mãn các nhu cầu của công chúng. Trong bối cảnh mới, môi trường truyền thông ngày càng đa dạng, đa chiều và phong phú thì công chúng đã thay đổi từ chủ thể tiếp nhận thụ động trở thành các chủ thể tiếp nhận chủ động. Họ trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông và có quyền tham gia trực tiếp vào việc lựa chọn thông tin.

Công nghệ số tạo ra các phương tiện truyền thông mới, loại hình truyền thông mới, cho phép thiết lập các quan hệ giao tiếp hai chiều, trực tiếp từ nguồn phát đến công chúng và ngược lại. Mô hình truyền thông hai chiều và đa chiều ra đời dưới sự bùng nổ của truyền thông xã hội và truyền thông Internet khiến công chúng từ đối tượng chỉ tiếp nhận thông điệp thành đối tượng được lựa chọn thông điệp, bày tỏ mong muốn và yêu cầu thông tin cũng như tham gia như một thành tố quyết định trong quá trình vận hành của mô hình truyền thông. Trên thực tế, công chúng truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhu cầu của công chúng truyền thông là luôn muốn được nguồn thông tin chính xác, bất cứ khi nào họ muốn, lựa chọn bất kỳ loại hình truyền thông nào mà họ thấy thuận tiện.

Theo nhiều nghiên cứu, người Việt Nam có thời gian và tần suất sử dụng Internet thuộc nhóm nước sử dụng nhiều nhất khu vực. Trong đó, công chúng trẻ có xu hướng sử dụng các kênh truyền thông xã hội để tiếp cận thông tin. Công chúng trẻ có xu hướng sử dụng báo mạng và nguồn tin trực tuyến và nhóm này có xu hướng gia tăng do sự kéo theo, học hỏi của nhóm phân khúc công chúng truyền thống. Hành vi của công chúng trẻ cũng được công chúng ở các lứa tuổi khác nhau học tập, kéo theo sự phát triển của các sản phẩm báo chí - truyền thông nhằm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của tất cả công chúng.

Phân khúc công chúng trẻ (Từ 19 đến 24 tuổi) có xu hướng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội và có thái độ hoài nghi với các phương tiện truyền thông truyền thống, trong khi đó, phân khúc công chúng lớn tuổi (Từ 45 đến 54 tuổi) chủ yếu sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống. Một trong những yếu tố tác động đối với công chúng trẻ là do các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của công nghệ cho phép công chúng trẻ tiếp cận ngày càng mạnh mẽ tới các sản phẩm truyền thông theo yêu cầu.

Khi nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng truyền thông tăng lên thì các cơ quan báo chí truyền thông cần sản xuất, cung cấp đa dạng hóa các nội dung, cung cấp kịp thời các thông tin mới, chính xác. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, công chúng truyền thông đang bị bao vây bởi các thông tin nhiễu loạn, thất thiệt, giả mạo từ nhiều nguồn khác nhau, như truyền thông Internet và mạng xã hội. Chính vì thế, khả năng cung cấp thông tin các cơ quan báo chí truyền thông cần được mở rộng, linh hoạt với quy mô lớn, đồng thời việc phát hành, phân phối nội dung cũng phải mở rộng dựa trên mô hình đa nền tảng nhưng vẫn bảo đảm nhất quán và đồng bộ về thông tin và thông điệp truyền thông.

Các sản phẩm báo chí, truyền thông mới ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin nên để có thể tiếp cận được phương tiện truyền thông này, công chúng buộc phải có điều kiện và trình độ nhất định; Phải sở hữu những thiết bị hiện đại như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh và máy tính bảng kết nối Internet với tốc độ cao để có thể tiếp cận hình ảnh và âm thanh một cách đầy đủ và rõ nét. Sự hình thành, phát triển của các phương tiện truyền thông mới dựa trên công nghệ số khiến cho các hoạt động tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng thay đổi. Trong truyền thông số, sự phân biệt chủ thể truyền thông chỉ mang tính tương đối. Công chúng trong khả năng sử dụng kỹ thuật công nghệ của mình, không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn quảng bá thông tin.

Trong truyền thông hiện đại, không có một chiến dịch hay thông điệp truyền thông nào dành cho tất cả công chúng. Truyền thông xã hội và truyền thông Intenet đã đặc biệt chú trọng tới cá nhân hóa, phụ thuộc vào thiết bị của người sử dụng để tạo ra các sản phẩm cá nhân hóa để đưa thông tin đến với công chúng theo cách công chúng muốn. Công nghệ truyền thông số cũng tạo nên yêu cầu các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông quan tâm các thị trường ngách để đáp ứng yêu cầu của nhóm công chúng chuyên biệt. Chính vì thế, các cơ quan, tổ chức báo chí cần xây dựng các chiến lược sản xuất nội dung của mình đáp ứng được đa số nhu cầu của công chúng truyền thông.

Hoàng Hà