Khi báo chí dựa trên công nghệ số
Báo chí - Ngày đăng : 11:26, 09/12/2023
Khi báo chí dựa trên công nghệ số
Trong thời kỳ công nghệ số, môi trường truyền thông ngày càng đa dạng, công chúng truyền thông đã thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí truyền thông chủ động, phù hợp với các yêu cầu mới.
Công nghệ truyền thông mới đã và đang trở thành phổ biến tại các cơ quan báo chí truyền thông trên thế giới và tại Việt Nam. Theo đó, các công nghệ như Internet, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay hội tụ truyền thông đã và đang được các cơ quan báo chí truyền thông ứng dụng hiệu quả. Các hoạt động này trải rộng từ các thiết bị đầu cuối đến hạ tầng truyền thông, từ mô hình quản lý đến quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và phân tích hành vi công chúng trên truyền hình hay điện thoại thông minh, các ứng dụng gợi ý nội dung hay tương tác với độc giả dựa trên giọng nói, gương mặt hay đồng bộ dữ liệu dựa trên phân tích dữ liệu lớn hoặc tối ưu hóa sản xuất, biên tập kiểm duyệt tự động hay triển khai các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và Internet.
Dòng sản phẩm báo chí dựa trên công nghệ số là sự thể hiện của xu hướng báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo nên công chúng đều có khả năng lựa chọn thông tin, tự phân tích và lý giải... Báo chí dựa trên công nghệ số, độc giả có thể tự do lựa chọn cách đọc, tương tác với các yếu tố trong tác phẩm theo nhu cầu cá nhân, trở thành chủ thể phát thông tin (Chia sẻ, bình luận), trực tiếp tham gia và trở thành một yếu tố của quá trình truyền thông.
Internet phát triển và tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông thì có nhiều nghiên cứu về xu thế của báo chí đa nền tảng dựa trên các hành vi của công chúng. Khi sử dụng công nghệ đa nền tảng, thông tin tự tìm đến công chúng thay vì công chúng phải tìm đến thông tin. Chỉ cần sử dụng một thiết bị công nghệ số, công chúng có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân từ tiếp nhận thông tin đến giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân. Công nghệ đa nền tảng cũng giúp các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai các nội dung có hình thức thể hiện phù hợp với các thiết bị mà công chúng sử dụng.
Cơ quan báo chí, truyền thông luôn phải thay đổi cách viết, cách trình bày, hình thức thể hiện… để đáp ứng và phù hợp với công chúng; Tính toán việc kết hợp các nền tảng trong một chỉnh thể thống nhất, cho phép các cơ quan báo chí, truyền thông khi phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau được liên kết thống nhất với sự tương tác với công chúng. Báo chí, truyền thông ứng dụng đa nền tảng đòi hỏi thông tin phải xuất hiện bất cứ nơi nào công chúng có mặt, chủ động đưa tin tới công chúng thay vì cách tiếp cận truyền thống là công chúng tìm đến thông tin. Điều này đang đưa báo chí, truyền thông trở về với nguyên tắc cơ bản nhất của mình, nguyên tắc coi độc giả là số một.
Ứng dụng đa nền tảng của cơ quan báo chí, truyền thông tập trung vào các khía cạnh quản lý báo chí, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông và phát hành. Đối với việc quản lý, tổ chức sản xuất các sản phẩm, các cơ quan tổ chức báo chí, truyền thông khi ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ cần bảo đảm sự thống nhất và hài hòa với các nền tảng áp dụng tại tòa soạn. Bên cạnh đó, đối với phát hành các sản phẩm báo chí, truyền thông thì các tuyến bài muốn tiếp cận được công chúng cần đa dạng hóa cách thức tiếp cận.
Thực tế cho thấy, công chúng ngày nay có thể tiếp cận thông tin không phụ thuộc vào thời gian, không gian và với nhiều hình thức khác nhau với nhiều nền tảng khác nhau như báo điện tử, phát thanh, truyền hình, postcad, mạng xã hội, truyền thông xã hội. Các nền tảng báo chí, truyền thông mới ra đời đòi hỏi các cơ quan báo chí, truyền thông cần xây dựng nhiều mạng lưới trang, các kênh chuyên biệt nhằm tiếp cận tối đa tới công chúng với xu hướng ứng dụng công nghệ và xây dựng các chiến lược mang tính dài hơi để mở rộng lĩnh vực phát hành thông tin trên cả báo in, báo điện tử, ứng dụng đọc báo trên thiết bị di động, trên mạng xã hội Facebook, Twitter (Fanpage, Page), các kênh Youtube, Tik Tok…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đồng thời cũng khẳng định phải tăng cường định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng khẳng định “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; Làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; Bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; Đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; Tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.