Thế giới một năm đối mặt với thảm hoạ thiên tai
Truyền thông - Ngày đăng : 10:46, 15/12/2023
Thế giới một năm đối mặt với thảm hoạ thiên tai
Ngay từ đầu năm 2023, thế giới đã rúng động vì thảm họa có sức tàn phá khủng khiếp xảy ra vào ngày 6/2/2023. Hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại miền Trung và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền Bắc Syria. Và đó chỉ là mở đầu cho 1 chuỗi thảm hoạ.
Hai trận động đất liên tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50 nghìn người thiệt mạng
Hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại miền Trung và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền Bắc Syria có độ lớn 7,8. Nhiều nơi cảm nhận dư chấn lên tới 6,7. Con số thống kê là hơn 50 nghìn người đã thiệt mạng vì thảm họa này. Hàng loạt các tòa nhà, công trình đã bị phá hủy.
Trận động đất không chỉ là cú đánh mạnh vào đời sống của hàng trăm nghìn người, mà còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hơn 163 tỷ USD - một con số vô cùng lớn đối với quốc gia còn đang gặp nhiều thách thức về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau trận động đất kinh hoàng này.
Cháy rừng càn quét, Hawaii thiêu rụi cả một thị trấn
Giữa năm, thời tiết khô hạn, nắng nóng cực độ đã gây cháy rừng tại hàng loạt quốc gia.
Lực lượng cứu hỏa Indonesia đã gặp không ít khó khăn khi đương đầu với hai vụ cháy rừng hồi tháng 6 và gần đây nhất là tháng 10. Các đám cháy rừng trên nền đất than bùn trên khắp các khu vực của Indonesia xảy ra khi thời tiết nắng nóng và khô hạn do tác động của hiện tượng khí hậu El Nino.
Khói mù bao phủ khắp nơi, lan sang cả nước láng giềng Malaysia. Quyền thị trưởng thành phố Palembang tuyên bố ngừng mọi hoạt động ngoài trời, khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thật sự cần thiết và luôn phải đeo khẩu trang. Các trường học chuyển sang học trực tuyến để hạn chế học sinh ra đường.
Miền Tây Canada đã trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy hoành hành, trong đó hơn 350 đám cháy diễn ra tại British Columbia. Tỉnh bang British Columbia đã phải sơ tán mấy chục nghìn dân và ban bố tình trạng khẩn cấp để cung cấp thêm quyền lực cho chính quyền nhằm đối phó với những mối đe dọa liên quan tới cháy rừng.
Các đám cháy lớn đang vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng ứng phó và vô hiệu hóa một phần tuyến đường then chốt giữa khu vực bờ biển với phần còn lại của miền tây Canada. Thủ tướng Canada Justine Trudeau hồi tháng 8 đã phải tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức cấp cao để bàn cách ứng phó cháy rừng.
Cũng hồi tháng 8, đám cháy rừng diễn ra nhiều ngày ở vùng Evros, gần thành phố cảng Alexandroupoli của Hy Lạp đã hủy hoại và thiêu rụi diện tích lên tới ít nhất 808,7 km2 - lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ).
Giới chức EU đánh giá đây là "vụ cháy rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở các nước EU" và liên minh đang phải huy động gần một nửa số máy bay dập lửa sẵn có để khống chế "giặc lửa".
Những đám cháy bùng phát từ 19/8 ở vùng Evros, gần thành phố cảng Alexandroupoli khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Để ứng phó với cháy rừng, EU đã huy động 11 máy bay, 1 trực thăng để hỗ trợ Hy Lạp khống chế đám cháy. Tại Hy Lạp, 407 nhân viên cứu hoả đã được triển khai để dập lửa.
Đám cháy đã lan đến khu rừng của công viên quốc gia Dadia, khu bảo tồn loài chim săn mồi lớn ở châu Âu.
Trong tháng 8, hòn đảo du lịch Tenerife thuộc Tây Ban Nha trải qua những đám cháy rừng kéo dài hàng tuần do thời tiết khắc nghiệt nắng nóng đi kèm gió mạnh và khô hạn. Những đám cháy rừng bắt đầu bùng phát trên đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canaries của Tây Ban Nha kể từ ngày 15/8.
Sau gần 1 tuần, ngọn lửa đã thiêu rụi 5.000 ha trong phạm vi 50 km, tương đương 2,5% diện tích rừng trên đảo Tenerife, con số kỷ lục trong vòng 15 năm đối với hòn đảo này.
Các đám cháy đã tạo ra những đám mây khói khổng lồ ở độ cao 8.000m và có thể quan sát thấy từ vệ tinh. Cháy rừng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại 10 đô thị trên đảo, trong đó 26.000 người đã phải đi sơ tán.
Theo Hệ thống thông tin về cháy rừng của châu Âu (Effis), kể từ đầu năm 2023, hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 73.000 ha rừng tại Tây Ban Nha.
Vụ cháy rừng thảm khốc ở Hawaii (Mỹ) diễn ra vào ngày 8/8 khiến ít nhất 115 người thiệt mạng và 388 người mất tích. Đây là vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ. Cảnh tượng cháy rừng dữ dội trên đảo Maui của Hawaii được nhiều người mô tả là ngày tận thế. Những đám cháy bùng phát do gió giật 128km/h từ cơn bão Dora, phía nam quần đảo Hawaii. Một số nạn nhân cháy rừng thậm chí đã nhảy xuống biển để thoát khỏi khói lửa.
Thị trấn lịch sử Lahaina - trung tâm du lịch và kinh tế của Maui ở phía tây của hòn đảo - bị nhấn chìm trong cơn bão lửa. "Mọi thứ ở Lahaina đều bị tàn phá hoàn toàn, như thể bị đánh bom. Tất cả các tòa nhà mang tính biểu tượng đều bị san phẳng hoặc chỉ còn là những bộ khung cháy sém" - phóng viên CNN Bill Weir mô tả quang cảnh ở Lahaina, Maui.
Ngày 10/8, Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết có tới 1.700 tòa nhà có thể đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn và có vẻ như "khoảng 80% Lahaina đã biến mất". Hỏa hoạn đã gây ra những vụ nổ tại các cây xăng và kho nhiên liệu ở cảng, thiêu rụi những chiếc thuyền dưới dòng nước.
Tại châu Âu, khoảng 5.000 hecta rừng của Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. 7.000 người đã được sơ tán hoặc được khuyến cáo ở trong nhà. Hiện các đám cháy rừng trên quần đảo Canary đang được đánh giá là phức tạp nhất trong 40 năm trở lại đây, do sự kết hợp của thời tiết nóng, khô và gió, cũng như địa hình phức tạp.
Theo các nhà khoa học, các đám cháy trên thế giới đang lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và dữ dội hơn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo giới chức, những vụ cháy này đã hủy hoại hàng chục nghìn ha rừng hay đất canh tác và giải phóng hàng triệu tấn khí thải CO2 vào bầu khí quyển. Ngọn lửa ngùn ngụt hung dữ không chỉ thiêu rụi một khoảng lớn của hệ thực vật, mà còn để lại hậu họa khôn lường về môi trường.
Lũ lụt
Hồi tháng 9, hơn 38 nghìn người ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị lũ lụt nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão Địa Trung Hải Daniel.
Giới chức Libya thông báo, lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà và phá hủy mạng lưới cấp nước khiến người dân ở nhiều nơi bị thiếu nước uống nghiêm trọng.
Thống kê chính thức cũng cho thấy lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người và khiến 10.000 người mất tích. Một khủng hoảng về vệ sinh dịch tễ cũng đã xảy ra. Đây là một trong những thảm họa tự nhiên có hậu quả tàn khốc nhất của năm qua.
Hồi tháng 5, hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia. Tháng 10, Myanmar đóng cửa hơn 200 trường học do lũ lụt. Tháng 11, Pháp tuyên bố tình trạng thiên tai tại 250 cộng đồng ở miền Bắc do lũ lụt.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia, tính đến đêm 25/12, Kelantan là địa phương ghi nhận số người sơ tán nhiều nhất, với khoảng 11.200 người, hiện đang tạm trú tại 72 trung tâm tạm trú ở 6 huyện (Gua Musang, Jeli, Kuala Krai, Machang, Pasir Mas và Tanah Merah).
Terengganu là địa phương có số người sơ tán cao thứ hai với hơn 6.700 người, được sơ tán tới 10 trung tâm cứu trợ ở 7 huyện (Besut, Dungun, Hulu Terengganu, Kemaman, Kuala Terengganu, Marang và Setiu).
Mực nước tại một số con sông hiện đã vượt mức nguy hiểm. Trong khi đó, mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Nhiều người lo ngại lặp lại kịch bản trận lũ lụt tàn khốc năm 2014 ở Malaysia. Năm 2014, Malaysia đã trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với khoảng 118 nghìn người phải di dời.
Chính phủ Malaysia đã triển khai các đội cứu hộ và hỗ trợ thiên tai đặc biệt tới các khu vực biên giới bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các nỗ lực cứu hộ do nhiều tuyến đường không đảm bảo an toàn.
Malaysia đang trải qua đợt gió mùa Đông Bắc, thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Cơ quan Khí tượng Malaysia đã ban hành các cảnh báo mưa lớn kéo dài cùng các đợt gió mạnh và biển động ở các bang miền Bắc và duyên hải phía Đông quốc gia này.
Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được đặt trong trạng thái cảnh giác cao, nhấn mạnh yêu cầu người dân tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn an toàn trong lũ./.