Dấu ấn chuyển đổi số quốc gia
Truyền thông - Ngày đăng : 14:38, 21/12/2023
Dấu ấn chuyển đổi số quốc gia
Để quá trình chuyển đổi số đồng bộ, trở thành động lực phát triển bền vững nền kinh tế, cần phải chuyển đổi nhận thức. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức.
Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, kinh tế xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt được là 8,02%, nền kinh tế Việt Nam đã đánh dấu mốc mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đã được các tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất châu Á, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao do năng suất lao động thấp, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh hạn chế. Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất là phải chuyển đổi số mạnh mẽ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ cũng đã được quan tâm, đã trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển công nghệ ở đây chưa thực sự là chuyển đổi số, còn tồn tại hạn chế nhất định. Việc xây dựng môi trường pháp lý vẫn rất chậm, đặc biệt trong các lĩnh vực mới: Thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; Chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; Bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; Vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai nên việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế. Điều này làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan nhà nước thiếu quyết tâm, quyết liệt xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng số quốc gia; Thiếu hành lang pháp lý và các quy định về quản trị dữ liệu quốc gia; Nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết về dữ liệu, quản trị dữ liệu còn hạn chế.
Mặc dù đã đạt được các kết quả trong việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các hình thức khác để triển khai việc định danh, xác thực điện tử, nhưng so với nhu cầu của chuyển đổi số, vẫn còn nhiều hạn chế, các tổ chức mới chỉ cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực cho dịch vụ, hệ thống khách hàng của riêng mình, phạm vi hẹp, thiếu kết nối, liên thông. Khi mà chuyển đổi số mạnh mẽ, các chủ thể, đối tượng trong thế giới thực sẽ dịch chuyển sang thế giới ảo, thì việc định danh, xác thực điện tử hay cung cấp danh tính số càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Việc bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.
Sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ đã khiến cho nhân sự công nghệ thông tin cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh về lương để thu hút nhân tài giữa các doanh nghiệp. Theo số liệu từ khảo sát gần đây của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho thấy, 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đa số các sinh viên công nghệ thông tin cũng không nắm bắt được lĩnh vực công việc của mình; 72% sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tế trong khi 42% sinh viên thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm. Trong số các sinh viên mới ra trường, chỉ khoảng 15% sinh viên đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; 80% sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực lập trình máy tính cần phải đào tạo lại. Điều này làm cản trở quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế, khi mà yếu tố con người là then chốt và khó có thể thay thế hoàn toàn bởi máy móc, thiết bị.
Để quá trình chuyển đổi số đồng bộ, trở thành động lực phát triển bền vững nền kinh tế, cần phải chuyển đổi nhận thức. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Coi số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách, có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng, có phương thức quản lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi số.
Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ Chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau. Công tác xây dựng hạ tầng số cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ Trung ương đến địa phương; Hoàn thiện môi trường pháp lý cho quá trình chuyển đổi số, đặc biệt cần rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin và khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ; Đào tạo, thu hút, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.