Tuyên Quang: Người dân góp tiền xây dựng mô hình "xe chữa cháy cơ sở"

Truyền thông - Ngày đăng : 09:16, 26/12/2023

2.000 hộ dân và hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Sơn Dương (Tuyên Quang) đã đóng góp kinh phí trên 300 triệu đồng để mua sắm, xây dựng mô hình "xe chữa cháy cơ sở".
Truyền thông

Tuyên Quang: Người dân góp tiền xây dựng mô hình "xe chữa cháy cơ sở"

Hà Lê 26/12/2023 09:16

2.000 hộ dân và hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Sơn Dương (Tuyên Quang) đã đóng góp kinh phí trên 300 triệu đồng để mua sắm, xây dựng mô hình "xe chữa cháy cơ sở".

Từ tháng 11/2023, tại 4 xã gồm: Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế và thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã đưa mô hình "xe chữa cháy cơ sở" đi vào hoạt động. Đây là mô hình xe chữa cháy cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo đó, Công an huyện Sơn Dương đã chủ động tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xây dựng thành công 4 mô hình “Xe chữa cháy cơ sở” tại xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế và thị trấn Sơn Dương. Để thực hiện 4 mô hình này, đã có gần 2.000 hộ dân và trên 20 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Sơn Dương tự nguyện đóng góp kinh phí trên 300 triệu đồng mua sắm phương tiện chữa cháy.

4 mô hình trên sử dụng 4 xe ô tô được trang bị thêm các thiết bị để phục vụ công tác chữa cháy hoạt động như xe chữa cháy chuyên nghiệp. Mỗi xe chứa được lượng nước từ 1- 6m3, máy bơm chữa cháy có khả năng bơm cao từ 15 - 20m, vòi chữa cháy, vòi hút nước và bộ dụng cụ phá dỡ thô sơ, xe có khả năng chở từ 2 - 4 người.

Lái xe là các cán bộ, chiến sĩ Công an xã chính quy và các thành viên tham gia mô hình. Sau khi được thành lập, xe chữa cháy và các vật tư, phương tiện được đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn phục vụ công tác chữa cháy.

Việc thành lập mô hình chữa cháy cơ sở tại 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương nhằm phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra trên địa bàn.

Đây là một trong những phong trào, hoạt động có hiệu quả, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy thể hiện chiều sâu trong công tác tuyên truyền, dân vận của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Các mô hình gồm: Mô hình khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy; Khu công nghiệp an toàn PCCC; Nhà tôi có bình chữa cháy; Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu; Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ; Hiến đất mở rộng hẻm; Hộp thư phòng cháy, chữa cháy; Phường, xã, thị trấn điểm an toàn PCCC; Mô hình phòng cháy, chữa cháy 4 lớp về phòng cháy chữa cháy; Tuyên truyền lưu động; Gia đình có ít nhất 2 lối thoát nạn và có bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn… Trong đó nổi lên là mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

Những chiếc xe chữa cháy cơ sở không chỉ cung cấp trang thiết bị sẵn có để phục vụ công tác chữa cháy mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy làm chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác PCCC, chuyển từ ý thức tự phát thành tự giác trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, khu dân cư… theo nguyên tắc mọi hoạt động PCCC phải thực hiện và giải quyết tại chỗ./.

Hà Lê