Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông chính sách đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 ở Việt Nam hiện nay

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:16, 28/12/2023

Cần nghiên cứu nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.
Đời sống xã hội

Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông chính sách đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 ở Việt Nam hiện nay

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng 28/12/2023 15:16

Cần nghiên cứu nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên những thay đổi sâu sắc và mang tính hệ thống trên khắp thế giới, như một tất yếu khách quan. Những đột phá khoa học và công nghệ mới được sản sinh ra với tốc độ nhanh chưa từng có, ở trên mọi lĩnh vực, và ở mọi địa điểm khác nhau trên khắp toàn cầu. Muốn thay đổi nội dung và phương thức truyền thông chính sách thì đầu tư vào đội ngũ “con người đảm trách công nghệ” cần phải ưu tiên hàng đầu. Tham luận khoa học này tập trung vào những thách thức mà truyền thông chính sách về nguồn lực công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải đối mặt, vấn đề đặt ra và giải pháp cho vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ truyền thông chính sách trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay.

106huyen39peg.jpg

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng: Tiến sĩ Truyền thông đại chúng, chuyên ngành Báo chí học.

Chủ biên và tác giả nhiều giáo trình, chuyên khảo về báo chí - truyền thông, tiêu biểu như: Giáo trình Tâm lý học báo chí (2013, 2015), Giáo trình Báo chí điều tra (2015, 2016), PR – công cụ phát triển báo chí (2010).

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng từng Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện bà là Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Thách thức đối với truyền thông chính sách về nguồn lực công nghệ trong kỷ nguyên số

Cách mạng 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, các hệ thống này có thể gồm: hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system), hay các hệ thống tự động hóa, các hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks), các hệ thống thời gian thực và các công nghệ in 3 chiều hay 4 chiều,... mà trung tâm của cuộc cách mạng này là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống thông minh di động, các hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh. Ngoài ra, liên kết, xử lý thông tin thông qua mạng xã hội hay nền tảng web cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số. Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng các dịch vụ, dữ liệu và con người. Các đặc trưng của cách mạng 4.0 mang trong nó nội hàm về công nghệ tri thức và công nghệ thông minh, bao gồm các đặc trưng sau: (1). Hệ thống mạng của các thành phần thông minh; (2). Tích hợp của các mạng thế hệ mới; (3). Kết hợp giữa các chuỗi giá trị giữa sản phẩm và con người.

1929352210-02-169882989025254325254.jpg
Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Qua khảo sát nhóm nghiên cứu đề tài “Quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” (Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chủ nhiệm đề tài: Đỗ Thị Thu Hằng) với 450 mẫu khảo sát là các nhà quản lý trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá, các cơ quan thuộc các bộ ngành trung ương và địa phươngchịu trách nhiệm hoạt động truyền thông chính sách về năng lực của các chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở các cơ quan trung ương và dịa phương hiện nay cho thấy những dữ liệu đáng chú ý sau đây:

Đánh giá về năng lực dựa trên đánh giá trình độ chuyên môn của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay cho thấy: gần ½ số ý kiến cho rằng trình độ chuyên môn của chủ thể quản lý thông tin truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là “phần lớn không đủ năng lực”; hơn 1/3 số ý kiến cho rằng đủ năng lực và chỉ 15.2% người trả lời nghĩ rằng năng lực tốt. Điều này cũng thể hiện trong các kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm rằng đây là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng lại thay đổi rất nhanh chóng, bản thân các cơ sở đào tạo cũng chưa thực sự đào tạo chuyên sâu về vấn đề này, do đó, nguồn nhân lực đảm bảo cho các vị trí quản lý chuyên sâu trong thực tế còn lúng túng.

A close up of a logo Description automatically generated
Biểu đồ 1: Đánh giá trình độ chuyên môn của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay (%) Nguồn: Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tháng 10/2019.

Kết quả đánh giá về năng lực (cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ) của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay cho thấy, nhìn chung khoảng ½ số ý kiến cho rằng cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ở các cơ quan chủ thể quản lý hiện nay là còn thiếu và yếu; chỉ có chưa đến 1/3 số ý kiến đánh giá rằng cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ở các cơ quan chủ thể quản lý là phần lớn đáp ứng tốt yêu cầu quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội hiện nay.

Tương quan giữa địa phương khảo sát và đánh giá về năng lực quản lý liên quan đến các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay cho thấy người trả lời ở Hà Nội nhận định về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ hiện nay còn thiếu và yếu với tỷ lệ cao nhất là hơn ½ số ý kiến, cao hơn so với mức đánh giá chung. Ngược lại, người trả lời ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ hiện nay ở chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội hiện nay đáp ứng được và đáp ứng tốt với tỷ lệ cao nhất, hơn ½ số ý kiến và cũng cao hơn mức đánh giá chung.

A screenshot of a cell phone Description automatically generated
Biểu đồ 2: Tương quan giữa địa phương khảo sát và đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay (%) Nguồn: Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tháng 10/2019.

Một trong những chỉ báo đo lường về năng lực của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đó chính là điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ ở đơn vị quản lý thông tin, truyền thông mạng xã hội. Một số điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ được gợi ý như nền tảng kỹ thuật và công nghệ tương thích; Hội tụ về công nghệ; Đa nền tảng; Đa phương tiện; Có nền tảng dữ liệu lớn; Có phần mềm phân tích nội dung số và lắng nghe mạng xã hội; Đảm bảo nguồn nhân lực cho việc vận hành trung tâm dữ liệu và công nghệ truyền thông; Sự phối hợp giữa các bộ phận tại các cơ quan thông tin truyền thông (Bộ/sở Thông tin truyền thông) và các Trung tâm trong tổ chức, thực hiện. Kết quả khảo sát ở biểu đồ 3 cho thấy tiêu chí phối hợp được đánh giá với tỷ lệ cao nhất nhưng các điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ lại được ghi nhận với tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là các điều kiện nền tảng kỹ thuật và công nghệ như nền tảng dữ liệu lớn, hội tụ về công nghệ, đa nền tảng, phần mềm phân tích nội dung số và lắng nghe mạng xã hội hầu như chưa được ghi nhận là có. Điều này làm rõ hơn đánh giá ở trên về năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ở cơ quan chủ quản quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội hiện nay còn thiếu và yếu với tỷ lệ cao.

A screenshot of a cell phone Description automatically generated
Biểu đồ 3: Đánh giá về điều kiện và năng lực sử dụng nền tảng kỹ thuật và công nghệ của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay (%) Nguồn: Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tháng 10/2019.

Với 8 tiêu chí được nêu nhằm đo lường về điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ thì số trung bình chỉ đạt 1,1867. Điều này có nghĩa rằng, trong số 8 tiêu chí đo lường thì trung bình ở các cơ quan chủ thể quản lý được người trả lời ghi nhận có hơn 1 điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ (trong số 8 tiêu chí), số này là rất thấp. Một biến số mới được tạo ra nhằm đo lường ý kiến ghi nhận điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ với số điểm thấp nhất là 0 và số điểm cao nhất là 8, kết quả cho thấy có 13,3% ý kiến không ghi nhận có điều kiện nào trong 8 tiêu chí đã nêu; 69,3% ghi nhận có ít nhất 1 tiêu chí và 17,3% ghi nhận có 2 tiêu chí trở lên. Tương ứng với nó chính là năng lực sử dụng các nền tảng kỹ thuật và công nghệ troong quản lý thông tin và truyền thông trên mạng xã hội của các chủ thể quản lý thông tin, truyền thông. Kết quả khảo sát ghi nhận 1 vị trí phổ biến nhất là Quản lý Website, cổng thông tin điện tử, fanpage và các kênh riêng trên mạng xã hội với 74.1%, còn lại tất các vị trí khác đều không được ghi nhận là có hoặc nếu có thì tỷ lệ đều dưới 10%.

Những dữ liệu nghiên cứu nêu trên cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trong nguồn nhân lực công nghệ truyền thông nói chung, trong đó có truyền thông chính sách.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0 - vấn đề đặt ra

Về mục tiêu đào tạo: đào tạo chủ thể truyền thông chính sách trong yêu cầu về năng lực công nghệ và năng lực sáng tạo nội dung

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ truyền thông chính sách, nguồn lực công nghệ thông tin là cốt lõi nhưng chỉ nguồn lực được đào tạo công nghệ thông tin thôi thì chưa đủ. Cần có nguồn nhân lực có khả năng sử dụng và ứng dụng các nền tảng công nghệ số truyền thống và các nền tảng công nghệ mới như: Âm thanh, Báo chí tự động, Chatbot, Video trực tiếp (Live-stream) và các nền tảng sáng tạo nội dung tương thích với kỹ thuật kể chuyện số như: kể chuyện theo chiều dọc, kể chuyện theo chiều ngang, kể chuyện đa phương tiện.

Nói cách khác, năng lực về công nghệ truyền thông luôn phải tích hợp với năng lực sáng tạo nội dung tương thích với các nền tảng công nghệ và sự phối họp đa kênh, đa nền tảng (bao gồm cả nền tảng truyền thống (ví dụ như báo chí, quảng cáo tấm lớn ngoài trời, quảng cáo trên các loại hình báo chí, cổ động), và các nền tảng mới (thiết bị di động, mạng xã hội và truyền thông xã hội…).

Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Thách thức về mục tiêu đào tạo dẫn đến những vấn đề đặt ra trong việc xác định nội dung đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Với một chương trình đào tạo cử nhân từ 120 đến 140 tín chỉ, khó có thể “ép” quá nhiều nội dung đào tạo, cả kiến thức, kỹ năng căn bản và chuyên sâu, thêm nữa là cập nhật những thành tựu công nghệ mới (mà những thành tựu công nghệ, xu hướng ưngs dụng công nghệ mới thì thay đổi hàng ngày hàng giờ). Nội dung đào tạo cần bao gồm 3 nhóm cốt lõi, bao gồm: công nghệ số + nội dung số + mỹ thuật số.

Do tính ổn định của chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc, sĩ, tiến sĩ, nên quá trình đổi mới nội dung tương thích với sự đổi mới quá nhanh của các nền tảng và xu hướng ứng dụng công nghệ truyền thông gặp nhiều rào cản. Rào cản này cũng đi liền với rào cản đối với việc xây dựng giáo trình và tài liệu học tập về lĩnh vực này ở các trường đại học đào tạo về công nghệ số hay nội dung số hiện nay.

Với các khoá bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) thì sức ép về nội dung đào tạo lại lớn gấp nhiều lần. do đầu vào và nhu cầu đào tạo của các thành viên các khoá bồi dưỡng không đều nhau, và chỉ tập trung trong khoảng thời gian ngắn nên khó hơn trong việc nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình và tài liệu giảnh dạy.

Về chủ thể đào tạo, bồi dưỡng

Đào tạo công nghệ truyền thông đòi hỏi kiến thức đa ngành, năng lực đổi mới sáng tạo của chủ thể đào tạo bồi dưỡng. Nó đòi hỏi chủ thể đào tạo, bồi dưỡng phải tổ chức tiến trình đào tạo, bồi dưỡng theo mô hình giáo dục 4.0, trong đó có sự vận hành kết nối và tương tác của Mô hình hoá, Học tập thực tế (trái nghiệm), Học tập theo nhu cầu, vận dụng trí thông minh nhân tạo, tổ chức quá trình học sâu của người học, đánh giá thực tế và đa dạng hoá hình thức đào tạo, đặc biệt là đào tạo từ xa (trực tuyến).

Về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng

Đối tượng đào tạo nguồn lực truyền thông chính sách là các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ thông tin, báo chí truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, Trừ chuyên ngành truyền thông chính sách, các ngành đào tạo về công nghệ thông tin, báo chí truyền thông có thị trường rộng mở, sức hút từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông thuộc ngành công nghiệp truyền thông, công nghiệp văn hoá và giải trí là quá lớn.

Do nhu cầu thị trường nhân lực nghiêng về cơ quan báo chí và lĩnh vực doanh nghiệp hay kinh tế báo chí truyền thông nên nội dung, vị trí việc làm tương thích sẽ dẫn đến tình trạng số sinh viên ra trường chọn làm việc trong lĩnh vực truyền thông chính sách sẽ ít đi. Năng lực về công nghệ truyền thông chính sách cũng không đạt yêu cầu cao như năng lực ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực báo chí hay doanh nghiệp.

faoni37qajtnsn2-fatlyt3w.jpeg
Cần đầu tư cho việc đào tạo nhân lực truyền thông trong đó có truyền thông chính sách.

Đối tượng bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông chính sách thường là nguồn nhân lực đang làm việc ở bộ phận tuyên truyền hay truyền thông của các cơ quan ban Đảng, các bộ ngành trung ương, hay chính quyền các cấp ở địa phương. Đối tượng này trình độ đầu vào không đều nhau, phần lớn là không còn trẻ, nên việc tiếp cận với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là thực hiện học tập qua thực tế là khó khăn hơn nhiều so với sinh viên đại học còn trẻ, có kến thức nền tảng tốt avf có khả năng thích ứng nhanh trong môi trường số.

Về phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo; thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ công tác đào tạo

Dù đã có nhiều nỗ lực lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ trong đào tạo công nghệ truyền thông, điển hình như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn còn phải đối mặt với tính bắt buộc trong đào tạo thực hành công nghệ truyền thông. Việc đi thực tế, thực tập nghề nghiệp của sinh viên là một thách thức rất lớn bởi trong thực thế cũng chưa có nhiều các thiết chế truyền thông chính sách có đủ điều kiện về nhân lực hướng dẫn, mô hình công nghệ truyền thông chính sách, nền tảng công nghệ truyền thông chính sách tiên tiến, do đó việc tổ chức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp là một khó khăn không nhỏ.

Thay lời kết luận

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của loài người. Vấn đề ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là các sản phẩm mang tính công nghệ cao như Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo, công nghệ rô bốt, các hệ thống tích hợp, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, phân tích dữ liệu lớn và giáo dục thông minh. Các mô hình về hội tụ công nghệ ra đời và các dòng sản phẩm báo chí truyền thông sáng tạo trên các nền tảng mới xuát hiện, là thách thức với nguồn nhân lực công nghệ truyền thông chính sách. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực rất cao nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ truyền thông chính sách. Nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam đã mở các chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực này, điển hình là: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học khoa học và công nghệ Thái Nguyên, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở những vấn đề đặt ra đã nêu trên, một số giải pháp nhằm tăng năng lực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ truyền thông, chúng tôi đề xuất định hướng và giải pháp nhằm nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực này, bao gồm: (1). Nghiên cứu nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng; (2). Đổi mới mô hình đào tạo ở cả 3 bậc đạị học, cao học, tiến sỹ và đổi mới mô hình và phương thức tổ chức, giảng dạy các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ hiện đang làm công tác truyền thông chính sách trên toàn hệ thống chính trị, đảm bảo đáp ứng kịp thời năng lực tối cần thiết để học đảm nhiệm công việc; (3).Có chiến lược dầu tư đạo tạo cả năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, triển khai mô hình đào tạo 4.0 cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực này: (4). Tăng cường tham quan, học tập, hội thảo quốc tế về chủ đề này, giúp nâng cao năng lực. khả năng tiếp cận và ứng dụng các kiến thức, kỹ năng mới cả nhân lực làm công tác đào tạo và nhân lực đảm trách công nghệ truyền thông chính sách; (5). Tăng cường thực tế, thực tập và trao đổi sinh viên, giảng viên nhằm tạo ra sự rộng mở của môi trường nghiên cứu và học tập quốc tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Friedrichsen, Mike, Yahya R. Kamalipour, and Yahya Kamalipour. Digital Transformation in Journalism and News Media. Springer, 2017.
  2. Frerich, Sulamith, et al., eds. Engineering Education 4.0: Excellent Teaching and Learning in Engineering Sciences. Springer, 2017.
  3. Claus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2018
  4. Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu, Báo chí thời công nghệ 4.0, Tạp chí người làm báo, 2017.
  5. Thi Thu Hang DO, Les marché des média au Vietnam: etats des lieux et perspectives d’évolution, Les Cahier de la SFSiC, Société Français des Sciences de l’information de la Communication. No 13. Février 2017, p.337-354
  6. Đỗ Thị Thu Hằng, Thị trường báo chí truyền thông Việt Nam – thực trạng và xu hướng phát triển, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Số tháng 6, tháng 7 năm 2017. Hà Nội
  7. Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu, Một số vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thông tin khoa học Chính trị, số tháng 6/2018, tr. 7-10.
  8. Đỗ Thị Thu Hằng, Cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề đặt ra và giải pháp đối với công tác quản lý truyền thông ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận Chính trị và truyền thông, 6/2018, tr 14-19.
  9. Đỗ Thị Thu Hằng, Sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách. Nghiên cứu trường hợp Hoa Kỳ, Áo, Hàn Quốc, Thái Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Sách tham khảo ”Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam : Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm”, Nxb Lao Động, 2019. Tr, 265-286

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng