Điện Biên thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt để thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:40, 03/01/2024
Điện Biên thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt để thúc đẩy chuyển đổi số
Tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn như ban hành nghị quyết chuyên đề, dành 1,5% ngân sách chi thường xuyên cho CĐS. Điện Biên cũng xây dựng trung tâm điều hành thông minh hoàn toàn tự động từ xa.
Ban hành nghị quyết chuyên đề và dành 1,5% ngân sách chi thường xuyên cho CĐS
Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết tỉnh Điện Biên đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế làm nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm và CĐS là công cụ và động lực, đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, thể chế được hoàn thiện và cơ chế, chính sách cho CĐS đã được ban hành.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS, xác định và chủ trương phải dành tối thiểu 1% ngân sách chi thường xuyên cho công tác CĐS. Thực hiện chủ trương này, năm 2023, tỉnh đã bố trí 1,5% ngân sách chi thường xuyên cho công tác CĐS.
Góp phần thúc đẩy CĐS, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT), theo đó, giảm 50% lệ phí khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện DVCTT. Đồng thời, tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục 49 TTHC ưu tiên thực hiện giải quyết và trả kết quả trước hạn khi người dân, tổ chức, DN nộp hồ sơ trực tuyến, có TTHC giảm tới 90% thời gian giải quyết và được giải quyết trong ngày.
Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới
Về triển khai chính quyền số, Chủ tịch Lê Thành Đô cho biết chủ đề của năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, Uỷ ban Quốc gia về CĐS, Bộ TT&TT xác định là tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Theo đó, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành với quyết tâm và tinh thần quyết liệt để triển khai thực hiện các mục tiêu, các nhiệm vụ đã được Uỷ ban Quốc gia về CĐS, Bộ TT&TT giao.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, Kế hoạch cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước (CQNN) và thực hiện. Tỉnh đã xây dựng được cổng dữ liệu mở, kho dữ liệu công dân trên Cổng DVCTT, kho dữ liệu chuyên dùng chung của tỉnh và cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để xây dựng và hoàn thiện, làm giàu CSDL quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin của tỉnh.
Tỉnh cũng đã xây dựng các CSDL dùng chung của tỉnh như là CSDL quản lý cán bộ công chức, viên chức, kết nối với CSDL Bộ Nội vụ, các CSDL của ngành Nông nghiệp, Giáo dục, Xây dựng, Công Thương, và Lao động Thương binh và Xã hội. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng nền tảng phân tích dữ liệu ứng dụng AI và bắt đầu từ năm 2024, hàng tháng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh sẽ phân tích và đưa ra các khuyến nghị về các chính sách cho lãnh đạo cũng như cho các sở, ngành, địa phương.
Về triển khai DVCTT, Chủ tịch Lê Thành Đô cho biết tỉnh đã chỉ đạo, rà soát đơn giản hoá quy trình nội bộ, cắt giảm các khâu, quy trình không cần thiết, tăng cường giải quyết qua Cổng DVCTT. Đến nay, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 75%, có những TTHC được thực hiện từ xa như TTHC lĩnh vực thi đua, khen thưởng hay báo chí - xuất bản, công thương, giáo dục.
Tỉnh cũng đã kết nối, kết hợp giữa cổng DVCTT với hệ thống quản lý văn bản để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức chỉ phải thực hiện công tác quản lý văn bản và giải quyết TTHC trên 1 hệ thống duy nhất và chỉ đạo các ngành sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy và không tiếp nhận cả trực tiếp và trực tuyến tại bộ phận 1 cửa đối với những TTHC toàn trình trong nội bộ của các CQNN.
Đặc biệt, Chủ tịch tỉnh Điện Biên chia sẻ Điện Biên đã triển khai nền tảng điều hành thông minh. “Điểm khác ở tỉnh Điện Biên là tỉnh đi sau, do vậy, chúng tôi xây dựng một IOC của tỉnh không có người, mọi thứ đều thực hiện hoàn toàn tự động từ xa. Tất cả những vị trí của những người gửi phản ánh đều được Trung tâm IOC của tỉnh định vị qua GPS và chuyển trực tiếp đến địa phương, nơi người dân gửi phản ánh để xử lý và tích hợp chung với hệ thống quản lý văn bản”.
Kết hợp giữa mô hình tổ CNSCĐ với các DN công nghệ
Về phát triển hỗ trợ công dân số, Điện Biên đã thành lập hơn 1.400 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với hơn 10.000 người tham gia. Tổ trưởng tổ CNSCĐ nòng cốt là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản, thanh niên và đã có những đóng góp tích cực trong công tác CĐS của tỉnh.
Trong thời gian tới, qua đánh giá lại hoạt động của tổ CNSCĐ, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai mô hình kết hợp giữa mô hình tổ CNSCĐ với các DN công nghệ phát động chiến dịch cao điểm về hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart để sử dụng DVCTT. “Các DN thuộc ngành TT&TT trên địa bàn là nòng cốt để hỗ trợ cho tổ CNSCĐ trong việc hướng dẫn người dân triển khai việc cài đặt các ứng dụng”.
Hệ thống thông tin không hoàn thành phê duyệt cấp độ sẽ ngắt kế nối khỏi hệ thống dùng chung
Để đảm bảo an toàn an ninh mạng, Chủ tịch Lê Thành Đô cho biết tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt cấp độ an toàn an ninh cho 100% hệ thống dùng chung của tỉnh và của các sở, ngành, địa phương. 100% máy tính của cán bộ công chức thì được cài đặt phần mềm chống mã độc theo mô hình 4 lớp và kết nối với hệ thống giám sát của Bộ TT&TT.
Đối với các sở, ngành, địa phương không hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ cấp độ và cài đặt phần mềm phòng chống mã độc tập trung sẽ bị ngắt ra khỏi kết nối hệ thống dùng chung. Như vậy, tỉnh gắn trách nhiệm của các sở ngành với việc thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Tạo kênh thông tin trực tiếp, trực tuyến trên ứng dụng Điện Biên Smart
Về kinh tế số, theo Bộ TT&TT, tỷ trọng tăng thêm của giá trị kinh tế số trong GDPR của tỉnh ước đạt khoảng 9,5%. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê số liệu này của tỉnh Điện Biên là 6,63%. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là trên 86%. DN nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa là đạt trên 84%.
Số lượng DN thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%, tỷ lệ người dân có smartphone đạt trên 7% và 50% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, trên 90% nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên được kích hoạch tài khoản định danh điện tử.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo kênh thông tin trực tiếp, trực tuyến trên ứng dụng Điện Biên Smart, với các nền tảng số và để hỗ trợ DN CĐS, cũng như hướng dẫn người dân các kỹ năng số, các nền tảng số quốc gia và của tỉnh.
Khó khăn, thách thức
Thực hiện được nhiều giải pháp thúc đẩy CĐS, tuy nhiên, Chủ tịch Lê Thành Đô cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn là một số cấp uỷ, chính quyền ở vùng sâu, xa còn chưa nhận thức đầy đủ về công tác CĐS. Tỷ lệ người dân chưa có smartphone và kỹ năng về CĐS còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hạ tầng CĐS của tỉnh còn chưa đồng bộ. Một số khu vực chưa có điện lưới quốc gia và chưa có dịch vụ viễn thông, Internet. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN còn hạn chế, nguồn nhân lực CNTT còn thiếu và còn yếu. Hiện, Điện Biên còn 165 thôn bản chưa có dịch vụ Internet băng rộng cố định cáp quang, vẫn còn 128 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Do vậy, chưa có điều kiện để phát triển hạ tầng viễn thông đến khu vực này và vẫn còn khoảng 8% chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
“Đây là những khó khăn tỉnh Điện Biên sẽ phải khắc phục trong thời gian tới để có thể thúc đẩy CĐS trong năm 2024 và trong các năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch Lê Thành Đô cho hay.
Chủ tịch Lê Thành Đô cho biết Tỉnh cam kết hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được Chính phủ, Uỷ ban Chiến lược quốc gia về CĐS, Bộ TT&TT giao cho tỉnh Điện Biên, hoàn thành mục tiêu của Đề án 06, đảm bảo theo mục tiêu, yêu cầu, tiến độ của Chính phủ, Bộ Công an đã giao, trong đó tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện Đề án 06 và các “điểm nghẽn” trong công tác CĐS, tập trung triển khai 53 DVC thiết yếu. Đồng thời tập trung phối hợp để các bộ ngành Trung ương, để làm giàu hệ thống CSDL của Quốc gia cũng như hệ thống CSDL dùng chung của tỉnh Điện Biên.
Để tạo điều kiện cho Điện Biên hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chủ tịch Lê Thành Đô đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Bộ TT&TT cho phép tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đề áp cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia để mục tiêu hết năm 2025, trên 98% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia.
Thứ hai, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ TT&TT, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh trong phát triển hạ tầng CĐS, phủ sóng vùng trắng sóng và vùng lõm sóng, hỗ trợ thiết bị thông minh cho người dân thông qua Chương trình viễn thông công ích./.