Hiệu quả từ ứng dụng CNTT trong thu thập, báo cáo, thống kê lĩnh vực thông tin cơ sở

Truyền thông - Ngày đăng : 09:18, 05/01/2024

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thu thập, thống kê số liệu cho lĩnh vực thông tin cơ sở (TTCS) đã tạo thuận lợi cho lĩnh vực phát triển.
Truyền thông

Hiệu quả từ ứng dụng CNTT trong thu thập, báo cáo, thống kê lĩnh vực thông tin cơ sở

Dương Tiến Lộc, Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT {Ngày xuất bản}

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thu thập, thống kê số liệu cho lĩnh vực thông tin cơ sở (TTCS) đã tạo thuận lợi cho lĩnh vực phát triển.

ttcs-1.jpg
Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.

Một số thực trạng

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương báo cáo, thống kê số liệu của lĩnh vực TTCS và chủ yếu thực hiện bằng hình thức thủ công truyền thông (như: gửi văn bản giấy, văn bản điện tử cho các địa phương báo cáo). Việc thu thập, tổng hợp số liệu lĩnh vực TTCS được các địa phương triển khai thực hiện theo từng cấp (cấp xã -> cấp huyện -> cấp tỉnh) và cuối cùng được Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tổng hợp chung và gửi về Bộ TT&TT để tổng hợp thành cơ sở dữ liệu (CSDL) chung của cả nước.

Các số liệu sau khi được thu thập ở các địa phương phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển lĩnh vực TTCS cho các giai đoạn. Qua số liệu báo cáo của các địa phương, Bộ TT&TT biết được tình trạng, hiện trạng của lĩnh vực TTCS (gồm: các Đài truyền thanh cấp xã, cấp huyện và lĩnh vực thông tin trực quan) để từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các địa phương từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hay một số dự án khác.

Ngoài ra, thông qua số liệu tổng hợp báo cáo trình độ chuyên môn của cán bộ Đài truyền thanh cấp xã, cấp huyện, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố có thể hỗ trợ cán bộ làm công tác TTCS tại các địa phương về công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ làm chủ công nghệ, tích hợp được các kỹ năng chuyên môn của nhiều loại hình truyền thông, sản xuất các nội dung truyền thông đa phương tiện.

Trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay, việc thu thập, thống kê số liệu bằng phương pháp thủ công được xem như đã lỗi thời. Bởi sự khó khăn trong việc tổng hợp dữ liệu rời rạc, báo cáo không rõ ràng, quy trình chưa chuẩn hóa, các vấn đề liên quan đến hệ thống dữ liệu, thời gian xử lý…

Bên cạnh đó, quản lý thủ công sẽ tạo thêm nhiều chi phí về thuê, mướn nhân sự, tốn kém nhân lực và vật lực. Quản lý thủ công sẽ chứa đựng nhiều rủi ro; cần có một giải pháp để triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Hiện tại chưa có hệ thống hoàn chỉnh để thu thập, tổng hợp, báo cáo, thống kê số liệu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của TTCS trên toàn quốc. Công tác thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu của các địa phương chủ yếu đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian, nhân lực; không đảm bảo tính chính xác, cập nhật, đồng bộ của số liệu; phương pháp báo cáo số liệu thủ công này gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Số liệu báo cáo tháng, quý, 06 tháng, năm của các địa phương khi báo cáo về Trung ương thường xuyên trễ, không đúng theo kỳ báo cáo do số liệu thu thập từ nhiều cấp, mọi tính toán, tổng hợp đều bằng thủ công, không có ứng dụng CNTT hỗ trợ.

Lợi ích của CĐS, ứng dụng CNTT trong báo cáo, thống kê số liệu lĩnh vực TTCS

Chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT trong công tác báo cáo, thống kê số liệu là một trong những yêu cầu tiên quyết, cấp bách, giúp nâng cao chất lượng thông tin, đảm bảo tính kịp thời, minh bạch, độ chính xác của thông tin cũng như thúc đẩy kết nối nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn CSDL của quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến bất thường của tình hình dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác thống kê cho thấy các lợi thế của công nghệ đã giúp ích rất hiệu quả trong công tác thu thập, thống kê, xử lý thông tin, biên soạn báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương nói chung và Bộ TT&TT nói riêng.

Các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm ứng dụng CNTT trong việc thực hiện chế độ báo cáo, xây dựng phần mềm, hệ thống thông tin (HTTT) báo cáo để thực hiện báo cáo điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo và tiết kiệm về thời gian, chi phí cho các đối tượng thực hiện báo cáo. Về mặt giá trị pháp lý của báo cáo điện tử, xây dựng các biểu mẫu điện tử thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Việc ứng dụng CNTT trong việc báo cáo, thống kê số liệu đã được nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng hiệu quả. Cụ thể, đối với lĩnh vực TTCS, nếu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện báo cáo, thống kê số liệu của lĩnh vực trong thời gian tới sẽ giảm tải nhiều thời gian thực hiện báo cáo, tổng hợp số liệu của các địa phương.

Trước đây, sau 12 tháng, việc thu thập số liệu của 63 tỉnh, thành phố mới được thu thập đầy đủ, còn nay, thông qua hệ thống báo cáo hằng tháng, quý đã thu thập được đầy đủ số liệu 01 tháng, 01 quý của 63 tỉnh, thành phố; không phải tổng hợp số liệu bằng phương pháp thủ công của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh như trước đây, giúp giảm tải hơn 34.000 trang giấy phải báo cáo gửi về Bộ TT&TT.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT giải quyết được cơ bản khó khăn khi thống kê, điều tra số liệu, tiết kiệm thời gian và nhân lực cho cán bộ TTCS. Các số liệu báo cáo được đồng nhất từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn. Số liệu báo cáo có thể tìm kiếm và sử dụng ở bất cứ đâu, chỉ cần có môi trường mạng.

CĐS, ứng dụng CNTT trong công tác báo cáo, thống kê số liệu lĩnh vực TTCS có thể nói đem lại một số lợi ích như: tạo CSDL lưu trữ về đánh giá tình hình trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, đội ngũ nhân lực và hoạt động phát thanh, truyền hình (PTTH) của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã và hoạt động thông tin trực quan trên toàn quốc.

Tiếp theo là thống nhất mẫu biểu, quy trình báo cáo; hỗ trợ các địa phương trong công tác báo cáo, thống kê, cập nhật số liệu cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã và hoạt động thông tin trực quan hàng năm.

ttcs-2.jpg

Cùng với đó là hỗ trợ các cấp quản lý trong việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo, thống kê, đồng bộ số liệu của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã và hoạt động thông tin trực quan trên địa bàn; Thu thập, báo cáo, thống kê và xử lý nhanh chóng được khối lượng lớn số liệu của các địa phương.

Việc CĐS, ứng dụng CNTT cũng tiết kiệm chi phí nhân lực, chi phí thời gian và các chi phí khác cho hoạt động tổ chức thực hiện.

Thực hiện CĐS trong thu thập, tổng hợp, phân tích các dữ liệu của các chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với Đài truyền thanh cấp xã, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hoạt động thông tin trực quan cũng sẽ giúp việc thu thập số liệu được thực hiện tự động hóa, đảm bảo tính chính xác của số liệu; tiết kiệm nguồn nhân lực; các dữ liệu sẽ được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước về TTCS; dữ liệu được chuyển đổi cũng được chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông qua hệ thống các địa phương có thể thực hiện việc thu thập, báo cáo, thống kê số liệu về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, đội ngũ nhân lực và hoạt động phát thanh, truyền hình của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã và hoạt động thông tin trực quan một cách nhanh chóng theo quy định thống nhất và nhất quán ở mọi cấp. Ở từng cấp có thể theo dõi, thống kê báo cáo số liệu theo tiến độ thực hiện hoặc theo định kỳ. Số liệu được lưu trữ tập trung từ năm này sang năm khác; thuận tiện cho việc so sánh, phân tích số liệu.

Xây dựng 2 hệ thống để kết nối sử dụng, chia sẻ dữ liệu và quản lý TTCS

Một trong những giải pháp CĐS thúc đẩy đóng góp cho việc thu thập, thống kê dữ liệu lĩnh vực TTCS là xây dựng hệ thống hoặc phần mềm báo cáo, thống kê, thu thập, tổng hợp số liệu lĩnh vực TTCS để đánh giá hiệu quả hoạt động của lĩnh vực TTCS.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang triển khai HTTT Trung ương, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đang triển khai xây dựng HTTT nguồn cấp tỉnh để thực hiện kết nối đồng bộ với nhau trong việc sử dụng, chia sẻ dữ liệu và quản lý hoạt động TTCS xuyên suốt từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Hai hệ thống này kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) của tỉnh, thành phố.

Trong đó, HTTT nguồn Trung ương được kết nối trực tiếp với hệ thống NDXP; tùy theo nhu cầu của tỉnh, thành phố, HTTT nguồn cấp tỉnh có thể kết nối trực tiếp với hệ thống NDXP hoặc thông qua hệ thống LGSP của tỉnh, thành phố.

giao-dien-chuc-nang-bao-cao-so-lieu-httt-nguon-trung-uong.png
Giao diện chức năng báo cáo số liệu của HTTT nguồn Trung ương

Tại hai HTTT nguồn Trung ương và HTTT nguồn cấp tỉnh, Bộ TT&TT cũng đã thiết kế một số chức năng chính; trong đó có chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động TTCS để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đây chính là Hệ thống thu thập, báo cáo, thống kê dữ liệu đánh giá hiệu quả hoạt động TTCS. Hệ thống báo cáo số liệu này sẽ được thiết kế theo dạng mở (API mở) để có thể kết nối, chia sẻ, tích hợp với các hệ thống báo cáo khác theo yêu cầu để hình thành một HTTT, báo cáo, chia sẻ dữ liệu quốc gia./.

Dương Tiến Lộc, Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT