Ứng dụng phân tích dữ liệu trong ngành hàng tiêu dùng ở mức thấp
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:01, 05/01/2024
Ứng dụng phân tích dữ liệu trong ngành hàng tiêu dùng ở mức thấp
Các nền kinh tế trên khắp khu vực Đông Nam Á đang phục hồi nhanh chóng cùng với sự phát triển của nền kinh tế số của khu vực. Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - ba nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á - dự kiến cũng sẽ nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất từ năm 2022 - 2030.
Theo đó, Delloite đã thực hiện báo cáo với tựa đề “Hành trình ngành tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số” với mục đích tìm hiểu sự phát triển của chiến lược phân tích dữ liệu và thương mại số giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng tại ba nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Qua khảo sát, có thể thấy có tiếng nói chung về những giá trị mà phân tích dữ liệu mang lại cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng: tất cả những người tham gia khảo sát đều đồng ý rằng đầu tư vào phân tích dữ liệu giúp cắt giảm chi phí và hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, phần lớn kỳ vọng tổ chức của họ sẽ gia tăng mức đầu tư vào phân tích dữ liệu.
Năng lực tiếp thị số (digital marketing) được coi là lợi ích hàng đầu của việc tận dụng các kênh thương mại số; tuy nhiên, nỗ lực sử dụng các kênh thương mại điện tử đang gặp phải một số thách thức đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xung đột kênh, lo ngại về mất thị phần trên chính những kênh bán hàng do tổ chức quản lý và lỗ hổng trong khả năng hỗ trợ CNTT.
3 xu hướng tác động hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt trưởng thành số
Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu của Deloitte tổng kết 3 xu hướng chính tóm tắt các động lực định hình hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số.
Xây dựng DN số
Thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại số, các công ty tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại như phân tích tiếp thị số và định giá linh hoạt.
Nuôi dưỡng văn hóa số
Để thực sự đạt được sự trưởng thành về mặt kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ cần tập trung vào việc thực hiện những thay đổi có mục đích rõ ràng đối với văn hóa tổ chức của họ.
Ngược lại, điều này đòi hỏi phải phát triển tư duy kỹ thuật số của tổ chức, cũng như định hướng rõ ràng từ phía lãnh đạo về việc xây dựng môi trường văn hóa đi từ cấp cao.
Áp dụng cách tiếp cận đa kênh một cách liền mạch
Giảm thiểu được những mối lo ngại về COVID-19 trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng lại có xu hướng quay lại yêu thích những kênh mua hàng trực tiếp. Theo đó, các công ty tiêu dùng cũng cần để tâm vào việc phát triển và áp dụng cách tiếp cận đa kênh (omnichannel) mà theo đó có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.
Độ trưởng thành về kỹ thuật số của ngành hàng tiêu dùng Đông Nam Á thấp
Nghiên cứu của Delloite nhằm mục đích tìm hiểu sự phát triển của chiến lược phân tích dữ liệu và thương mại số giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng tại ba nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá việc sử dụng phân tích dữ liệu của tổ chức có mức độ trưởng thành thấp, tuy nhiên, mức độ tin tưởng vào độ tin cậy và độ chính xác của dữ liệu tương đối cao. Cụ thể, chưa đến 1/4 (23%) số người tham gia khảo sát đánh giá việc sử dụng phân tích dữ liệu của tổ chức của họ ở mức độ trưởng thành cao, trong khi phần lớn (77%) đánh giá mức độ trưởng thành còn thấp.
Tuy nhiên, hơn 2/3 (67%) số người tham gia khảo sát tương đối tin tưởng hoặc rất tin tưởng vào độ tin cậy và độ chính xác của dữ liệu tổ chức đang sử dụng.
Các yếu tố chính cho sự thành công của hệ sinh thái phân tích dữ liệu
Dựa trên kinh nghiệm của Deloitte, cần có 3 yếu tố hỗ trợ dưới đây để hệ sinh thái phân tích dữ liệu có mức độ trưởng thành cao.
Phân tích dự báo (predictive analytics) đề cập đến các hoạt động trích xuất thông tin từ các tập dữ liệu hiện có nhằm xác định các mô hình và xu hướng mà có thể dự đoán kết quả trong tương lai, trong khi phân tích đề xuất (prescriptive analytics) là các hoạt động liên quan đến việc tận dụng phân tích để tìm ra hướng hành động tiềm năng tốt nhất cho tình huống nhất định - nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “chúng ta nên làm gì tiếp” (so-what) là yếu tố thúc đẩy việc ra quyết định.
Việc ra quyết định bám sát mục tiêu kinh doanh đề cập đến quá trình sử dụng phân tích dữ liệu nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh thông qua việc xác định các mô hình và thông tin có giá trị để đưa ra các quyết định chiến lược và thúc đẩy tăng trưởng.
Các tổ chức với năng lực quản lý quy trình có thể đi sâu vào hiệu suất của từng bộ phận để đạt được các mục tiêu cải tiến hoạt động. Các nền tảng như vậy sử dụng dữ liệu hệ thống theo sự kiện dựa trên mô hình dữ liệu tiêu chuẩn và tạo ra hình ảnh trực quan về các luồng quy trình cũng như phân tích tương tác để đánh giá hiệu suất của quy trình.
Đầu tư vào phân tích dữ liệu giúp cắt giảm chi phí và hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, phần lớn những người tham gia khảo sát kỳ vọng tổ chức của họ sẽ gia tăng mức đầu tư vào phân tích dữ liệu.
6 mục tiêu chuyển đổi cho lãnh đạo kỹ thuật số
Việc định hướng chiến lược rõ ràng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cân nhắc chuyển đổi số toàn diện. Nhìn ở bức tranh toàn cảnh, các tổ chức sẽ cần 6 chuyển đổi chính, xúc tác cho quá trình phát triển tư duy kỹ thuật số toàn diện: Dịch chuyển và phân quyền, chuyển dịch về nguồn nhân lực, chuyển dịch trong kỳ vọng, chuyển dịch về trọng tâm, chuyển dịch về tri thức, chuyển dịch văn hoá
Nhằm nâng cao quá trình hướng đến kỹ thuật số toàn diện, các công ty tiêu dùng sẽ cần phải tập trung vào 4 ưu tiên trọng điểm trong thời hạn từ gần đến trung hạn: Áp dụng các chiến lược tư duy nhạy bén; Tối ưu hóa logistics cho thương mại kỹ thuật số; Thực hiện các phân tích dự báo và đề xuất và đầu tư vào phát triển nhân tài trong DN./.