Bức tranh CĐS 2023: Chuyển biến lớn về nhận thức và hành động CĐS của các DN Việt Nam

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:21, 09/01/2024

Nếu trước đây nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ “nghe ngóng” về chuyển đổi số (CĐS) thì giờ đã chuyển qua thực thi chương trình CĐS, những đơn vị đã thực thi rời rạc thì tìm cách tối ưu việc thực thi theo đúng phương pháp hơn, để từ đó có hiệu quả hơn trong quá trình CĐS của mình.
Chuyển đổi số

Bức tranh CĐS 2023: Chuyển biến lớn về nhận thức và hành động CĐS của các DN Việt Nam

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Nếu trước đây nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ “nghe ngóng” về chuyển đổi số (CĐS) thì giờ đã chuyển qua thực thi chương trình CĐS, những đơn vị đã thực thi rời rạc thì tìm cách tối ưu việc thực thi theo đúng phương pháp hơn, để từ đó có hiệu quả hơn trong quá trình CĐS của mình.

FPT Digital là công ty chuyên tư vấn về CĐS cho các tổ chức, DN và các tỉnh, thành phố. Nhìn nhận về bức tranh CĐS 2023, TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, cho rằng có sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức và hành động CĐS của các DN Việt. Nhân dịp này, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn với TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, về bức tranh CĐS 2023.

PV: Trước hết, ông có đánh giá gì về tình hình CĐS của các DN Việt Nam trong năm 2023? Các DN đã có sự chuyển biến như thế nào về mặt nhận thức và hành động CĐS?

TS. Lê Hùng Cường: Năm 2023 đánh dấu một năm nhiều biến động và khó khăn cho các DN Việt Nam. Bên cạnh những khó khăn các DN đang gặp phải, nhiều cơ hội cũng mở ra cho các DN trong hành trình CĐS. Rất nhiều DN đã tận dụng những thời gian khó khăn này để tìm cách tối ưu và đột phá quá trình kinh doanh, vận hành, quản trị của mình thông qua những công cụ giải pháp CĐS. Đây cũng là thời điểm tốt cho các DN thúc đẩy năng lực cạnh tranh, chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động phát triển đón bắt những thời kỳ phục hồi của kinh tế.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, 92% các DN đã quan tâm và ứng dụng CĐS trong các hoạt động kinh doanh của mình. Sau 1 thời gian thực hiện, có hơn 50% các DN duy trì sử dụng các giải pháp CĐS. Điều này phản ánh một quá trình tự nhiên nhưng cũng rất tích cực là việc ứng dụng CĐS đã đi vào sâu và rộng trong các DN.

Các DN đã có sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức và hành động CĐS. Nếu như trước đây, nhiều đơn vị chỉ nghe ngóng về CĐS thì giờ họ đã chuyển qua thực thi chương trình CĐS, những đơn vị đã thực thi rời rạc thì tìm cách tối ưu việc thực thi theo đúng phương pháp hơn, để từ đó có hiệu quả hơn trong quá trình CĐS của mình.

xdcf-0274.jpg
TS. Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital trong hội thảo về tư vấn lộ trình CĐS DN 2023 mới đây

PV: Vậy, ông có thể cho biết trong năm 2023 vừa qua, các DN đã gặp những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện CĐS?

TS. Lê Hùng Cường: Trong năm 2023, các DN khi thực hiện CĐS có rất nhiều thuận lợi. Chính phủ đã đưa CĐS thành mục tiêu quốc gia, nâng tỷ trọng kinh tế số trên GDP từ 16,5% năm 2023 lên 30% đến năm 2030. CĐS đã trở thành chủ trương để các tập đoàn, tổng công ty thúc đẩy việc CĐS mạnh mẽ. Đây cũng sẽ là tiền đề để các DN thúc đẩy quá trình đầu tư cho CĐS, giải toả được các vướng mắc về cơ chế, chính sách và nguồn vốn.

Ngoài ra, Việt Nam có những thuận lợi lớn khi có rất nhiều các sản phẩm số Make in Viet Nam, những giải pháp đáp ứng đa dạng yêu cầu mong muốn của khách hàng với thời gian triển khai nhanh và chi phí phù hợp. Và hơn hết, với thị trường dân số 100 triệu dân và dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet và các công cụ số cao (79,1% dân số có sử dụng kết nối Internet …) cũng là những cơ hội tuyệt vời để các DN thực hiện việc CĐS.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, DN cũng gặp những khó khăn nhất định. Trước tình hình kinh tế khó khăn bất định, việc có được nguồn đầu tư chi phí vào CĐS trong vô vàn các chi phí khác của DN cũng là một khó khăn với lãnh đạo DN. Khi đã có nguồn đầu tư cho CĐS, thị trường lại có rất nhiều đối tác cung cấp giải pháp, dịch vụ CĐS với chi phí khác nhau, trình độ khác nhau, chức năng khác nhau khiến DN như đứng trước rừng ma trận để lựa chọn được giải pháp phù hợp với DN của mình.

Và cuối cùng sau khi đã lựa chọn giải pháp số phù hợp, việc ưu tiên thực thi cũng như cách thức thực thi, ứng dụng CĐS vào DN sao cho hiệu quả cũng là một khó khăn cho DN. Các lãnh đạo DN phải tính đến những cách thức thực thi CĐS cho chính xác và hiệu quả hơn.

PV: Năm 2023 là năm mà AI tổng quát (Gen AI) chiếm sóng thế giới công nghệ. Theo ông, Gen AI có tác động như thế nào đến chiến lược và lộ trình CĐS của các DN?

TS. Lê Hùng Cường: Năm 2023 là năm có thể nói là cực thành công của AI nói chung và GenAI nói riêng. Chúng ta thấy được một quá trình phát triển tiến hoá vượt bậc, với thời gian rất ngắn đã ra đời các thế hệ Gen AI (ChatGPT của OpenAI, Bard của Google, Bing của Microsoft và cả các nền tảng trong nước như của FPT, VinAI).

Với GenAI, quá trình sử dụng ứng dụng AI trở nên gần gũi với mọi người hơn bao giờ hết. AI không còn là công cụ riêng của chuyên gia CNTT, chuyên gia về phân tích dữ liệu, chuyên gia phân tích ngôn ngữ mà là công cụ phổ cập để tất cả mọi người có thể sử dụng trong cuộc sống và trong công việc.

Gen AI dự đoán sẽ mang lại hàng nghìn tỉ USD cho DN, nhờ tiết kiệm chi phí cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực bán hàng và marketing, trong hoạt động chăm sóc khách hàng, xây dựng nội dung cá nhân hoá theo từng đối tượng. Gen AI đã và sẽ giúp DN hiểu được rõ nhu cầu của khách hàng, biết được khách hàng cần gì, khi nào, đồng thời tiếp cận được với khách hàng ở đúng thời điểm với dịch vụ chính xác những gì khách hàng cần.

Vì vậy, Gen AI sẽ là một yếu tố tác động rõ rệt và được đặt mức độ ưu tiên cao trong lộ trình CĐS. Cụ thể những hoạt động về kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng, DN cần xây dựng những kịch bản có thể ứng dụng nhanh Gen AI, từ đó sử dụng Gen AI như một trợ thủ đắc lực trong quá trình phát triển vượt trội của DN.

PV: Như vậy, Gen AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho DN. Tuy nhiên, DN nên lưu ý điều gì khi áp dụng Gen AI vào CĐS?

TS. Lê Hùng Cường: Bên cạnh ưu thế cũng như giá trị mang lại vượt bậc so với các công nghệ khác, DN vẫn cần lưu ý khi áp dụng Gen AI vào CĐS. Thứ nhất, chúng ta có nhiều giải pháp nền tảng Gen AI khác nhau, có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau của tổ chức. Vậy nên DN cần xác định đúng bài toán ứng dụng Gen AI , xây dựng phạm vi, chi phí, kịch bản để áp dụng hiệu quả.

Thứ hai, Gen AI được xây dựng trên dữ liệu và đôi khi có những dữ liệu khô ng được kiểm chứng. DN cũng cần xác định ứng dụng GenAI có thể mang lại những thông tin đôi khi bị sai lệch, từ đó cần có những biện pháp phòng ngừa và có giải pháp thay thế. Hãy coi Gen AI là một công cụ, phương tiện để hỗ trợ thay vì thay thế cho con người.

Cuối cùng, như mọi bài toán về AI, việc quản lý dữ liệu cũng như bảo mật dữ liệu luôn là một việc quan trọng mà DN cần chú ý thực thi, đặc biệt những dữ liệu khách hàng là những dữ liệu quan trọng và sống còn đối với DN.

PV: Nhiều người từng lo ngại CĐS sẽ khiến một số bộ phận nhân sự bị mất việc làm. Nay Gen AI ngày càng phổ biến, và nỗi lo này càng được cảnh báo nhiều hơn. Ở góc độ là một chuyên gia tư vấn CĐS, ông có khuyến nghị gì cho các DN khi áp dụng Gen AI cũng như làm thế nào để trấn an tinh thần nhân viên, khuyến khích họ học hỏi và cùng cả tập thể thúc đẩy CĐS?

TS. Lê Hùng Cường: Việc ứng dụng công nghệ CĐS nói chung và GenAI nói riêng để nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả của DN là một trong những mục tiêu trọng yếu của CĐS. Chắc chắn sẽ có một số công việc dần được thay thế bởi máy móc, AI hoặc các công nghệ tự động hóa và khiến một số nhân sự mất việc làm.

Tuy nhiên, lịch sử luôn cho thấy rằng công nghệ có thể làm làm giảm số lượng công việc cho con người nhưng cũng tạo ra thêm nhiều công việc khác hơn nữa. Đây cũng sẽ là yếu tố đòn bẩy giúp nhân sự có thể có những cơ hội công việc hiệu quả, hấp dẫn hơn. Ứng dụng Gen AI vào DN, các nhân sự sẽ có thêm một người đồng nghiệp ảo, một người trợ lý ảo nên công việc của con người sẽ không bao giờ hết.

Với các DN khi thực thi CĐS cũng như ứng dụng GenAI, lãnh đạo DN nên xây dựng văn hóa số hướng đến sự đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến phát triển DN tạo ra môi trường cộng tác linh hoạt.

Với môi trường văn hoá số, khi các rào cản thông tin đã thông suốt, các nhân sự sẽ hiểu rõ CĐS không gây ra nguy cơ cho họ, hiểu rõ những giá trị và cơ hội của chính bản thân họ trong hành trình CĐS. Từ đó, nhân viên được trấn an cũng như tạo động lực để học hỏi và phát triển các kỹ năng số, tự nâng cao năng lực của bản thân và đồng hành cùng công cuộc CĐS của DN.

PV: Ông có dự đoán gì về xu hướng CĐS trong năm 2024? Những xu hướng công nghệ nào sẽ tác động mạnh mẽ đến CĐS trong năm 2024 và DN nên lưu ý điều gì?

TS. Lê Hùng Cường: Hàng năm, các hãng nghiên cứu luôn đưa những dự báo xu hướng CĐS. Với năm 2024, điện toán đám mây (ĐTĐM), an ninh mạng và AI là các công nghệ xu hướng chính cũng như sẽ thu hút khoản đầu tư lớn nhất trong giai đoạn 2024 - 2026.

Theo tôi, DN sẽ có những xu hướng ứng dụng công nghệ tuỳ thuộc vào mức độ CĐS của mình. Với những DN mà mức độ CĐS thấp, việc số hoá các hoạt động nghiệp vụ, hành chính, kế toán sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Với các DN có mức độ CĐS trung bình, đã có các nghiệp vụ được số hoá một phần, họ sẽ cần ưu tiên các hoạt động tối ưu vận hành, ứng dụng công nghệ ĐTĐM để tăng tính linh hoạt, thử nghiệm dần những công nghệ mới như AI, IoT để tìm cách nâng cao hiệu quả của CĐS.

Với các DN dẫn dắt về CĐS, khi đa phần các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, quản trị đã được hoàn thiện, họ cần ưu tiên tối đa những công nghệ mới, tận dụng và xây dựng toàn bộ các hệ thống giải pháp thông qua những nền tảng ĐTĐM (AWS, Microsoft, FPT SmartCloud), nền tảng quản trị DN nổi tiếng (SAP, Oracle, Microsoft), tập trung không chỉ thử nghiệm mà triển khai nhân rộng những công nghệ mới như GenAI.

Trong năm 2023, khá nhiều DN cũng đã gặp những vấn đề về an ninh mạng gây nên tổn thất to lớn. Mất dữ liệu, mất quyền truy cập, hệ thống ngừng hoạt động (downtime)... những tổn thất này khiến DN mất nhiều thời gian khôi phục, tốn chi phí và mất lòng tin với khách hàng. Trong năm 2024, các DN sẽ chú ý hơn để nâng cấp về hệ thống bảo vệ an toàn an ninh mạng của DN mình.

Xin cảm ơn ông./.

Anh Minh