Giá trị đặc sắc của cuốn “Chìm nổi ở Sài Gòn”

Truyền thông - Ngày đăng : 18:23, 09/01/2024

Vỏn vẹn 7 chương, nhưng lại xoáy sâu vào câu chuyện về những cảnh đời bần cùng trong 4 thập niên đầu thế kỷ XX ở thành phố thuộc địa Sài Gòn.
Truyền thông

Giá trị đặc sắc của cuốn “Chìm nổi ở Sài Gòn”

Vân Khanh {Ngày xuất bản}

Vỏn vẹn 7 chương, nhưng lại xoáy sâu vào câu chuyện về những cảnh đời bần cùng trong 4 thập niên đầu thế kỷ XX ở thành phố thuộc địa Sài Gòn.

Người ta vẫn thường hay nói, Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Câu nói được xuất phát từ những năm đầu của thế kỉ XX, khi Sài Gòn còn là thành phố thuộc địa, khi ngành buôn bán lúa gạo của Sài Gòn và các khu vực lân cận trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho người tìm cơ hội đổi đời vào giai đoạn này, nhưng cũng chính là nơi đã “giam cầm” nhiều số phận éo le đến cùng cực.

Những chủ đề về số phận con người dưới thời thuộc địa ở Sài Gòn không còn là chủ đề xa lạ, thậm chí, chủ đề còn được rất nhiều nhà văn trong và ngoài nước chắp bút thành nhiều tác phẩm. Nhưng đa số, tác giả Phương Tây của những cuốn sách sẽ không chú trọng quá nhiều đến số phận những con người ấy, mà chỉ lướt qua như một nhân vật quần chúng vô danh.

chim-noi-o-sai-gon.png

Vậy mà đối với “Chìm nổi ở Sài Gòn” của tác giả Haydon Cherry lại khác biệt hoàn toàn. Lần đầu tiên, một tác giả Phương Tây lấy chủ đề trung tâm là thân phận những người nghèo và cuộc sống mưu sinh của họ ở Sài Gòn. Có thể nói “Chìm nổi ở Sài Gòn” là cuốn sách đầu tiên và duy nhất cho người đọc cái nhìn sâu sắc về tình cảnh những người dân nghèo và những nỗ lực của họ để tồn tại trong cái nghèo dưới thời thuộc địa.

Tác giả cuốn sách Catholic Vietnam: A Church from Empire to Nation - Charles Keith đã nhận xét: “Còn hơn cả một sự sửa chữa cho thuật chép sử mang tính cách mạng - cuốn sách như một tour de force [thành quả lớn lao] mang những mảnh đời bên lề bị quên lãng vào trong câu chuyện chung về lịch sử người Việt thời hiện đại”.

Được trình bày như một cuốn “lịch sử xã hội” của Sài Gòn và các tỉnh lân cận những năm đầu thế kỷ XX, “Chìm nổi ở Sài Gòn” xoay quanh trải nghiệm và con đường của 6 cư dân nghèo có nguồn gốc khác nhau, mô tả chi tiết chiến lược sinh kế của những người ẩn nấp trong bóng tối của thành phố từng được coi là “hòn ngọc phương Đông”.

Cuốn sách kể câu chuyện sống động bắt đầu từ thời điểm năm 1904, vào đêm trước một cơn bão lớn làm hư hại mùa màng và khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây ra tình cảnh khốn cùng khắp vùng Sài thành và các tỉnh lân cận.

Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ có cơ hội được đắm chìm vào lịch sử Sài Gòn một thời thịnh vượng, là miền đất hứa phất lên như diều gặp gió; nhưng đồng thời cũng chứng kiến cảnh cuộc đời đói rách ở thành phố thuộc địa.

Được mệnh danh là một cuốn sách mô tả “đủ mọi loại cảnh nghèo”, cách viết của Haydon Cherrt làm người đọc không khỏi cảm thấy xót xa cho phận đời cùng khổ của một nhóm người ngày xưa.

Haydon Cherry dựa trên nhiều nguồn lịch sử khác nhau để viết lên tiểu sử về những con người yếu thế trên, bao gồm cả hồ sơ hành chính, các số liệu thống kê đã xuất bản, các bài báo chính thức, thư truyền giáo, nghiên cứu khoa học xã hội thuộc địa,... và đặc biệt là các cuộc phỏng vấn được ghi lại với 6 nhân vật chính và những người xung quanh họ. Cách kể chuyện tinh tế này giúp cho những người nghèo dễ bị lãng quên có thể tự mình cất lên tiếng nói, khiến độc giả không khỏi cảm thấy xót xa cho những phận đời cùng khổ của nhóm người nghèo.

GS. Peter B. Zinoman, Đại học California, Berkeley nhận định “Có ba điểm tạo nên giá trị đặc sắc cho “Chìm nổi ở Sài Gòn”: chủ đề độc đáo - đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo Sài Gòn thời thuộc địa, sự nghiên cứu xuất sắc và văn xuôi tao nhã của Haydon Cherry”.

Ngoài ra, tác giả cũng làm sáng tỏ những góc khuất khác trong xã hội thuộc địa, như cách chánh quyền thuộc địa đã quản lý và có chế tài thế nào khi nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, hay khi có người tìm cách vu vạ một thành viên trong cộng đồng là Thiên Địa Hội để trả thù. Độc giả có thể tường tận nỗi ám ảnh mà hội kín này gây ra cho chánh quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu.

Các độc giả của “Chìm nổi ở Sài Gòn” cũng có thể khám phá các khía cạnh xã hội thời kỳ này như chuyện về căn cược kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt, hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế,... Đồng thời, cuốn sách cũng đóng vai trò như một cuốn địa chí, cung cấp thông tin về một số địa danh của Sài Gòn xưa.

Điểm đặc biệt nữa của “Chìm nổi ở Sài Gòn” là tác giả đã dành toàn bộ số tiền tác quyền từ cuốn sách để ủng hộ cho tổ chức Saigon Children’s Charity (Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn)./.

Vân Khanh