Sửa đổi Luật Bưu chính để đảm bảo thị trường cạnh tranh phát triển bền vững

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:27, 12/01/2024

Trong năm 2024, trọng tâm công tác của Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT là xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi để đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực trong tình hình mới.
Diễn đàn

Sửa đổi Luật Bưu chính để đảm bảo thị trường cạnh tranh phát triển bền vững

Hoàng Linh 12/01/2024 16:27

Trong năm 2024, trọng tâm công tác của Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT là xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi để đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực trong tình hình mới.

Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng trưởng 9,3%

Trong năm 2023, công tác quản lý nhà nước về bưu chính đã đạt được một số kết quả chỉ tiêu, nhiệm vụ vượt và đạt kế hoạch.

Năm 2023, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã công bố bảng xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD), trong đó bao gồm 10 nhóm (nhóm 10 là phát triển cao nhất, nhóm 1 là phát triển thấp nhất), theo đó, Bưu chính Việt Nam được xếp trong nhóm 6, tăng một cấp độ so với năm 2022 (nhóm 5).

Về các chỉ tiêu phát triển thị trường, theo Vụ Bưu chính, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 9,3%, trong đó dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử (TMĐT) đạt tăng trưởng cao 34% so với năm 2022 (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 20%). Số lượng bưu gửi trên đầu người đạt khoảng 25 bưu gửi/đầu người trong năm 2023 (vượt kế hoạch năm 2023 là 24 bưu gửi/đầu người).

Số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ bưu chính đạt mức 4.500 người/điểm phục vụ (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 14.800 người/điểm phục vụ). Lĩnh vực đã phát triển 03 doanh nghiệp (DN) bưu chính lớn dẫn dẵt thị trường.

Về các chỉ tiêu phát triển hạ tầng bưu chính, số điểm phục vụ bưu chính đạt 23.500 điểm phục vụ (vượt 3.500 điểm phục vụ so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là 20.000 điểm phục vụ). 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ (hoàn thành trước 02 năm mục tiêu đề ra tại Chiến lược bưu chính). 88% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet (vượt mục tiêu Kế hoạch năm 2023 đề ra là 80%). Phát triển triển sàn TMĐT Postmart để đưa sản phẩm nông nghiệp lên tham gia giao dịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Về chỉ tiêu về tham gia thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, 100% sản phẩm giao dịch trên sàn TMĐT Postmart do DN bưu chính Việt Nam sở hữu đã được gắn thương hiệu và có truy xuất nguồn gốc (hoàn thành trước 02 năm so với mục tiêu đề ra tại chiến lược Bưu chính). 100% bưu gửi được phát đến địa chỉ.

Trong năm 2023, Vụ Bưu chính đã kết hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) về việc thành lập hội đồng xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng; hoàn thành Đề án mở ngành/Chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng và đang tiến hành các bước tiếp theo để ban hành.

Vụ bưu chính cũng phối hợp với PTIT về nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về bưu chính khi ngày 20/10/2023 về việc ra mắt Lab “Bưu chính số”. Đây là cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về bưu chính đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2023 cũng ghi dấu ấn khi với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, ngày 20/10/2023, Hiệp hội Bưu chính Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023 – 2028 sau khi có quyết định thành lập. Tiếp đó, ngày 27/11/2023, Bộ TT&TT tổ chức diễn đàn DN bưu chính lần thứ nhất, năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của 40 DN bưu chính lớn nhất, Hiệp hội Bưu chính Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương) với chủ đề “Cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính”.

Vụ cũng đã triển khai nhiệm vụ xây dựng bưu cục thông minh; bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và thời gian (liên tục 24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. Sản lượng bưu gửi KT1 phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và thời gian đạt 3.960.000 bưu gửi; Triển khai Trung tâm điều hành, giám sát Mạng bưu chính KT1 từ ngày 01/7/2023…

Trọng tâm xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi

Với những kết quả công tác trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng mà Vụ Bưu chính đã đạt được trong năm 2023 khi Vụ có một số khó khăn như ít người, khối lượng công việc lớn, nhiều quy định, khái niệm của lĩnh vực chưa rõ ràng và chưa theo kịp thực tiễn.

img_1565.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: trọng tâm công tác của Vụ Bưu chính năm 2024 là xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi

Đồng thời, thời gian vừa qua, Thứ trưởng cho biết Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ giao cho Vụ nhiều việc khó như phát triển nền tảng địa chỉ số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, bản đồ trong lĩnh vực công nghệ bưu chính, đảm bảo cạnh tranh. Đây đều là những công việc mới, khó mà Vụ đã phải làm.

Thứ trưởng cũng chỉ ra những thuận lợi của Vụ như lãnh đạo Vụ sẵn sàng chấp nhận tư duy mới, chấp nhận triển khai những cách làm mới, nỗ lực làm việc. Trong vòng 2 tuần vừa qua, Vụ Bưu chính cùng Thanh tra Bộ đã quyết liệt trong việc thu hồi giấy phép không cung ứng dịch vụ bưu chính. Vụ Bưu chính tiếp tục làm quyết liệt, dứt điểm công tác này. Cố gắng tháng 1/2024, giải quyết thu hồi các giấy phép không cung ứng dịch vụ bưu chính tại Hà Nội.

Thứ trưởng lưu ý năm 2024, Vụ Bưu chính đặt trọng trâm công tác là xây dựng luật Bưu chính sửa đổi. Các đơn vị như Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch Tài chính hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ này. Vụ Bưu chính cần học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính như Trung Quốc đã thành lập Tổng cục Bưu chính để quản lý lĩnh vực.

Tiếp nữa, Vụ Bưu chính cần công bố xếp hạng chất lượng dịch vụ bưu chính. Sau khi công bố sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm về xếp hạng này. Cùng với đó là xây dựng Cổng thông tin và dữ liệu bưu chính.

Về nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Vụ là triển khai xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết mục tiêu xây dựng Luật sửa đổi là áp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của lĩnh vực bưu chính và các lĩnh vực khác liên quan (TMĐT, logistics...), giúp cho các DN bưu chính và thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững. Chất lượng dịch vụ bưu chính ngày càng được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về bưu chính ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ và đáp ứng hội nhập quốc tế./.

Hoàng Linh