Công nghệ số phát triển và những thách thức phi truyền thống

Truyền thông - Ngày đăng : 14:00, 19/02/2024

Theo báo cáo “Global Digital Headline” về công nghệ số toàn cầu của Google thì số người dùng Internet trên thế giới năm 2023 đạt 5,16 tỷ người - chiếm 64,4% dân số thế giới; số người sử dụng mạng xã hội (MXH) là 4,76 tỷ người đạt 60% dân số thế giới.
Truyền thông

Công nghệ số phát triển và những thách thức phi truyền thống

TS. Nguyễn Thị Lê Thu - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia 19/02/2024 14:00

Theo báo cáo “Global Digital Headline” về công nghệ số toàn cầu của Google thì số người dùng Internet trên thế giới năm 2023 đạt 5,16 tỷ người - chiếm 64,4% dân số thế giới; số người sử dụng mạng xã hội (MXH) là 4,76 tỷ người đạt 60% dân số thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, của MXH và gần đây nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thế giới thay đổi một cách nhanh chóng, thậm chí vượt ra khỏi mọi tưởng tượng của chúng ta. Công nghệ số đã xóa nhòa mọi ranh giới địa lý và mở ra một bầu trời rộng mở ở tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng đặt ra nhiều thách thức phi truyền thống. Ngày nay, vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang là thách thức mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt.

Thực trạng và những thách thức từ các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Số liệu công bố đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng MXH cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số.

mang-xa-hoi.jpeg

Như vậy, tỷ lệ người dùng Internet và MXH của Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ bình quân của thế giới, cùng với số lượng kết nối di động vượt quá tổng dân số và số người sử dụng điện thoại thông minh cũng chiếm tỉ lệ rất cao. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng gây bất ổn xã hội ngày càng gia tăng.

Chưa có con số thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng về thực trạng của các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tại Việt Nam nhưng chỉ quan sát trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có thể nhận thấy rằng, các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tại nước ta đang có xu hướng gia tăng rất mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; Đưa ra thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc và; Xâm phạm đến bí mật đời tư, xâm phạm đến quyền về hình ảnh, quyền về bí mật đời tư của công dân.

Những hành vi vi phạm pháp luật trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này đang làm cho niềm tin của người dân vào công lý bị giảm sút nghiêm trọng; qua đó, nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì lối hành xử kiểu “luật rừng” sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.

Năm qua, hàng loạt vụ án liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đã được cơ quan chức năng khởi tố, điều tra, có nhiều nhân vật nổi tiếng, thậm chí còn là thần tượng của nhiều người đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra nhưng dường như, tội phạm trên không gian mạng vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng. Vậy nhận diện hiện trạng, chỉ rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng là hết sức cần thiết vào lúc này.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao và nhóm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là một vấn đề mới phát sinh từ sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, việc phát hiện và đấu tranh với loại tội phạm và nhóm các hành vi này gặp nhiều khó khăn, có thể thấy qua những điểm chính dưới đây:

Thứ nhất là khó xác định đối tượng và địa điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang diễn ra rất phổ biến cũng xuất phát từ việc những hành vi này rất dễ thực hiện. Đôi khi, chỉ cần đăng một bức ảnh, chia sẻ một thông tin sai sự thật thông qua một nút ấn trên điện thoại thông minh là hành vi vi phạm pháp luật đã có thể xảy ra. Việc xác định chủ thể và địa điểm thực hiện hành vi là bắt buộc vì đây sẽ là căn cứ để xác định đối tượng bị xử lý và cơ quan có thẩm quyền để xử lý vụ việc.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong nhiều trường hợp, không thể xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vì đó là những tài khoản trên MXH nhưng là tài khoản giả danh người khác, tài khoản ảo, tài khoản ẩn danh... Bên cạnh đó, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì hầu hết các đối tượng phạm tội đều đăng ký tài khoản và thực hiện hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên rất khó điều tra, xác minh, xử lý và thu hồi tài sản vì tội phạm có yếu tố nước ngoài cần phối hợp ở cấp độ nhà nước về tương trợ tư pháp.

lua-dao-qua-mang-2(1).png

Ngay cả trường hợp các tài khoản MXH có đầy đủ danh tính thì khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, việc xử lý cũng không hề dễ dàng vì để xác định được tài khoản mạng xã hội thuộc về một người và do người đó sử dụng và thực hiện hành vi phạm pháp thì nhiều khi cần những phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, do đó quy trình thực hiện rất phức tạp và mất thời gian, đến khi xác định được đối tượng thì mọi chứng cứ đã bị đối tượng xóa bỏ hoặc đóng tài khoản.

Thứ hai là quy trình giải quyết, xử lý bị kéo dài

Khi một tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể trực tiếp yêu cầu người có hành vi vi phạm pháp luật phải chấm dứt hành vi đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả hoặc tổ chức, cá nhân đó có thể lựa chọn cách gửi đơn đến các cơ quan chức năng như công an yêu cầu giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như phần trên đã trình bày thì ngay chính các nguyên nhân chủ quan và các quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tin báo về tội phạm hiện nay cũng còn nhiều bất cập khiến cho nhiều vụ việc rất đơn giản nhưng lại bị bỏ qua hoặc bị kéo dài.

Thực tế cho thấy, tâm lý không muốn tiếp nhận đơn thư khiếu nại hay tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là khá phổ biến ở nhiều cán bộ thực thi công vụ, một phần nguyên nhân là do chính những người thực thi công vụ nghĩ rằng đây là những việc “nhỏ” không cần phải ưu tiên giải quyết ngay, phần vì thủ tục xác minh, điều tra phức tạp, tốn kém về thời gian, công sức nên nảy sinh tâm lý ngại, né tránh những vụ việc như thế này vì ngại vì không đủ nhân lực để giải quyết.

Trường hợp một tổ chức, cá nhân nộp đơn khởi kiện tại tòa án thì quy trình thủ tục tố tụng có thể kéo dài hàng năm, thậm chí có những vụ việc mất nhiều năm chưa giải quyết xong. Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự cho thấy tỷ lệ các vụ án không đảm bảo đúng về thời hạn tố tụng là khá cao do nhiều nguyên nhân nhưng những nguyên nhân chủ quan đến từ chính những bất cập của pháp luật cũng khá phổ biến, đơn cử như các yêu cầu về thụ lý đầu vào tại tòa án còn nhiều bất cập gây khó cho người khởi kiện (ví dụ như tòa án khi thụ lý thì yêu cầu nguyên đơn cung cấp căn cước công dân hay đăng ký doanh nghiệp (DN) của bị đơn nhưng trên thực tế, nguyên đơn không thể tự mình thu thập được những tài liệu này....).

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc tuy căn cứ khởi kiện đã rõ ràng, chứng cứ đầy đủ nhưng vẫn cứng nhắc dựa vào thời hạn về tố tụng khiến cho vụ việc vẫn kéo dài hàng năm. Khi có tranh chấp xảy ra hay khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, việc lựa chọn tòa án để giải quyết là một lựa chọn rất văn minh và phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới, tuy nhiên việc phải đối mặt với những rào cản về thủ tục tại tòa án và quy trình tố tụng kéo dài đã làm nản lòng của nhiều người và gây tâm lý ngại kiện tụng tại tòa án.

Câu nói “được vạ thì má sưng” vẫn là tâm lý phổ biến trong xã hội ngày nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc nhiều người biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm vì họ biết rằng hành vi đó là “nhỏ” nên không sợ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.

Thứ ba là mức chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Một nguyên nhân lớn nữa làm cho tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra rất phổ biến như hiện nay đó là việc quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại còn nhiều bất cập, thậm chí là lạc hậu, không theo kịp với sự thay đổi của xã hội.

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, Luật khác có liên quan quy định khác”. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại để yêu cầu người có hành vi gây thiệt hại cho mình phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện nay là không hề đơn giản bởi thiệt hại thì phải là thiệt hại “thực tế”, phải đo đếm được, thậm chí phải có hóa đơn, chứng từ đề chứng minh mà đa phần người bị thiệt hại dù thấy rất rõ nhưng không thể có được hóa đơn, chứng từ để chứng minh thiệt hại đó.

Có nhiều DN khi gặp phải tin đồn sai sự thật dẫn đến bị thiệt hại rất lớn về giá trị thương hiệu và uy tín nhưng để chứng minh những thiệt hại này theo các quy định hiện nay thì gần như là không thể chứng minh dẫn đến việc khi khởi kiện tại tòa án thì mức bồi thường thiệt hại trên thực tế là rất lớn nhưng mức bồi thường thiệt hại nhận được theo phán quyết của tòa án cũng không đáng là bao.

Bên cạnh đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. “Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Khi một người bị người khác tung tin sai sự thật, vu khống dẫn đến tinh thần bị tổn thất nghiêm trọng nhưng mức bồi thường tối đa cho tổn thất về tinh thần chỉ là tối đa 10 tháng lương cơ sở (tương đương 18 triệu đồng) trong khi phải tốn kém rất nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc (thuê luật sư...) thì quả thực “được vạ thì má sưng” và không ai muốn khởi kiện.

Ngay cả khi đã thắng kiện rồi mà người phải bồi thường không tự nguyện thì việc đòi tiền bồi thường cũng khó như đi... lên trời vì hiệu quả thi hành án dân sự của chúng ta hiện nay không cao, nếu người bị thi hành án tẩu tán hết tài sản bằng cách nhờ người khác đứng tên tài sản cho mình thì việc thi hành án gần như không thể.

bi-phat.png

Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Như vậy có thể thấy, để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng cần phải có một giải pháp tổng thể, khắc phục cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thế giới mạng Internet tuy là thế giới “ảo” nhưng những thiệt hại luôn là thật, vì thế các cơ quan chức năng cần phối hợp với các nhà cung cấp MXH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để tiến tới loại bỏ các tài khoản ảo hoặc yêu cầu các nhà cung cấp đưa ra các quy định chặt chẽ hơn khi đăng ký tài khoản MXH để trong trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc tài khoản.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự cũng rất cần thiết vào lúc này như tối đa hóa việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự đối với những vụ việc có tính chất đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng. Bên cạnh đó sửa đổi các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại, bồi thường tổn thất về tinh thần theo hướng đơn giản hóa việc yêu cầu chứng minh thiệt hại để phù hợp với thực tế cuộc sống. Nâng cao hiệu quả của thi hành án dân sự cũng là việc hết sức cần thiết để ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm dân sự trong thi hành án.

Muốn xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh thì yếu tố con người luôn là quan trọng nhất, vì thế cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam để mỗi người sử dụng MXH đều có đủ kiến thức nhận biết được các hành vi vi phạm pháp luật; từ đó biết tự bảo vệ mình và ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác trên không gian mạng. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người thực thi công vụ để đảm bảo rằng, mọi hành vi vi phạm pháp luật, dù ở đâu, dù lớn hay nhỏ cũng sẽ đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

TS. Nguyễn Thị Lê Thu - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia