Xây dựng ngành Xuất bản chất lượng, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Truyền thông - Ngày đăng : 14:15, 17/02/2024

Sự nghiệp xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Đây là chức năng kép tạo nên đặc trưng hay tính đặc thù của xuất bản Việt Nam.
Truyền thông

Xây dựng ngành Xuất bản chất lượng, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Trí Anh 17/02/2024 14:15

Sự nghiệp xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Đây là chức năng kép tạo nên đặc trưng hay tính đặc thù của xuất bản Việt Nam.

xuat-ban.png

Tiếp tục huy giá trị văn hóa, đổi mới phương thức xuất bản để phát triển bứt phá

Trong công cuộc đổi mới, hoạt động xuất bản đã lớn mạnh cả về quy mô, năng lực, trình độ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động hội nhập với khu vực và quốc tế. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại ngày càng phong phú. Phương thức, cơ chế hoạt động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác xuất bản, in, phát hành đã được đổi mới đáng kể.

Ngành xuất bản tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống tổ chức các nhà xuất bản (NXB) được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số NXB được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.

Nhiều NXB đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới căn bản trong hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng...

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), năm 2023 có những số liệu nổi bật của toàn ngành như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).

Cùng với đó, cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành cũng đạt được những kết quả khả quan: tích cực hỗ trợ phát triển xuất bản điện tử, đưa số nhà xuất bản điện tử tăng từ 33,6% lên 40,3%, thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản (phối hợp với NXB TT&TT và Công ty WAKA triển khai ChatGPT hỗ trợ cho công tác biên tập tại NXB Chính trị Quốc gia Sự thật); xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số ngành In Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Đặc biệt là lĩnh vực phát hành sách, đại dịch COVID đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống phát hành sách, đặc biệt là kinh doanh bán lẻ truyền thống, nhưng lại tạo cơ hội chưa từng có cho việc kinh doanh, phát hành sách trên các nền tảng, ứng dụng công nghệ mới. Các sản thương mại điện tử Tiki, Shopee, Fahasa.com... có dịp tăng thêm được nhiều khách hàng mới và có doanh thu sách tăng trưởng đột biến.

Đặc biệt là trong các đợt giãn cách xã hội, các nhà sách truyền thống phải tạm đóng cửa, thì hình thức mua sách trực tuyến lại phát triển sôi động, hiệu quả. Đây vừa là thách thức, đồng thời là thời cơ để tái cấu trúc mô hình và phương thức kinh doanh trong hoạt động xuất bản nói chung, lĩnh vực kinh doanh, phát hành sách nói riêng. Nhiều công ty sách, nhà sách tư nhân có quy mô nhỏ, thiếu năng động, chậm đổi mới và ứng dụng công nghệ... gần như phải đóng cửa.

Trong khi đó, các công ty, nhà sách lớn, chuyên nghiệp đã chủ động tối ưu hóa các nguồn lực, tập trung cải tiến quy trình quản trị, tích cực áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới theo mô hình hiện đại của thế giới kết hợp tập quán văn hóa của Việt Nam, như: xây dựng không gian sách và trải nghiệm văn hóa đọc tại các siêu thị, các trung tâm du lịch - văn hóa có uy tín, có thương hiệu lớn; gắn mô hình nhà văn hóa ở khu vực nông thôn với tủ sách; đầu tư các ứng dụng công nghệ để tạo thêm các tiện ích cho khách hàng như tra cứu sách, trải nghiệm sách và mua sách qua mạng... để thu hút khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Ngành xuất bản cần đẩy mạnh quá trình CĐS để trở thành ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ số - một cuộc cách mạng công nghệ mới, gia tăng nhanh về tốc độ theo cấp lũy thừa; phạm vi rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tạo sự thay đổi chưa từng có trong mô hình kinh tế - xã hội. Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để vươn lên thành một quốc gia phát triển thông qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích đổi mới sáng tạo.... Trên mọi bình diện, CĐS đã và đang là xu thế chính yếu, những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi, nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, ngành xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới, thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đó, thực hiện phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số là hướng đi tất yếu của ngành Xuất bản, In và Phát hành.

Trên cơ sở định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản vươn lên phát triển mạnh mẽ, đột phá. Giữ vững nguyên tắc, quan điểm: hoạt động xuất bản đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước theo quy định pháp luật; thực hiện tổ chức, sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển hoạt động xuất bản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đưa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử làm mũi nhọn đột phá để phát triển.

Trong giai đoạn phát triển mới, ngành Xuất bản, In và Phát hành xác định rõ tầm nhìn luôn giữ vững vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập; xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.

Để ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì cần phải tổ chức, sắp xếp ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng hiện đại hóa đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển ngành xuất bản; phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực...; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa thu hút các nguồn lực phát triển ngành xuất bản.

Để thực hiện được những điều đó, ngành xuất bản đã đặt ra mục tiêu: đối với lĩnh vực xuất bản: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%, tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15%vào năm 2025, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, xuất bản nhiều đầu sách hay và giá trị đúng định hướng với số lượng lớn (số lượng trên 100.000 bản); đối với lĩnh vực in: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm từ 5-5,5%, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có ngành công nghiệp phát triển ở khu vực Đông Nam Á; đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 4-5%, phấn đấu đến năm 2025 phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu đó, ngành xuất bản đã ra sức đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra sự đa dạng về loại hình, khối lượng xuất bản phẩm, dịch vụ xuất bản có chất lượng cao, đa dạng phương thức kinh doanh hiện đại tham gia vào thị trường xuất bản phẩm trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ xuất bản có chất lượng; đáp ứng nhu cầCu thị trường, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Trí Anh