Chú trọng phát triển công nghiệp nội dung số, game

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:24, 16/01/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xem xét, đánh giá lĩnh vực công nghiệp nội dung số và học hỏi kinh nghiệm của thế giới, đảm bảo phát triển lĩnh vực hài hoà.
Diễn đàn

Chú trọng phát triển công nghiệp nội dung số, game

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xem xét, đánh giá lĩnh vực công nghiệp nội dung số và học hỏi kinh nghiệm của thế giới, đảm bảo phát triển lĩnh vực hài hoà.

Năm 2024: Quản lý PTTH&TTĐT với 4 phương châm hành động

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) ngày 15/1, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết năm 2024, Cục sẽ thực hiện phương châm hành động: Lan toả năng lượng tích cực, Internet là mặt trận chính, đa phương tiện là trọng tâm và thích ứng với xu thế truyền thông ngắn, nhanh.

ong-le-quang-tu-do.jpg
Cục trưởng Lê Quang Tự Do: Cục sẽ thực hiện 4 phương châm hành động.

Cụ thể, Cục sẽ thúc đẩy các đài PTTH tăng cường tuyên truyền trên “màn ảnh nhỏ”, nhất là trên mạng xã hội (MXH) để chiếm lĩnh mặt trận thông tin trên mạng, thích ứng xu hướng truyền thông ngắn, nhanh.

Cục sẽ hỗ trợ các Đài PTTH chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh tế báo chí, tổ chức hoạt động cho khối các đài PTTH để yên tâm công tác, làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, truyền thông chính sách; Thúc đẩy VTVgo trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia.

Cục sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) truyền hình trả tiền trong nước phát triển để lan toả mạnh hơn các nội dung, chương trình, phim ảnh thuần Việt; Triển khai chiến lược thúc đẩy phát triển ngành game vì game được xác định là một ngành công nghiệp văn hoá, cũng là lan toả nội dung tích cực; Tăng cường bảo vệ bản quyền của khối đài PTTH trên không gian mạng, thúc đẩy các đài PTTH sử dụng rating truyền hình do Bộ TT&TT cung cấp, gồm cả rating sóng truyền hình và rating trực tuyến…

Cục sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội có hiệu quả; Kết nối các Bộ, Ban, Ngành địa phương với Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam để hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tain giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả thông tin xấu độc quốc gia.

Chú trọng quản lý để phát triển lĩnh vực

Chỉ đạo công tác năm 2024 đối với Cục PTTH&TTĐT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, Cục cần chú trọng công tác quản lý để thúc đẩy phát triển.

bt-nguyen-manh-hung-15012023.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Cục PTTH&TTĐT trong năm 2024 cần chú trọng công tác quản lý để các lĩnh vực phát triển.

Đối với công nghiệp nội dung số, Bộ trưởng cho biết ngành công nghiệp này của Việt Nam còn bé bởi chưa được quan tâm nhiều. Cục cần xem xét, đánh giá lĩnh vực và học hỏi kinh nghiệm của thế giới, đảm bảo phát triển lĩnh vực hài hoà.

Bộ trưởng cũng lưu ý Cục quan tâm phát triển lĩnh vực game bởi game giờ đây đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội. Bây giờ hầu như các doanh nghiệp lớn viết hướng dẫn cho nhân viên làm việc cũng dùng game. Phim “tấn” bây giờ cũng dùng game rất là nhiều, có khi dùng 100%. “Game cũng để giới thiệu văn hoá, lịch sử. Tại sao nói không với ngành công nghiệp này?”.

Bộ trưởng cho rằng mọi người e ngại game vì lo con cái nghiện game, do vậy, năm 2024 cần có công cụ của Việt Nam kiểm soát chơi game của trẻ em. Ví dụ, công cụ chỉ cho con cái chơi game vào cuối tuần trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu cha mẹ có công cụ khống chế thì không ngại gì nữa. Cần đẩy mạnh ngành công nghiệp game đã bị bỏ quên.

Theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp này giúp rất nhiều cho Việt Nam vì công nghiệp game sau này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các mặt hoạt động của đời sống. Phát triển công nghiệp game phải có chiến lược quốc gia để thúc đẩy, có truyền thông, có giải game, hạn chế chơi game cho các con…

Cục cũng xem xét định hướng tương lai đối với việc quản lý trang TTĐT, "thoái đi hay tiến lên?". Trước đây, báo chí làm báo giấy, xin cấp phép ra trang TTĐT để đưa báo in lên và lan toả. Giờ các báo làm báo điện tử tốt rồi thì lại vênh nhau. Muốn phát triển thì phải có số liệu đo và công bố.

Đối với sự phát triển của các đài PTTH, Bộ trưởng yêu cầu Cục cần xác định các đài PTTH chủ lực, có thể tập trung tạo cơ chế, chính sách để thực sự trở thành cơ quan chủ lực, vươn lên. Cần xây dựng cơ chế thống nhất chung để các đài PTTH thực hiện tự chủ.

Trên không gian mạng hiện nay, Bộ trưởng cho biết có loại hạ tầng mới, gọi là các nền tảng số, ví dụ VTVGo là nền tảng hạ tầng thì phải xem các tiêu chuẩn đo để quản lý. Phải đo đánh giá, có các tiêu chuẩn như về lỗi, trễ… với những chỉ số cụ thể, từ đó có thể tuyên bố nền tảng số.

Cục cũng xem xét kênh truyền hình đối ngoại quốc tế của Việt Nam tương xứng với sự phát triển của đất nước; chiến lược phát triển truyền hình tương tác và OTT...

Bộ trưởng cũng lưu ý thúc đẩy việc quản lý nền tảng số lành mạnh như MXH theo hướng để các MXH cũng phải tự rà soát. Cục kiểm tra, quản lý và công bố trên các sai phạm trên truyền thông. Bên cạnh đó, thúc đẩy các Bộ, ngành rà soát, quản lý nội dung của Bộ, ngành, địa phương mình trên không gian mạng.

Bộ trưởng cũng lưu ý Cục quản lý nhiều mảng công việc nên phải thông minh hoá nội bộ. Đầu tư công nghệ, trợ lý ảo AI để hỗ trợ các công việc lặp đi lặp lại.

“Không có công nghệ không làm được đâu. Đừng sợ công nghệ, công nghệ là đưa tri thức vào máy tính dạy để trở thành trợ lý. Dạy cho trợ lý AI tri thức mình có, của đồng nghiệp, sau đó lúc nào quên thì hỏi trợ lý. Không ứng dụng công nghệ, đội ngũ không phát triển lên được”.

tong-ket-ptth-ttdt-2023_2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm dự hội nghị và tặng sách là quà năm mới 2024 cho Cục PTTH&TTĐT.

Cuối cùng Bộ trưởng nhấn mạnh năm 2023 Cục đã làm nhiều việc mạnh mẽ, vất vả, bản lĩnh, nhiều sáng kiến, có bước tiền lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý không phải cái gì tốt thì tốt mãi nữa. Giờ đến lúc thay đổi cách quản lý toàn diện hơn, phát triển hơn. Mong năm 2024, Cục PTTH&TTĐT tự tin, nhìn rộng ra và đẩy mạnh phát triển, thúc đẩy các lĩnh vực do Cục quản lý phát triển bền vững, thay đổi cách làm, góc nhìn, nhận thức cộng với công nghệ để có bước chuyển mạnh mẽ.

cuc-ptth-ttdt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Cục PTTH&TTĐT.

Năm 2023, xử lý khối lượng công việc lớn, đảm bảo tiến độ, chất lượng

Theo Cục PTTH&TTĐT, năm 2023, Cục đã xử lý khối lượng công việc lớn đảm bảo tiến độ, chất lượng như hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực quản lý, duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc là 16.264 tin, đạt 92% (tăng 2%).

Cục đã triển khai hiệu quả quy trình xử lý mới trong các tình huống đặc biệt, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cụ thể, thời gian xử lý nhanh hơn (chưa đến 12 giờ) với số lượng nhiều hơn; Huy động nhiều lực lượng cùng tham gia xử lý; Kết hợp rà quét bằng người và sử dụng AI cộng với thuật toán tự động để rà quét, chặn, gỡ nội dung vi phạm. Tỷ lệ đáp ứng của Facebook, TikTok là 97%, YouTube là 96%.

Trong năm 2023, Cục đã tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động TikTok tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kiểm tra một nền tảng xuyên biên giới, phối hợp liên ngành kiểm tra với nhiều lĩnh vực và dịch vụ khác nhau, bắt buộc TikTok thừa nhận các hành vi vi phạm.

Cục đã đấu tranh yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định Nghị định 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH và Luật Điện ảnh sửa đổi. Theo đó, buộc Netflix phải nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, 5 OTT xuyên biên giới nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về cung cấp phim trực tuyến; Yêu cầu 5 hãng sản xuất tivi (Samsung, TCL, LG, Casper, Sony) không cài sẵn các OTT cung cấp nội dung theo yêu cầu mà chưa được cấp phép. 4/5 hãng sản xuất tivi đã đồng ý cài sẵn VTVgo trên giao diện màn hình TV.

Cục đã triển khai sáng kiến Whitelist, Blacklist để nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ xuyên biên giới vào trong nước. Theo đó, đã có 52 cơ quan báo chí, 45 đài PTTH, 2.022 kênh truyền thông trên MXH của cơ quan báo chí, 479 kênh truyền thông trên MXH của Đài PTTH, 12 đơn vị sáng tạo nội dung số, 1.415 kênh truyền thông trên MXH tham gia whitelist. Tháng 1/2024, thêm 12 DN đăng ký mới và gần 900 tài khoản, trang kênh đăng ký cập nhật đang được xem xét.

Đáng chú ý là sau khi có đoàn kiểm tra 5 DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo, 10 DN quảng cáo nhãn hàng bị xử phạt vi phạm hành chính, công ty truyền thông WPP, chiếm 60% thị phần quảng cáo tại Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các nhãn hàng chỉ đặt quảng cáo trong whitelist của Bộ TT&TT. Cục đã phối hợp để kết nối DN truyền thông, quảng cáo tại Việt Nam tham gia mở rộng và sử dụng whitelist…

Trong năm 2023, Cục đã tập hợp các KOL (người có ảnh hưởng trên truyền thông), triển khai các chiến dịch truyền thông trên mạng để nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức gặp gỡ, kết nối với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng (công ty truyền thông lớn, MCN, KOL); Triển khai chiến dịch truyền thông Anti Fakenews…

Trong năm, Cục đã xử lý 1.643 tin phản ánh qua cổng tingia.vn…/.

Hoàng Linh