Lừa đảo tống tiền trên mạng xã hội

Báo chí - Ngày đăng : 11:41, 23/09/2023

Trong hàng ngàn hình thức lừa đảo qua mạng thì có những hình thức vô cùng tinh vi và nhạy cảm. Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao luôn nhắm vào các điểm yếu của một nhóm đối tượng nào đó để hành động.
Báo chí

Lừa đảo tống tiền trên mạng xã hội

TQ 23/09/2023 11:41

Trong hàng ngàn hình thức lừa đảo qua mạng thì có những hình thức vô cùng tinh vi và nhạy cảm. Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao luôn nhắm vào các điểm yếu của một nhóm đối tượng nào đó để hành động.

Một trong những nhóm đối tượng đó là những người thiếu thốn về tình cảm, cần được bù đắp. Mặc dù không quá nhiều đối tượng từng bị lừa đảo bởi hành vi này nhưng gần đây hình thức lừa đảo giả gái mồi chài rồi quay lại clip nhạy cảm lên mạng xã hội để tống tiền đang nở rộ khiến cho những người bị lừa tiền mất, tật mang, danh dự, uy tín và cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cá biệt, có những người mất cả tỉ đồng.

steal-data-cyber-attack-concept_23-2148532220.jpg

Những vụ việc không hiếm gặp

Điển hình là trường hợp tại Đà Nẵng gần đây. Ngày 16/9, Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Việt (29 tuổi, quê xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, nghi can Việt là nhân viên của một công ty công nghệ có trụ sở tại phường Vĩnh Trung (Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Cuối năm 2022, nghi can Việt được công ty giao lắp 6 camera an ninh kèm theo đầu ghi tại nhà chị L.L.H. (32 tuổi, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Quá trình lắp đặt, nghi can Việt vừa cài đặt tài khoản camera cho chị H., vừa cài đặt tài khoản camera vào điện thoại của mình để quản lý.

Thời gian qua, nghi can Việt tham gia đầu tư tiền ảo bị thua phải vay mượn tiền, không có khả năng trả.

Đầu tháng 9/2023, thanh niên này nảy sinh ý định đăng nhập vào các tài khoản camera đã lắp ráp trước đó cho khách để xem lén, quay lại cảnh nhạy cảm, riêng tư rồi nhắn tin cho khách hàng đe dọa nhằm mục đích tống tiền.

Thanh niên này nhớ lại nhà chị H. có lắp camera trong phòng ngủ nên đã truy cập vào tài khoản và ghi lại hình ảnh, lưu lại trong điện thoại.

phishing-account-concept_23-2148532228.jpg

Sau đó, nghi can Việt gọi điện thoại cho chị H. cho biết mình đang giữ 2 clip nhạy cảm và yêu cầu phải chuyển 130 triệu đồng để xóa. Chị H. thương lượng giảm giá xuống còn 110 triệu đồng và được nghi can Việt chấp nhận.

Ngày 14/9, nghi can Việt nhắn tin cho chị H. yêu cầu chuyển 20 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Việt đòi phải chuyển số tiền còn lại, đe dọa nếu không làm theo sẽ bán các clip nhạy cảm cho bên thứ 3 hoặc đăng lên các trang web đồi trụy.

Chị H. trình báo sự việc đến cơ quan công an. Khám xét tại phòng trọ của nghi can Việt ở phường Điện Ngọc (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) công an thu giữ một điện thoại di động có chứa 2 đoạn clip được quay lại từ camera nhà chị H. và hai laptop.

Qua vụ việc này, công an khuyến cáo, khi lắp đặt camera, người dân cần cảnh giác đổi lại mật khẩu để quản lý.

Cần làm gì khi bị tống tiền bằng clip nhạy cảm

Khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một đến năm năm.”

Hành vi sử dụng clip nhạy cảm để tống tiền thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Người phạm tội sẽ bị phạt tù với khung hình phạt thấp nhất là từ một năm đến năm năm tù và khung cao nhất là từ mười hai đến hai mươi năm tù. Bên cạnh đó, họ có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Nếu việc sử dụng clip nhạy cảm còn có mục đích khác ngoài mục đích nhằm tống tiền như bôi xấu người khác, hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục… còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 về Tội làm nhục người khác hoặc Điều 253 về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người đó những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Trên thực tế, đây là loại tội phạm khá phổ biến, nhưng số lượng các đối tượng bị cơ quan chức năng xử lý lại không nhiều do nạn nhân thường sợ hãi, xấu hổ, giấu diếm và không dám chia sẻ. Thay vì việc tìm đến cơ quan Công an để trình báo để tìm ra giải pháp, họ thường tự mình giải quyết, chấp thuận yêu cầu của kẻ xấu. Do đó, để phòng ngừa không để đối tượng sử dụng clip nhạy cảm để tống tiền và xử lý hiệu quả tình huống này, mọi người cần phải chú ý một số nội dung sau:

Sống lành mạnh, hạn chế đến mức tối đa việc quay lại các clip nhạy cảm, phòng ngừa không để kẻ xấu quay clip nhạy cảm để thực hiện ý đồ xấu;

Khi bị đối tượng sử dụng clip nhạy cảm để tống tiền cần bình tĩnh xử lý, khéo léo thương lượng, kéo dài thời gian, củng cố chứng cứ tạo điều kiện cho cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng.

Nên đến cơ quan công an trình báo, không nên đáp ứng yêu cầu của đối tượng, vì rất dễ bị tống tiền những lần sau./.

TQ