WEF 2024: thông tin sai lệch từ AI là rủi ro hàng đầu trên cả chiến tranh, suy thoái kinh tế
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:58, 18/01/2024
WEF 2024: thông tin sai lệch từ AI là rủi ro hàng đầu trên cả chiến tranh, suy thoái kinh tế
Chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024 xoay quanh 4 chủ đề quan trọng, trong đó có ứng dụng và kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI).
AI - Một trong những trọng tâm của WEF Davos 2024
Bên cạnh những lợi ích tích cực, được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… song AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trong đó có vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, khiến WEF trong "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2024" công bố trước thềm Diễn đàn đã cảnh báo tin giả do AI tạo ra là một trong những mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu trong năm 2024 này cũng như trong tương lai.
Theo WEF nhận định tại "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2024", nguy cơ can thiệp vào kết quả các cuộc bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất vào năm 2024 liên quan tới AI. Trong bảng xếp hạng 10 rủi ro lớn nhất trong hai năm tới, thông tin sai lệch có nguồn gốc từ AI được đặt lên trên biến đổi khí hậu, chiến tranh và nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Diễn đàn năm nay đã chứng kiến các cuộc thảo luận về AI tạo sinh cũng như tác động của công nghệ này đối với người lao động (NLĐ).
Báo cáo “Tương lai việc làm” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ chịu tác động của AI, trong đó các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi sẽ chứng kiến 60% việc làm bị ảnh hưởng.
Báo cáo nêu rõ, 50% việc làm chịu ảnh hưởng của AI sẽ bị tác động tiêu cực, trong khi số còn lại có thể hưởng lợi từ sự cải thiện năng suất lao động nhờ AI. Nền tảng công nghệ này ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cũng như khả năng được hưởng lợi từ AI của các nước này cũng thấp hơn; điều này có thể làm gia tăng cách biệt về thu nhập giữa các nước. NLĐ lớn tuổi có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn từ những thay đổi mà AI mang lại, do họ khó thích nghi hơn với công nghệ mới.
Nhằm khai thác hiệu quả, kiểm soát rủi ro đối với nền tảng công nghệ được ví như “con dao hai lưỡi” này, WEF đã chọn AI là một trong những chủ đề chính của hội nghị năm 2024. Lãnh đạo WEF nhấn mạnh, vấn đề ứng dụng và kiểm soát AI đang trở nên rất quan trọng đối với nhân loại, vì vậy cần có chính sách để khai thác và kiểm soát AI, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trung Quốc kêu gọi vạch ranh giới đỏ trong phát triển AI
Trong phiên họp tại Hội nghị WEF Davos 2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề xuất rằng cần có một “lằn ranh đỏ” không được vượt qua trong quá trình phát triển AI để đảm bảo công nghệ này mang lại lợi ích cho xã hội.
“AI phải được chỉ dẫn theo hướng có lợi cho sự tiến bộ của nhân loại. Vì vậy, cần có một lằn ranh đỏ trong việc phát triển AI, một lằn ranh đỏ không được vượt qua”, Thủ tướng Trung Quốc cho biết trong bài phát biểu của mình.
Theo Thủ tướng Lý Cường, công nghệ phải mang tính bao trùm và không nên “chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ mà cần mang lại lợi ích cho đại đa số nhân loại”. Ông cũng kêu gọi thực hiện các nỗ lực quản trị hiệu quả đối với các bước phát triển của AI, đồng thời hối thúc các quốc gia trên thế giới cùng nhau hợp tác.
Năm 2017, Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo”, đặt ra mục tiêu cuối cùng là trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về AI vào 2030. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi vào tháng 11/2022 với việc OpenAI (công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ) ra mắt ChatGPT. Điều này đã thúc đẩy các hãng công nghệ Trung Quốc đua nhau phát triển chatbot AI để cạnh tranh, từ Ernie Bot của Baidu đến Tongyi Qianwen của Alibaba, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn do các công ty Mỹ dẫn đầu, với OpenAI gần đây đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 Turbo và Google tạo dấu ấn với Gemini.
Mặc dù Trung Quốc rất muốn tăng tốc độ phát triển và áp dụng công nghệ này nhưng vẫn đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng. Các công ty phát triển và sử dụng AI ở Trung Quốc vẫn phải đáp ứng nhiều yêu cầu pháp lý khi triển khai AI.
EU tăng cường hoạt động trong lĩnh vực AI
Ngoài Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với AI. Bất chấp các kế hoạch hạn chế việc lạm dụng AI, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói với WEF rằng châu Âu phải tăng cường vai trò trong cuộc đua về AI.
“Sự cạnh tranh trong tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào việc áp dụng AI trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày và châu Âu phải tăng cường hoạt động của mình, đồng thời chỉ ra cách sử dụng AI có trách nhiệm. AI giúp nâng cao năng lực của con người, cải thiện năng suất và phục vụ xã hội”, bà nói trong phiên họp tại WEF 2024.
Đạo luật AI đã được EU gấp rút xây dựng sau khi chatbot ChatGPT bùng nổ vào cuối năm 2022. Ngày 9/12/2023 (giờ Việt Nam), sau 36 giờ đàm phán, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua về Đạo luật này. Theo quy định, đạo luật AI của châu Âu vẫn cần phải được các quốc gia thành viên và quốc hội thông qua để có hiệu lực,
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Đạo luật AI của EU là khuôn khổ pháp lý duy nhất để phát triển AI đáng tin cậy "vì sự an toàn cũng như các quyền lợi cơ bản của người dân và doanh nghiệp (DN)", nó cho phép các tổ chức, DN trong tất cả các lĩnh vực khác tận dụng tối đa công nghệ mới và mang tính cách mạng này.
Giống như GDPR, vốn đã trở thành chuẩn mực cho luật bảo vệ dữ liệu trên toàn thế giới, Chủ tịch EC hy vọng Đạo luật AI cũng sẽ đóng vai trò là khuôn mẫu tương tự cho các quốc gia khác trong việc quản lý công nghệ.
Châu Âu có gần 200.000 kỹ sư phần mềm có kinh nghiệm về AI, mức độ tập trung lớn hơn ở Mỹ và Trung Quốc. Do đó, bà Ursula von der Leyen hy vọng EU sẽ có thể bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong việc phát triển các kịch bản sử dụng AI mới, v.v.
“Chúng tôi có thể đào tạo AI dựa trên dữ liệu có chất lượng vượt trội và chúng tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ cung cấp cho các công ty khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa ở châu Âu quyền truy cập vào các siêu máy tính đẳng cấp thế giới của chúng tôi. Để họ có thể đào tạo, phát triển và thử nghiệm các mô hình AI lớn của mình”, Chủ tịch EC cho biết thêm.
Không chỉ các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi cần có quy định pháp lý về AI tại WEF ở Davos, Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft cũng tuyên bố trong phiên họp của mình tại Davos rằng cần có sự phối hợp toàn cầu về AI. Nadella đồng ý rằng cần có một bộ tiêu chuẩn và hành lang bảo vệ phù hợp cho công nghệ.
Theo Nadella, thế giới đang ở thời điểm mà những thách thức toàn cầu sẽ đòi hỏi những chuẩn mực và tiêu chuẩn toàn cầu. Ông nói thêm rằng việc không có những tiêu chuẩn như vậy có thể khiến công nghệ khó kiểm soát và thậm chí khó thực thi./.