Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí nhanh hơn nữa
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:48, 18/01/2024
Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí nhanh hơn nữa
Nhận định xu hướng phát triển của báo chí là cung cấp tri thức nhiều hơn, xuất hiện trên đa nền tảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, quản lý báo chí cần thay đổi, hướng tới không gian mạng nhiều hơn. Cùng với đó, cần thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) báo chí nhanh hơn.
Báo chí chuyển từ thông tin sang tri thức
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Báo chí ngày 17/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Đảng ta coi truyền thông là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của truyền thông là rất lớn. Theo đó, Cục Báo chí phải theo kịp sự đổi mới. “Báo chí có sứ mệnh mới thổi bùng lên khát vọng Việt Nam, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước bay lên hùng cường thịnh vượng. Sức mạnh tinh thần tương đương sức mạnh vật chất”.
Theo Bộ trưởng, trước đây báo chí muốn định hướng dư luận theo cách chọn chủ đề để truyền thông. Nay không còn thuận lợi đó bởi mạng xã hội (MXH) đưa nhiều thông tin vào mọi ngõ ngách cuộc sống nên truyền thông phải dựa vào phân tích, đánh giá cộng đồng nhiều hơn.
Quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí giờ đây phải đổi mới. Hội nghị Bộ trưởng Truyền thông ASEAN (AMRI) lần thứ 16 được tổ chức tại Việt Nam đã đưa ra thông điệp chuyển từ thông tin sang tri thức. “Thông điệp này rất tường minh và là một xu thế rất lớn, có thể nói đó là một nhu cầu toàn cầu. Đây là bản chất của cuộc cách mạng AI. Báo chí của mình hiện nay vẫn dạng tin thôi, tri thức chưa được nhiều”.
Trước đây, quản lý báo chí thì xem một số bài, một số nội dung cụ thể có vấn đề nhưng bây giờ quản lý xem bao nhiêu người đọc bài báo, đo tốc độ lan toả nhanh hay chậm,... Trước đây kiểm soát đầu vào giờ phải kiểm soát người đọc nhận thức bài báo như thế nào; phải đo, đánh giá được tác động đối với người đọc.
Trước đây, Cục Báo chí chỉ kiểm soát không gian báo chí nhưng không gian mạng mới đang tác động đến con người nhiều hơn nên Cục Báo chí phải chú ý nhiều hơn đến không gian mạng bởi đâu đó không gian mạng đang được nuôi từ nguồn “thức ăn” báo chí. Việc xây dựng trung tâm lưu chiểu cũng để phân tích, đánh giá cộng với quản lý không gian mạng như lĩnh vực an toàn thông tin đang làm.
Trước đây, Cục tập trung xây dựng chính sách là chính thì nay phải thực hiện thêm việc nghiên cứu chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống. Thúc đẩy thực thi chính sách, đi thanh tra kiểm tra thì mới biết xây dựng chính sách đúng hay sai.
Làm QLNN không chỉ ra văn bản là xong, Cục phải nhìn thấy cái tác động cuối cùng. “Thực thi nghiêm minh thì mới hy vọng mới có chính sách tốt, mới biết cái gì đúng hay sai, cần điều chỉnh cái gì”, Bộ trưởng nhấn mạnh lưu ý.
Quản lý báo chí dựa vào công nghệ nhiều hơn
Bộ trưởng cũng trao đổi với đội ngũ cán bộ của Cục Báo chí là trước đây làm nghề QLNN chủ yếu dựa vào sức người, thông tin, báo cáo giấy tờ nhiều lắm… nay phải dựa vào công nghệ nhiều hơn, thậm chí là phải dựa vào công nghệ là chính.
Cứ cái gì phức tạp, nhiều số, nhiều quy định thì để máy móc làm và "chắc chắn máy làm tốt hơn". Những cái gì chẳng có dữ liệu, ít thông tin thì để cho người làm vì máy không làm được cái đó. AI giúp giải phóng con người khỏi những mệt mỏi, không hợp với con người và những việc con người làm tốt máy không làm được.
“QLNN bây giờ công nghệ là quan trọng, kết nối online là quan trọng và phân tích dữ liệu là quan trọng. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy CĐS diễn ra chỉ trong 3 ngày, chúng ta hoàn toàn có thể làm nhanh bằng cú sốc. CĐS báo chí cần phải được đẩy nhanh theo cách đó”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, trước đây người làm báo phải viết báo, người làm báo giờ đây theo xu hướng là người đi nhặt "hạt ngọc" rồi về mài giũa cho sáng cho báo mình đăng lên, tờ báo vì thế trở thành nền tảng cho người khác viết và người phóng viên trở thành người biên tập, trở thành người đi nhặt "hạt ngọc".
Làm tin thì ngày nào cũng làm nhưng viết một bài có hồn, có dữ liệu, phân tích, đánh giá phải mất thời gian rất lâu. Một tháng có được 1 bài đã là rất xuất sắc. Muốn có nhiều bài phải huy trăm triệu người dân viết. Trong nhiều bài viết sẽ lại chọn ra được những bài tốt. Nên trước đây làm báo là trở thành tác giả bây giờ tòa báo là xuất bản, là biên tập và in. Hãy chọn "viên ngọc", rửa và mài, in. Chọn "viên ngọc" có thể nhờ công nghệ. Theo đó, làm báo giờ đây giống như nhà xuất bản, hơi giống nền tảng số, Bộ trưởng cho hay.
Quản lý để phát triển
Bộ trưởng cũng đề nghị QLNN trong bối cảnh hiện nay phải đi đều, vừa quản lý và vừa phát triển. "Phát triển" giờ là từ quan trọng. Phát triển thì mới quản lý được. Phát triển thì mới sống được, mới tử tế được.
Bộ trưởng cũng lưu ý Quy hoạch báo chí có 2 giai đoạn là giai đoạn sắp xếp và giai đoạn phát triển. Cũng với đó phải lưu ý là kinh tế báo chí, CĐS, đặt hàng báo chí, xây dựng trợ lý ảo, xây dựng mô hình tập đoàn báo chí, xem xét để cơ quan báo chí kinh doanh xung quanh hoạt động báo chí cũng là để báo chí phát triển.
Bên cạnh đó, Cục Báo chí đang quản lý một đội ngũ rất lớn, có nhiều vũ khí, quân binh chủng khác nhau. Vì vậy, cần phải phân công có chủ lực, có địa phương.
Thêm nữa, Cục Báo chí không chỉ dẫn dắt nội dung mà còn dẫn dắt sự phát triển, mô hình, công nghệ theo xu hướng chuyển sang phân tích nhiều hơn. Báo chí giờ đây xuất hiện trên đa nền tảng, sản xuất theo đa nền tảng nên chỗ nào đông người phải có mặt.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục quan tâm lĩnh vực hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu lập nhóm đặc trách để huy động được nhiều nguồn lực hơn, từ các cơ quan báo chí, DN để thực hiện các tư tưởng, nghiên cứu. Dẫn dắt lĩnh vực phải xuất sắc. Mọi việc được giao cần phải trao đổi sớm với lãnh đạo để tìm hướng giải quyết.
Một số kết quả nổi bật
Thông tin về một số kết quả nổi bật trong công tác năm 2023, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết Cục đã đạt một số kết quả ở các nội dung công tác như hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí.
Cục đã đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí khi công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin ngày càng quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn bảo đảm để báo chí giữ thế định hướng chủ động, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoạt động đối ngoại, công tác bảo vệ chủ quyền, các sự kiện trọng đại của đất nước; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, biểu hiện không bám sát tôn chỉ, mục đích.
Cục đã triển khai giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời đã phối hợp với đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sơ kết, đánh giá 4 năm thực hiện Quy hoạch báo chí; tập trung, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình cơ quan báo chí mới phù hợp với Quy hoạch báo chí, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển của báo chí truyền thông hiện đại để trình cơ quan có thẩm quyền triển khai thí điểm. Mục tiêu là xây dựng hệ thống báo chí tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Về công tác truyền thông chính sách, Cục trực tiếp tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Chỉ thị số 07/CT-TTg thể hiện sự đổi mới trong tư duy về công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước, trong đó xác định rõ truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, bộ, ngành, địa phương thay vì nhận thức coi việc truyền thông chính sách là của báo chí như trước đây.
Từ tham mưu của Cục Báo chí, lần đầu tiên, lĩnh vực báo chí có một chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đó là Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về CĐS; đưa ra định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường người đọc, nghe, xem, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền.
Về thúc đẩy kinh tế báo chí, Cục Báo chí đã phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định hiện hành liên đến hoạt động báo chí.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được duy trì nghiêm minh. Tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí dần được khắc phục. Cục Báo chí đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh đối với các cơ quan báo chí, qua đó xử phạt 14 trường hợp do có hành vi vi phạm quy định pháp luật về báo chí.
Trong năm 2023, Cục Báo chí tiếp nhận và xử lý tổng số 334 đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo, trong đó 160 đơn thư của cá nhân, 24 đơn thư của tổ chức, 65 đơn thư của doanh nghiệp, 85 đơn thư không thuộc thẩm quyền xử lý theo quy định. Các đơn thư đều được xem xét, giải quyết dứt điểm, kịp thời hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Theo Cục Báo chí, cả nước hiện có 812 cơ quan báo chí 138 cơ quan báo; 674 cơ quan tạp chí (trong đó có 72 tạp chí văn học nghệ thuật và 318 tạp chí khoa học theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Báo chí năm 2016).
Báo, tạp chí chỉ loại hình in là 516, thực hiện 02 loại hình là 266; chỉ có loại hình điện tử là 30. Về tình hình tài chính cơ bản ổn định.
Về nguồn nhân lực, theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí không có biến động nhiều, khoảng 41.000 người, trong đó khối báo chí in, báo chí điện tử xấp xỉ 24.500 người.
Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2015 tính đến tháng 31/12/2023: 20.597 trường hợp, trong đó khối báo chí in, báo chí điện tử có 13.081 trường hợp./.