Rẽ nhánh sang CĐS, FPT Software mục tiêu dành hợp đồng tỷ đô từ thị trường nước ngoài

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 08:13, 19/01/2024

Sau cột mốc 1 tỷ USD doanh thu, FPT Software muốn hướng đến công ty đẳng cấp thế giới với các mục tiêu như doanh thu tỷ đô từ một thị trường hay một ngành, hợp đồng tỷ đô hay lợi nhuận tỷ đô.
Doanh nghiệp số

Rẽ nhánh sang CĐS, FPT Software mục tiêu dành hợp đồng tỷ đô từ thị trường nước ngoài

NK {Ngày xuất bản}

Sau cột mốc 1 tỷ USD doanh thu, FPT Software muốn hướng đến công ty đẳng cấp thế giới với các mục tiêu như doanh thu tỷ đô từ một thị trường hay một ngành, hợp đồng tỷ đô hay lợi nhuận tỷ đô.

Từ một công ty "không thương hiệu" với các hợp đồng nước ngoài chỉ vài nghìn USD, sau 25 năm, FPT trở thành doanh nghiệp (DN) Việt đầu tiên vào nhóm DN CNTT tỷ USD toàn cầu. Con số này cao gấp đôi doanh thu xuất khẩu phần mềm của công ty năm 2021 và gấp 10 lần sau 1 thập kỷ.

anh-2-20220719163523.jpeg
Sau cột mốc 1 tỷ USD doanh thu, FPT với các mục tiêu tỷ đô như doanh thu từ một thị trường/ngành, hợp đồng hay lợi nhuận.

Đã nghĩ đến cột mốc 1 tỷ USD doanh thu toàn cầu từ cách đây 3 năm

Chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn cho biết, FPT đã trải qua nhiều cảm xúc mới chạm đến mốc 1 tỷ USD này. Cụ thể, năm 2002, FPT có 1 triệu đô doanh thu đầu tiên với ranh giới sinh tử.

Tôi là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và lặng lẽ quay về. Nhiều tranh luận trong FPT, tiếp tục làm trong nước hay ra nước ngoài? Sau đó, cột mốc đạt 1 triệu đô đã giúp chúng tôi tin rằng mình có thể ra nước ngoài”, ông Tuấn cho biết thêm.

Sau đó, năm 2006, FPT đạt mốc doanh thu 10 triệu USD. Từ 10 triệu USD cho đến 100 triệu USD, FPT đã phải gặp rất nhiều khó khăn, vì khủng hoảng tài chính và không vượt được bẫy trung bình. Trong đó, theo ông Tuấn, kỷ niệm đáng nhớ nhất là sự kiện sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, thời điểm đó, FPT đã cam kết đồng hành cùng khách hàng và không bao giờ rời bỏ. Nhờ đó, FPT đã vượt lên để chinh phục cột mốc 500 triệu đô.

Khi đã đạt 500 triệu USD vào năm 2021, chúng tôi đã mường tượng đến việc sau 3 năm FPT sẽ có được 1 tỷ USD doanh thu. Do đó, có thể nói, 1 tỷ USD không phải là cột mốc bất ngờ”, ông Tuấn chia sẻ.

Nếu như ban đầu, FPT triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc nhỏ lẻ thì đến năm 2013, công ty bắt đầu rẽ nhánh sang chuyển đổi số (CĐS) và bước đầu thành công. Trong 11 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ CĐS mang về cho công ty 9.600 tỷ đồng từ thị trường nước ngoài, cao hơn 5 lần so với năm 2018, đóng góp hơn 50% vào doanh thu tỷ USD của FPT năm ngoái.

Các hợp đồng của FPT cũng có xu hướng chuyển dịch, hướng tới các hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD thay vì những đơn hàng vài chục nghìn USD như trước. Theo đại diện tập đoàn, 80% đơn hàng của FPT đạt quy mô từ một triệu USD trở lên. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiềm năng đến từ các hợp đồng trên 5 triệu USD đã tăng 66%.

Cũng theo ông Tuấn, trong suốt hành trình mang trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, nhiều người đã hỏi FPT về động lực tăng trưởng, trong đó có cựu CEO người Nhật Bản đầu quân cho FPT Japan. Dù không tìm ra nhưng vị cựu CEO này đã nhận ra sự khác biệt lớn nhất, đó là khát vọng, tinh thần máu lửa, quyết chiến ở tất cả nhân viên, từ cấp thấp nhất đến lãnh đạo cao nhất.

“Tôi tin rằng đây là vũ khí khó sao chép và tương lai của FPT Software còn sáng lạng hơn nhiều”, ông Tuấn bày tỏ.

ong-pham-minh-tuan-tong-giam-doc-fpt-software_01-1-.jpg
Ông Phạm Minh Tuấn: Sự khác biệt lớn nhất của FPT Software là khát vọng, tinh thần máu lửa, quyết chiến ở tất cả nhân viên, từ cấp thấp nhất đến lãnh đạo cao nhất.

Để làm được điều này, trong thời gian qua, FPT Software đã có những chiến lược thay đổi, đầu tiên, đó là việc phát triển cân bằng hơn. Nếu như trước đây, doanh thu phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản thì hiện nay đã phát triển song song cả những thị trường khác như Mỹ, Châu Á - Thái Bình Dương với tỷ lệ 30 - 35%/thị trường, để có thể đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng trên 25%.

Tiếp theo, đó là quá trình chuyển dịch khách hàng, khi từ năm 2018 với chiến lược “săn cá voi,” FPT chỉ tập trung vào khách hàng doanh thu triệu đô.

Chiến lược cuối cùng là nguồn nhân lực. Để có thể chinh phụ khách hàng triệu USD, FPT Software đã kết hợp sức trẻ, khát vọng của thanh niên Việt Nam với sự am hiểu của chuyên gia bản địa.

Trong chiến lược toàn cầu hóa, FPT đang đặt ra mục tiêu dài hạn là "bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm DN dịch vụ CNTT tỷ USD", với doanh thu đạt 5 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ra, FPT còn muốn hướng đến công ty đẳng cấp thế giới với các mục tiêu bao gồm: Doanh thu tỷ đô từ một thị trường hay một ngành; Hợp đồng tỷ đô; Lợi nhuận tỷ đô.

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, tập hợp lực lượng toàn cầu để thành công trong các dự án lớn cũng như nhúng trí tuệ nhân tạp vào mọi sản phẩm, dịch vụ để nâng cao chất lượng, năng suất, tăng tính cơ động.

FPT cam kết sẽ đầu tư vào con người thông qua việc đồng hành cùng hệ thống giáo dục FPT với những nhân sự thấm nhuần văn hóa công ty.

Dấu ấn FPT tại thị trường Mỹ và Nhật Bản

Cột mốc 1 tỷ USD còn ghi dấu bởi những câu chuyện đáng nhớ mà người FPT đã đoàn kết, không ngừng nỗ lực, vượt khó đi lên, đặc biệt tại thị trường Mỹ và Nhật Bản - 2 quốc gia gắn liền với những ngày chinh phục thị trường toàn cầu của công ty này.

Theo ông Đặng Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông, tinh thần ham học hỏi đã giúp ích cho đơn vị này rất nhiều tại thị trường Mỹ.

Chúng tôi mất 5 năm để một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đồng ý cho FPT Software cung cấp dịch vụ CNTT cho họ. Nhưng sau 10 năm, mọi chuyến bay trên thế giới đều có dòng code của người FPT. Chưa kể, không nhiều công ty trên thế giới có thể cung cấp dịch vụ CNTT cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như FPT”, ông Phương cho biết thêm.

Hay thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại Mỹ (Intellinet) vào năm 2018 cũng đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Việc M&A không phải dễ nhất là với một công ty Mỹ và điều hành những người bản địa. FPT đã phải mất 3 năm đầu tiên để có thể tích hợp, làm quen và vượt qua bất đồng.

Ngay giữa đại dịch, chúng tôi đã cùng hợp lực triển khai dự án tại 5 quốc gia với quy mô lên tới 1.000 người. Nếu không quyết tâm khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới thì không làm được việc ấy”, ông Phương chia sẻ thêm.

Tại riêng thị trường Mỹ, ông Phương cho rằng, FPT đang ở trong một thị trường không giới hạn, khi năm 2023 quốc gia này đã dành đến 180 tỷ USD cho các dịch vụ CNTT thuê ngoài. Do đó, tại thị trường này, FPT cam kết tăng trưởng gấp đôi sau 3 năm; Tạo thêm 3.000 việc làm tại Mỹ trước năm 2023; Đạt doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm tại Mỹ trước năm 2023.

Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương Đỗ Văn Khắc cho biết, khi được cử sang Nhật Bản, ông rất lo lắng vì không biết tiếng, nhưng vẫn quyết tâm chinh phục thị trường này. Ông Khắc cho biết, thị trường Nhật Bản là trụ cột phát triển của FPT ra toàn cầu. Ngay sau COVID-19, thị trường Nhật Bản tăng trên 30% và tương lai vẫn còn rất nhiều cơ hội.

ong-do-van-khac-pho-tong-giam-doc-fpt-software.jpg
Ông Đỗ Văn Khắc: FPT Japan đặt mục tiêu nằm trong top 20 công ty lớn nhất tại Nhật Bản.

Bởi vì, dù Nhật Bản đã bước qua một giai đoạn suy thoái nhưng FPT vẫn tăng trưởng tại thị trường này. Ông Khắc đã ví von, FPT như cây tre lớn lên giữa mùa đông giá rét trở thành cột buồm cùng Nhật đi ra thế giới.

Hay tại Malaysia, FPT đã có hợp đồng lớn nhất ở thị trường nước ngoài. Đó là hợp đồng với khách hàng công ty dầu khí lớn nhất Malaysia. “Đấy là nơi chúng tôi đi cùng Microsoft đẳng cấp và Việt Nam đứng ngang hàng. Năm 2007 - 2013, FPT đã giúp khách hàng chuyển đổi toàn bộ hệ thống CNTT. Từ 2014 - 2018, FPT đã đánh bật các tên tuổi, chiếm trọn niềm tin để cung cấp dịch vụ cho công ty dầu khí lớn nhất Malaysia”, ông Khắc nói.

Cuối cùng, theo ông Khắc, FPT tại Nhật Bản tăng trưởng 50,5% trong năm 2023 và đặt mục tiêu nằm trong top 20 công ty lớn nhất tại quốc gia này./.

NK