Lừa đảo người cao tuổi gọi điện nhận khuyến mãi
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:01, 20/12/2023
Lừa đảo người cao tuổi gọi điện nhận khuyến mãi
Gầy đây lại rộ lên tình trạng một số đối tượng mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí khiến nhiều người cả tin “sập bẫy” dẫn đến mất tiền oan
Mất tiền oan vì nhận quà tri ân
Gần đây, chiêu trò lừa đảo “tặng quà tri ân” tái diễn với thủ đoạn tinh vi hơn, khiến nhiều người bị mất tiền oan. Điển hình như bà T.S ở Bãi Sậy, Hưng Yên kể lại, đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên Lazada thông báo bà may mắn trúng thưởng bộ mỹ phẩm của một thương hiệu nổi tiếng trị giá hơn 2 triệu đồng. Sau khi được bà S cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, người này cho biết sẽ gửi quà qua đường bưu điện.
Tuy nhiên, để nhận quà, bà phải đóng phí 10% giá trị quà tặng và cước vận chuyển hơn 200 ngàn đồng. Thấy có lãi, bà S liền chuyển tiền. Chờ 2 tuần vẫn không nhận được hàng, bà S liên hệ lại số điện thoại của nhân viên thì thuê bao, lúc này bà mới biết mình bị lừa
Tương tự, bà B.A ở Hải Phòng nhận được thông báo là một trong 30 khách hàng may mắn nhận được quà tri ân nhân dịp website thương mại điện tử Shopee sinh nhật lần thứ 8. Thấy đối tượng nắm rõ các thông tin liên quan đến việc mua các đơn hàng trước đây trên Shopee nên bà B.A tin tưởng, làm theo hướng dẫn kết bạn qua tài khoản Zalo của một người tên N.D. Người này cung cấp cho bà đường link để truy cập vào đăng ký thông tin, trả lời các câu hỏi. Sau khi hoàn tất, bà được thông báo tặng 3 phần quà gồm: 1 máy sấy tóc và phần thưởng tiền mặt trị giá 2 triệu đồng
“Người xưng tên N.D gửi ảnh chụp biên lai chuyển phát nhanh phần quà đầu tiên cho tôi. Các phần quà còn lại, chị ta nói nhà tài trợ chỉ tặng sau khi tôi thực hiện mua hàng trên Shopee nhằm giúp họ quảng cáo, tăng lượt mua của sản phẩm trên sàn điện tử. Tuy nhiên, chỉ là mua “ảo” bằng cách chọn, cho hàng vào giỏ, rồi chụp ảnh sản phẩm và chuyển tiền vào số tài khoản do N.D cung cấp. Khi thực hiện xong, hệ thống gửi 2 phần quà còn lại và hoàn lại toàn bộ số tiền tôi đã gửi, cộng thêm 8% hoa hồng về cho mình” – Bà B.A kể.
Bà B.A cho biết, sau nhiều lần chuyển tiền với tổng cộng hơn 1 triệu đồng, bà chỉ nhận được ảnh chụp biên nhận chuyển phát nhanh, chờ mãi vẫn không thấy được hoàn tiền và cũng không nhận được quà. Đến khi không liên hệ được với nhân viên Shopee “dỏm”, bà P mới biết mình bị lừa.
Nâng cao cảnh giác bằng cách nào?
Các nạn nhân bị lừa đảo bởi chiêu tặng quà cho biết, sở dĩ họ dễ dàng “sụp bẫy” lừa đảo là do đối tượng lừa đảo tư vấn rất “hợp tình, hợp lý”, nhiều trường hợp họ còn nắm bắt được thông tin cá nhân, lịch sử mua hàng… nên tạo được lòng tin. Nếu người nhận không tinh ý thì rất dễ bị các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đưa vào tròng.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn mạo danh cơ quan nhà nước, đơn vị chức năng như: Bộ Công an, cục thuế, điện lực, nhà mạng, website thương mại điện tử… để lừa đảo không mới, nhưng do biết cách biến hóa, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lôi kéo, cung cấp các liên kết theo chủ đích đã được chuẩn bị từ trước mà các đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt nhiều người.
Theo Cục An toàn thông tin, nguyên nhân mất an toàn thông tin cá nhân là bởi người dùng bất cẩn dễ dàng cung cấp thông tin của mình trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng xã hội, mua sắm trực tuyến, qua các cuộc khảo sát... Mặt khác, các đơn vị, tổ chức vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công tác bảo đảm an toàn thông tin, các cá nhân sử dụng ứng dụng, dịch vụ kết nối xuyên biên giới do các nhà cung cấp nước ngoài quản lý ngày càng phổ biến là rào cản trong công tác quản lý. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần biết cách tự bảo vệ và có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp; Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ trên mạng nhằm tối thiểu các rủi ro không đáng có.