51/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm lệ phí thực hiện DVCTT
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:47, 29/01/2024
51/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm lệ phí thực hiện DVCTT
Sự khởi năm mới, tháng 1/2024, khi nói về những kết quả việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia của các đơn vị trên cả nước thực sự đã có những ghi nhận, tích cực.
Việc tăng cường nguồn nhân lực số xã hội được đẩy mạnh
Ghi nhận trong sự khởi sắc tích cực đó phải kể đến chính là kết quả việc xây dựng nguồn dữ liệu số quốc gia luôn được tăng cường. Cụ thể, tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 01/2024 (từ 01/01/2024 - 20/01/2024) đạt 30.919.657 giao dịch thành công, trung bình hàng ngày có khoảng 1,54 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Cũng trong kết quả chung này, đơn vị điển hình thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu bao gồm: Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp...
Trong đó, Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận 1.428.643.166 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 594.474.786 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công 266.892.808 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư.
BHXH đã xác thực hơn 95,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, đồng thời, phối hợp với Bộ Công an chia sẻ thử nghiệm thông tin sổ BHXH, thông tin khám chữa bệnh BHYT để đưa lên ứng dụng VNeID.
Bộ Nội vụ đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương và đang tập trung hỗ trợ một số bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về CBCCVC.
Bộ Tư pháp đã kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được về mặt dữ liệu, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các đơn vị cũng ngày càng nâng lên. Đã có 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục DVCTT; tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình đạt 100%; tỷ lệ DVCTT (trên tổng TTHC) chiếm 81,05%; tỷ lệ DVCTT toàn trình (trên tổng TTHC) chiếm 48,23%.
Thực hiện miễn giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 23/02/2023, Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023, đến nay, đã có 51/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT, nhằm thu hút người dân tham gia DVCTT.
Riêng đối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC, có 06/20 bộ, ngành, 46/63 địa phương hoàn thành kết nối kho dữ liệu; kết nối, tích hợp 12/250 TTHC (đạt 4,8%) đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chưa dừng lại ở những kết quả trên, đối với kết quả việc tăng cường nguồn nhân lực số xã hội đã được Bộ TT&TT tích cực đẩy mạnh. Theo đó, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 11 bộ, ngành và 43 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến 63/63 tỉnh, thành phố; thành lập 80,7 nghìn Tổ CNSCĐ, gần 379.000 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố.
Đặc biệt, về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong tháng 01/2024, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 950 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 33% so với tháng 12/2023 (1.418 cuộc), giảm 23% so với cùng kỳ tháng 01/2023 (1.234 cuộc).
Cần tập trung thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC
Tuy nhiên, trong những kết quả tích cực trên, theo Bộ TT&TT, vẫn còn những hạn chế tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần các bộ ngành, địa phương chung tay giải quyết như 136 thôn chưa có điện lưới, hoặc đã có điện nhưng điện không đảm bảo cho hoạt động của trạm BTS; một số thôn có địa hình khó khăn, chi phí đầu tư truyền dẫn điện, cáp quang và xây dựng trạm tại những khu vực này tốn kém.
Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, tập trung thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần (tỷ lệ số hóa hồ sơ tại các bộ, ngành chỉ đạt 28,59%, tại các địa phương đạt 39,48%); việc khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành chỉ đạt 0,19%; các địa phương mới đạt 9,52%...
Từ những hạn chế, vướng mắc nêu trên, đồng thời, nhằm giúp, hỗ trợ các đơn vị nâng cao hiệu quả cho công tác, nhiệm vụ quan trọng này, Bộ TT&TT đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để các đơn vị tập trung triển khai trong tháng 02/2024 như Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2024. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo CĐS các bộ, tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2024 để cụ thể hóa các nhiệm vụ Ủy ban giao.
Các đơn vị tiếp tục ban hành, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm phí, lệ phí, nhất là giảm thời gian giải quyết TTHC để khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT; tiếp tục kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành địa phương và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc CĐS theo hướng thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai CĐS.
Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Đặc biệt, cần huy động mọi nguồn lực, người dân và doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ CĐS; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, kịp thời trong công tác phối hợp triển khai”, Bộ TT&TT đề xuất./.