Hỗ trợ người cao tuổi lên môi trường số, cập nhật thông tin để sống khoẻ, lành mạnh
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:32, 30/01/2024
Hỗ trợ người cao tuổi lên môi trường số, cập nhật thông tin để sống khoẻ, lành mạnh
Khoảng cách số là sự tiếp cận không đồng đều với công nghệ số, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và Internet. Khoảng cách số tạo ra sự chia rẽ và bất bình đẳng xung quanh việc tiếp cận thông tin và tài nguyên. Nhóm người lớn tuổi đang ở mặt tiêu cực của khoảng cách số.
Theo ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (TTCS) - Bộ TT&TT, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và lối sống “không tiếp xúc”, phần lớn người cao tuổi ở những quốc gia có trình độ phát triển cao cũng cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Khi mà giới trẻ nhanh chóng thích nghi thì người cao tuổi rơi vào trạng thái buồn phiền, tiêu cực vì không thể sử dụng những tiện ích công nghệ hiện đại.
Để giúp người cao tuổi có được tâm lý tốt hơn, thu hẹp khoảng cách số, Chính phủ Hàn Quốc và Singapore đã quan tâm đến việc trang bị kỹ năng số cho người cao tuổi thích ứng với cuộc sống số đang phát triển nhanh chóng.
Kinh nghiệm ở Hàn Quốc
Năm 2023, Hàn Quốc có dân số 51,3 triệu người. Độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 17,9%, dự báo tăng lên 24,5% vào 2030. Theo khảo sát của Tổ chức Thông tin xã hội quốc gia Hàn Quốc (NIA), chỉ có khoảng 30% người trên 60 tuổi biết cách sử dụng một vài ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone). Trong khi đó, nhóm người từ 10 - 29 tuổi là 99,9% và nhóm người từ 30 - 39 tuổi là 100%.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người cao tuổi ở Hàn Quốc dùng điện thoại chỉ để nghe, gọi và xem giờ. Nhiều người không biết truy cập Internet, không biết sử dụng các dịch vụ như thanh toán trực tuyến hay thương mại điện tử...
Chính quyền Thủ đô Seoul là địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc công bố Chương trình củng cố kiến thức kỹ thuật số nhằm hỗ trợ người cao tuổi từ tháng 5/2022. Để triển khai chương trình, Chính quyền Seoul ban hành chính sách hợp tác với các công ty tư nhân phát triển thiết bị đầu cuối kết nối tự động và dễ sử dụng. Những thiết bị này sẽ được lắp đặt tại các nơi công cộng như: ngân hàng, siêu thị, rạp chiếu phim, giúp người cao tuổi có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.
Đồng thời, Chính quyền Seoul đã tổ chức: (i) Khảo sát, đánh giá nhu cầu cần được hỗ trợ về kỹ thuật số của người cao tuổi; (ii) Tổ chức các đội tình nguyện viên số hỗ trợ người cao tuổi; (iii) Xây dựng, cung cấp một chương trình giáo dục kiến thức kỹ thuật số phù hợp với người cao tuổi.
Sau đó, Chính quyền Seoul tổ chức các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi. Thứ nhất là hỗ trợ thông qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn về công nghệ số. Theo đó, các tình nguyện viên số đến các nơi công cộng như: công viên, nhà hát, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà dưỡng lão, nhà hàng là những nơi người cao tuổi thường tới để hướng dẫn cách sử dụng thiết bị số.
Thứ hai, hỗ trợ thông qua xe buýt giáo dục số, quầy hướng dẫn số tự động. Các xe buýt được trang bị WiFi, máy tính bảng, thiết bị thực tế ảo (VR) đến các nhà dưỡng lão, trung tâm sinh hoạt cộng đồng và được các tình nguyện viên số giới thiệu, hướng dẫn, cung cấp các dịch vụ công nghệ số tại chỗ cho người cao tuổi. Chính quyền Thành phố đã lắp đặt các quầy hướng dẫn kỹ thuật số tự động dành cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Thứ ba, hỗ trợ thông qua các trung tâm học tập số. Trung tâm học tập số được tổ chức dựa trên các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và trung tâm người cao tuổi để cung cấp chương trình đào tạo miễn phí cho người cao tuổi các kiến thức và kỹ năng số, học cách sử dụng ki-ốt tự động, máy tính bảng, VR.
Thứ tư, hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi. Chính quyền Seoul khuyến khích các công ty tuyển dụng người cao tuổi vào làm việc và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về thuế, địa điểm, nhà xưởng... Thông qua các cơ sở làm việc, người cao tuổi học hỏi được nhiều kỹ năng mới, đặc biệt là các kỹ năng về công nghệ thông tin, công nghệ số.
Kết quả sau hơn 01 năm triển khai Chương trình đã có trên 90% người cao tuổi của Thành phố được hỗ trợ giáo dục kiến thức số qua các đội tình nguyện viên số và hơn 85% người cao tuổi hài lòng khi được tư vấn, hỗ trợ. Từ mô hình, cách làm thành công của thành phố Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhân rộng ra các địa phương khác.
Kinh nghiệm ở Singapore
Năm 2023, dân số Singapore là 5,92 triệu người; độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 19,1%, dự báo tăng lên 24,1% vào 2030. Theo khảo sát của Cơ quan Phát triển truyền thông Singapore (IMDA), chỉ có 58% người dân Singapore trên 60 tuổi là dùng Internet.
Từ thực trạng trên, Chính phủ Singapore khởi động Chương trình người cao tuổi chuyển sang kỹ thuật số (Seniors Go Digital) nhằm nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số cho người cao tuổi.
Chương trình được triển khai từ năm 2020 để hỗ trợ những người trên 60 tuổi có thể học các kỹ năng số cơ bản: Thực hiện giao dịch trực tuyến; Truy cập các dịch vụ của Chính phủ; Giao tiếp trực tuyến; Bảo vệ khỏi lừa đảo trên môi trường mạng. Từ Chương trình này, các Trung tâm Cộng đồng số Singapore ra đời, có các nhân viên xã hội hướng dẫn trực tiếp đối với từng người cao tuổi.
Chương trình học của Trung tâm Cộng đồng số bao gồm: Hoạt động kỹ thuật số dành cho người cao tuổi đào tạo về truyền thông, dịch vụ Chính phủ và an ninh mạng; Hoạt động kỹ thuật số dành cho người cao tuổi đào tạo về thanh toán điện tử, ngân hàng di động và an ninh mạng.
Điểm nổi bật của chương trình này là người cao tuổi được hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán điện tử trên điện thoại di động; cách quét mã QR để thanh toán các mặt hàng được thực hành trực tiếp tại các siêu thị, trung tâm ẩm thực, chợ đường phố.
Chính phủ Singapore còn khởi động chương trình truy cập di động cho người cao tuổi nhằm cung cấp các dịch vụ băng thông rộng và các gói điện thoại thông minh để hỗ trợ những người cao tuổi có thu nhập thấp.
Chính phủ trợ cấp cho những người cao tuổi gặp khó khăn về tài chính - ít nhất 5GB dữ liệu/tháng và 1 smartphone có giá hỗ trợ 20 đô la Singapore (khoảng 340.000 đồng) với phí cước di động cả năm là 5 đô la Singapore.
Từ khi bắt đầu vào năm 2020 đến nay, đa số người cao tuổi ở Singapore đã được hưởng lợi từ Chương trình có được các kỹ năng cần thiết giúp họ giao tiếp và giao dịch trực tuyến.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Năm 2023, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 11,86%, dự báo tăng 17% vào năm 2030 và có thể tăng 25% vào 2050.
Tham khảo mô hình, cách làm thu hẹp khoảng cách số cho người cao tuổi ở Hàn Quốc và Singapore, Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo đã đưa ra 3 khuyến nghị khi Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đòi hỏi phải phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, trong đó có nhóm người cao tuổi vốn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, thiết bị số trong đời sống hằng ngày.
Một là, cơ quan quản lý xây dựng, cung cấp một chương trình đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật số cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện ở từng vùng, miền, khu vực để nâng cao cơ hội tiếp cận, kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật số của người cao tuổi.
Hai là, khai thác sức mạnh của các Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) ở xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến nâng cao năng lực số cho người cao tuổi. Theo đó, phát triển đội ngũ nhân lực số ngay tại địa phương bằng cách nhân rộng đội ngũ tình nguyện viên CNSCĐ, trong đó có cả người cao tuổi tình nguyện có hiểu biết về công nghệ số để người biết ít hướng dẫn người chưa biết, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít.
Ba là, khuyến khích các DN viễn thông đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp với người cao tuổi hoặc giới thiệu, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ dành cho người cao tuổi sử dụng như cách làm của Singapore.
Ở Việt Nam đã có sản phẩm SIM sống khỏe - món quà vô giá của Vinaphone dành cho người cao tuổi, với những tính năng hỗ trợ hữu ích gắn liền với đời sống của người cao tuổi như: miễn phí nhận thông báo lương hưu hằng tháng; kho thông tin bổ ích về sức khỏe, đời sống.
Hỗ trợ người già lên môi trường số
Trước các trao đổi và đề xuất của Cục trưởng Cục TTCS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Cục TTCS nghiên cứu phổ cập hướng dẫn những kỹ năng số cơ bản cho người già thông qua hệ thống loa truyền thanh trên toàn quốc.
Công việc đầu tiên là Cục TTCS và Cục CĐS quốc gia nghiên cứu truyền thông cho người cao tuổi cẩn trọng để phòng chống lừa đảo bị lấy mất tiền khi hiện đây đang là vấn đề nóng. Tiếp theo có thể nghiên cứu truyền thông phổ biến kỹ năng về phòng chống lộ lọt thông tin, bắt nạt trên mạng…
Theo Bộ trưởng, hệ thống loa truyền thanh do Cục TTCS quản lý có khả năng đặc biệt hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp, dịch bệnh. Các lĩnh vực viễn thông, bưu chính… cũng có thể áp dụng cách thức tương tự cho lĩnh vực của mình trong tình huống khẩn cấp.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị quản lý nhà nước các lĩnh vực của Bộ đều phải chú trọng đến người già. Cần phải hỗ trợ người già sống một mình và ngay cả người già sống với con cháu cũng cần được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông, dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến... Ở Việt Nam hiện cũng có nhiều người già sống một mình nếu không có sự hỗ trợ là rất khó khăn.
“Hỗ trợ người già lên môi trường số để họ được cập nhật, biết nhiều thông tin để sống khoẻ, sống lành mạnh cũng rất tốt. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến trẻ em từ cấp 2 trở xuống như hỗ trợ hướng dẫn phòng chống bị bắt nạt trên mạng”, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ quan tâm./.