Chuyển đổi số thách thức người làm báo phải làm được nhiều điều khác biệt
Truyền thông - Ngày đăng : 19:06, 03/02/2024
Chuyển đổi số thách thức người làm báo phải làm được nhiều điều khác biệt
Để chuyển đổi số (CĐS) báo chí thành công, điều cốt yếu là nguồn nhân lực. Nhân lực phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CĐS báo chí
CĐS báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. CĐS báo chí bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội (MXH), ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Mục tiêu của CĐS báo chí là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho độc giả.
Bên cạnh công nghệ, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của CĐS báo chí là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được cho là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí, báo chí Việt Nam với báo chí các nước và báo chí với các phương tiện truyền thông khác...
ThS. Nguyễn Thùy Chi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và quá trình CĐS, cách làm báo hiện nay đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống. Do vậy, đặt ra yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực báo chí để theo kịp thời đại trong bối cảnh CĐS.
Để CĐS báo chí thành công, điều cốt yếu là nguồn nhân lực. Nhân lực báo chí phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống.
“CĐS báo chí phụ thuộc vào nhân lực ở tất cả các khu vực khác nhau trong cơ quan báo chí: Lãnh đạo, quản lý cấp cao; lãnh đạo, quản lý cấp trung; quản lý cấp cơ sở; đội ngũ cán bộ, phóng viên. Tất cả như những mắt xích quan trọng để vận hành cỗ máy CĐS. Nếu một mắt xích bị lỗi, cỗ máy sẽ vận hành kém hiệu quả, thậm chí không thể hoạt động”, ThS. Nguyễn Thùy Chi nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Phượng Long, Báo điện tử Giáo dục và Thời đại chia sẻ: CĐS báo chí là xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí không chỉ ở Việt Nam và ở nhiều nước. Do đó, cơ quan báo chí, đặc biệt là người đứng đầu cần có tư duy nhạy bén, nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội để đưa cơ quan báo chí bước vào tiến trình CĐS.
Thực chất của CĐS báo chí là thay đổi tư duy và thay đổi cách làm cũ, bằng việc ứng dụng, tích hợp nhiều công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí. Từ đó, tạo sự đa dạng của sản phẩm báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông và thực hiện theo đường hướng để đến đích.
“Để thực hiện điều đó, ngoài các yếu tố công nghệ, yếu tố nguồn nhân lực được đánh giá là quan trọng nhất trong tiến trình CĐS báo chí. Vì nguồn nhân lực luôn được xem là yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực cũng như trong tiến trình CĐS báo chí”, nhà báo Nguyễn Phượng Long cho hay.
Yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực báo chí
Chia sẻ về những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực báo chí trong CĐS, ThS. Nguyễn Thùy Chi cho biết, hiện nay số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ người hoạt động trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam tương đối lớn. Tuy nhiên, trình độ, năng lực của đội ngũ người làm báo còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực CĐS báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu trong công cuộc CĐS báo chí. Nhiều cơ quan báo chí thiếu nguồn lực và những kiến thức công nghệ cần thiết để triển khai và quản lý các nền tảng trực tuyến một cách chuyên nghiệp.
Vì vậy, trong bối cảnh CĐS báo chí sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo nhà báo đa năng, đa nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai đội ngũ nhà báo phải đảm đương đa nhiệm các công việc liên quan đến nghiệp vụ báo chí như: phát hiện vấn đề, chủ đề; xử lý thông tin, viết bài, thiết kế nội dung, quay phim, ghi hình kỹ thuật số, phân tích dữ liệu, tiếp nhận các phản hồi từ độc giả…
Bên cạnh đó, CĐS đòi hỏi các cơ quan báo chí cần đáp ứng đủ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và nguồn nhân lực chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản các báo điện tử của Việt Nam mới dừng lại ở công nghệ Web 1.0 (read - only), chỉ một số ít đã bắt đầu là Web 2.0 (cho phép đọc - viết, tương tác giữa người đọc và bài báo ngay trên nền tảng của báo và cho phép lưu giữ một phần thông tin danh tính người đọc). Chưa thực sự tồn tại cơ sở dữ liệu riêng của từng cơ quan báo chí về người đọc và hành vi của người đọc (đa số đều phụ thuộc vào công cụ đo của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook hoặc các công cụ đo lường của các bên thứ ba khác).
CĐS báo chí cũng đứng trước thách thức từ các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, bị ảnh hưởng bởi MXH, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.
“Do vậy, đòi hỏi nguồn lực báo chí số đáp ứng các kỹ năng mới: kỹ năng khai thác, kiểm chứng thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng khai thác, xử lý tài nguyên dữ liệu số; kỹ năng bảo mật thông tin số...; có văn hóa và đạo đức phù hợp với tác nghiệp trong môi trường số”, ThS. Nguyễn Thùy Chi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Phượng Long nêu rõ, một đặc thù của CĐS báo chí là sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Do vậy, đội ngũ người làm báo phải am tường công nghệ, kỹ thuật và thực sự giàu sáng tạo mới có thể tạo ra được các sản phẩm báo chí đa dạng, có tính hấp dẫn cao, lôi cuốn được bạn đọc để tiến tới thực hiện chức năng giáo dục và định hướng dư luận của báo chí.
“CĐS thách thức người làm báo phải làm được nhiều điều khác biệt. Công nghệ mặc dù là “nữ hoàng” đối với báo chí, nhưng chỉ là đòn bẩy nếu không có sự tác động của con người thì công nghệ sẽ không phát huy được những ưu việt để tạo ra giá trị. Nhưng nếu nhân lực không bảo đảm thì cũng sẽ xảy ra tình trạng không tận dụng hoặc sử dụng được hiệu quả tối đa của công nghệ đem lại”, nhà báo Nguyễn Phượng Long bày tỏ.
Nhà báo Nguyễn Phượng Long cho rằng: Để tác nghiệp được trong môi trường báo chí CĐS, người làm báo phải “CĐS toàn diện”, nghĩa là phải tích hợp được nhiều phẩm chất, kỹ năng.
Hơn thế nữa, ngày nay, báo mạng điện tử và các nền tảng MXH, với khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải từng giây, từng phút qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng Internet, qua điện thoại thông minh, con người có thể tiếp cận thông tin về mọi lĩnh vực, ở bất kỳ nơi nào. Vì thế, con người không đủ khả năng kiểm soát nguồn thông tin, và từ đây bắt đầu hình thành khái niệm “báo chí công dân”.
Điều này đòi hỏi, nguồn nhân lực báo chí trong tiến trình CĐS phải đạt tới trình độ cao, hiểu biết rộng, am tường công nghệ, giàu sáng tạo, xử lý nhanh chóng, có bản lĩnh chính trị, khách quan, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết./.